Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Đức Thanh Tịnh

HT. Thích Thanh Từ
Muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp mà không lo hoán cải con người, ấy chỉ là việc mò trăng đáy giếng. Nhằm mục đích xây dựng xã hội, đạo Phật bắt đầu hoán cải từng cá nhân, chẳng những trong hạng thành niên, mà đến hàng trẻ thơ non dại. Nền tảng tạo thành một con người tốt đẹp là thanh tịnh. Thanh tịnh là trong sạch. Trong sạch không có nghĩa thoát ly ngoài cảnh trần tục, mà chỉ ở ngay trong cõi đời ô trược, nhưng không bị nhiễm ô, thế mới thật là trong sạch. Như hoa sen tuy nằm giữa đống bùn nhớp nhúa, mà hương vị vẫn thơm tho.
Vì thế khi nói đến đức thanh tịnh, đạo Phật hằng mượn hoa sen để biểu thị. Ðức Phật nghiễm nhiên ngự trên đài sen. Muốn thực hiện đức thanh tịnh, người Phật tử tập dần từ thô đến tế, từ cạn đến sâu theo thứ tự: hành độâng thanh tịnh, ngôn ngữ thanh tịnh, và tư tưởng thanh tịnh.
Hành động thanh tịnh.
Trước nhất người Phật tử giữ gìn thân thể sạch sẽ, sự ăn mặc vén khéo giản dị, cho đến khi đi đứng phải đoan chính; tránh mọi xa hoa, phù phiếm và vô độ. Mặc một bộ đồ bóng dợn, ướp nước hoa nồng nặc... cử chỉ ấy, đối với người Phật tử vẫn thấy không thanh tịnh chút nào.
Người Phật tử lập đức thanh tịnh, không bao giờ ỷ tài năng thế lực đánh đập, lấn hiếp người hay vật khi thấy họ thân cô, thế quả. Càng tránh xa hơn, đối với sự giết hại dù con vật nhỏ bé vô cớ, người Phật tử không nỡ giết. Vì đó là hành động xấu xa. Cho đến một cái nhìn ngạo nghễ, một cử chỉ khinh khi, người Phật tử cũng không khi nào có. Bởi vì một hành động xấu xa dù lớn, dù bé cũng có thể làm hoen ố đời trắng trong của người Phật tử. Họ tránh xa những cử chỉ xấu như người hiền tránh xa những đám ẩu đả và đôi chối.
Những hành động bạo ác, người Phật tử không bao giờ làm, nhưng với cử chỉ lành, hành động tốt, họ tích cực hoạt động. Vì hành động thanh tịnh không phải chỉ bảo thủ riêng mình mà phải cứu giúp nâng đỡ mọi người. Bởi thế nên bàn tay Phật tử lúc nào cũng chực vuốt thẳng những nét nhăn trên trán cho kẻ thảm sầu, thoa dịu những vết thương cho người đau khổ và lau khô giòng lệ lăn trên má của cô nhi... Bàn tay ấy sẽ mở lồng cho đàn chim sắp bị nhổ lông được vỗ cánh tung bay về bầu trời cao rộng, vỗ về một con vật bị người hành phạt đau thương, cho đến lượm gai trên đường rộng và nhặt đá trên lộ quan... Tựu trung, mọi hành động trên đều nhằm mục đích cứu người, cứu vật.
Ngôn ngữ thanh tịnh.
Lời nói là một lợi khí rất sắc bén, nó có thể giết người, giết mình một cách dễ dàng, nếu là lời nói ác. Nên Phật dạy: "Người đời luỡi búa bén nằm sẵn trong miệng, sở dĩ giết mình do lời nói ác." Lời nói ác không chỉ mắng chửi, trù rủa... mà là nói lời ngọt như đường, êm như nhạc, nhưng để lừa bịp người, cũng là nói ác. Lời nói ác tức là bất tịnh, ô uế, nên người Phật tử không bao giờ để nó thốt ra nơi cửa miệng mình. Nếu lỡ vô tình hay bại trận vì cơn nóng giận đã thốt ra những lời thô ác, người Phật tử lấy làm nhục nhã, xấu hổ, phải chí thành sám hối và tuyệt đối không dám tái phạm.
Lời nói có thể là lưỡi kiếm bén giết người nếu trong tay kẻ bạo ác, thì nó cũng có thể là cây đuốc sáng đưa người ra khỏi rừng mê, hay hoàn linh đơn cứu người trong cơn bệnh ngặt nếu trong tay nhà đạo đức, kẻ từ tâm. Vì thế người Phật tử cấm chỉ nói lời thô ác, nhưng thao thao nói những lời hiền hòa, êm dịu và chân thật. Rất cần những lời nói hiền hòa để khỏa bằng hầm hố thù hiềm đã đào sâu giữa mình và người, hoặc người với người. Có những lời êm dịu, ta mới khuyên lơn được những người uất hận khi gặp cảnh nghịch lòng, kẻ thất chí vì tình đời phụ bạc và tát vơi được phần nào nguồn lệ thảm của người tật nguyền, khốn khổ... Nhờ lời nói chân thật mới xiển dương được chân lý và vạch rõ lẽ chánh tà. Tóm lại, tất cả lời nói có tánh cách giúp ích người, có lợi cho xã hội đều là lời thanh tịnh, người Phật tử phải hằng tập và nói những lời ấy.
Tư tưởng thanh tịnh.
Ðộng cơ chính gây nên tội ác, hoặc khiến đời sống con người phải ngầu đục, nhớp nhơ trong biển sanh tử là tư tưởng; ngược lại, tạo vô lượng phước đức đưa con người đến quả thanh tịnh giải thoát cũng do tư tưởng. Tư tưởng thủ một vai trọng yếu nhất trong đời người. Người nên, hư, tốt, xấu, tiến, thối... đều do tư tưởng quyết định. Vì thế người Phật tử phải gạn lọc đào thải những tư tưởng xấu, tăng trưởng những tư tưởng tốt, để tâm hồn được thanh tịnh.
Muốn đào thải những tư tưởng xấu, ta phải anh dũng chiến thắng bọn giặc tham lam, sân hận, tự ái, ngã mạn..., xua đuổi chúng ra ngoài tâm giới ta. Bọn chúng được kêu một danh từ gọn hơn là "phiền não", ngày nào bọn phiền não còn lẫn trong tâm ta, thì ngày ấy trí ta rối loạn, tâm ta vẩn đục. Phiền não là sóng, là cấu bợn, mà tâm là nước. Sóng dừng, cấu bợn lặng, tức là tâm nước trong. Sự ngầu đục trong tâm hồn ta bởi phiền não tạo nên, ta có thể dùng một vài bằng chứng để minh xác nó. Một tên bợm móc túi, sở dĩ dám thò tay móc túi người trước "thập mục sở thị" là vì nó chỉ thấy có tiền... hay nói bằng cách khác, nó trở thành tôi mọi của lòng gian tham sai sử. Nên chi lúc ấy, nó có thấy gì tù tội, biết gì xấu xa. Một bằng chứng nữa, khi ta gặp cảnh nghịch ý, cơn giận dữ nổi lên, khi đó ta còn đủ lý trí suy xét phải quấy nữa chăng, hay mặc tình để cho con quỉ giận dữ thúc đẩy? Nếu còn suy nghĩ kịp thì cơn giận tan, bởi đã nô lệ bọn quỉ sân hận, nên mới xảy ra cuộc xô xát bằng miệng, bằng tay. Người Phật tử muốn gạn lọc tư tưởng thanh tịnh quyết phải quả cảm, tích cực thanh trừng bọn giặc phiền não còn trú ẩn trong tâm mình.
Chẳng những thế, Phật tử cần tăng trưởng tư tưởng từ bi hỉ xả. Tâm ta chẳng khác một mảnh đất mầu mỡ, nếu không có lúa khoai thì cỏ dại mọc. Cũng thế, khi ta nhổ hết cỏ dại phải giâm giống lúa khoai, nếu để đất trống thì cỏ sẽ mọc lại. Trong khi cực lực chiến đấu với những phiền não, Phật tử không quên tăng cường tâm từ bi, hỉ xả... vì đó là nước cam lồ để gột rửa những nghiệp cấu bợn phiền não đang khắn chặt trong tâm hồn ta. Và nó cũng là đám mưa tưới mát muôn loài đang bị lửa phiền não thiêu đốt.
Tóm lại, trong ba món thanh tịnh, tư tưởng là quan trọng hơn cả, do đó người Phật tử tu đức thanh tịnh, xem tư tưởng là phần thiết yếu nhất, gạn lọc tư tưởng thanh tịnh rồi, ngôn ngữ, hành động tùy đó mà thanh tịnh. Như nước ở hồ lọc trong rồi, khi mở vòi nào cũng đều chảy nước trong cả.
CON NGƯỜI THANH TỊNH HOÀN CẢNH CŨNG THANH TỊNH
Một khi thân tâm ta thanh tịnh, hoàn cảnh sẽ tùy thuộc thanh tịnh. Hoàn cảnh không nhất định tốt, xấu, nhơ, sạch tùy hành động tư tưởng con người mà chuyển theo. Một nhóm người văn minh trí thức dù ở nơi thôn dã hoang vắng, nhưng một thời gian cảnh ấy sẽ trở thành tốt đẹp, thị tứ. Trái lại, một bọn người rừng chẳng hạn, cho ở giữa đô thành hoa lệ, một thời gian đô thành ấy sẽ biến ra cảnh nhớp nhúa xấu xa, nếu họ không được cải thiện... Bởi thế, đạo Phật muốn cải thiện xã hội, cải thiện quốc gia trước tiên phải cải thiện con người. Muốn cải thiện con người, đầu tiên phải cải thiện tư tưởng. Như vậy tư tưởng, ngôn ngữ và hành động con người thanh tịnh thì chính cõi Ta-bà này đã thành Tịnh độ rồi, hay thế giới này chính là thế giới Cực Lạc vậy. Ta muốn sanh về Tịnh độ, thì chính ta phải thanh tịnh trước đã. Kinh có câu: "Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương." Nghĩa là: "Thân, miệng và ý hằng trong sạch, sẽ đồng như chư Phật sanh về cõi Phật." Thế mà, có một số người ước mơ sanh về cõi Cực Lạc mà miệng vẫn nói ác, tâm vẫn tham, giận... thật là trái lẽ. Tu bằng cách đó chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi. Người Phật tử chân chánh không mơ ước gì hơn, ước mơ con người mình được thanh tịnh, không tranh đấu nào bằng tranh đấu với phiền não ở nội tâm. Thắng được phiền não, toàn thân đều thanh tịnh, thế là vạn vật tùy tâm, sống một cuộc đời tự do tự tại.
Từ trên đến đây, đã thấy đức thanh tịnh là căn bản của người tu Phật, chẳng những căn bản của người tu, mà đức thanh tịnh cũng là cội nguồn của một xã hội văn minh; văn minh đúng với thật nghĩa của nó. Cho nên, bất luận trong đạo, ngoài đời nếu ai muốn cải thiện đời mình, cải thiện xã hội đều phải tu tập đức thanh tịnh cả... Nhưng gần nhất và cần yếu nhất là Phật tử, đã biết đi chùa, lễ Phật nghe kinh mà không áp dụng triệt để đức thanh tịnh vào đời sống của mình, thật là phản bội với tên Phật tử.
http://www.vuontam.net/news.php?id=2647#TG

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Nồi cơm Nhan Hồi

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử
Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …
Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

Thầy và Trò

Huỳnh Ngọc Trảng
(Nguyệt san Giác ngộ 192, 03/2012)
Có hai bậc thầy được thế nhân nhiều đời xưng tụng: Một là Thích Ca Mâu Ni Phật, được Tăng Ni, Phật tử hàng ngày, hàng giờ xưng tụng Nam-mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, Phật; và hai là Đức Khổng Phu Tử được tôn là "Vạn thế sư biểu". Hai bậc Đại sư đó đã dạy thế nhân những gì là chuyện không bàn ở đây, bởi ai, không nhiều thì ít, cũng đã biết. Điều đáng lưu tâm là hai Ngài đã dạy đệ tử như thế nào.   
1
Đức Phật đi tu, đắc đạo rồi bắt đầu việc truyền dạy giáo pháp lần đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như ở Vườn Nai/Lộc Dã. Tín đồ nhà Phật coi đây là một trong những kỳ tích của Phật và định danh kỳ tích này là Sơ chuyển pháp luân - Khởi động bánh xe Phật pháp/Dharma cho nó quay, quay mãi đến bây giờ. Bánh xe, tiếng Phạn Caka, là bánh xe chiến xa, nó di chuyển cán nát quân địch. Ở đây Caka được dụ cho Phật pháp thâm nhập vào tâm chúng sanh có thể phá tan mê hoặc của họ.
Từ đó, Phật Thích Ca truyền đạo của mình mãi cho đến lúc nhập Niết-bàn. Những năm cuối đời, kinh Phật có chép việc đối thoại với các đệ tử, trong đó trong các kinh bổn ít ỏi mà tôi đọc được thấy có 2 lần: một lần hỏi Tu Bồ Đề, một lần hỏi A Nan rằng: “Suốt 80 năm tại thế ta có nói điều gì không?”.
Đáp: “Bạch Đức Thế Tôn, suốt 80 năm tại thế, Đức Thế Tôn không nói điều gì cả”.
Thế là thế nào? Điều này chỉ ra rằng các môn đồ cần phải nỗ lực tu tập, cần tìm cái tự lực chứ không nên chấp vào kinh tạng mà bổn sư đã giảng dạy. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là không nên giáo điều, không nên sa vào chủ nghĩa kinh viện. Nói cách khác, thời thế đổi thay, từng sát ra mọi vật đều biến đổi. Lời ông thầy dù được coi là vàng ngọc thì lúc đó, trong bối cảnh, trong điều kiện thực tế... khác với bây giờ và ở đây. Làm kẻ học trò mà y cứ điều thầy dạy thì làm sao mà khá lên được và cuộc đời cũng không dễ duôi mà cưu mang loại hạng không chủ động, không sáng tạo, không động não, không dám và không có năng lực đổi mới đó. Nói cách khác, hai mặt của cơ và lý phải tương hợp, viên dung.
2.
A Nan (S: Ananda; Hán dịch: Khánh hỷ, Hoan hỷ, Vô nhiễm) là một trong mười đại đệ tử và là em con người chú ruột của Phật. A Nan sinh đúng vào đêm Phật đắc đạo. Năm 55 tuổi, Phật quay về quê hương truyền đạo. A Nan lúc đó 25 tuổi theo người anh họ là Thích Ca xuất gia.
A Nan là người đức hạnh và thông minh xuất chúng nên được Phật chọn làm thị giả. Trong suốt 25 năm đầu sau khi đắc đạo, Phật không có thị giả riêng và đến lúc đó, công việc hoằng hóa chúng sinh đòi hỏi phải có thị giả để phụ giúp Phật. Khi ấy, các đại đệ tử “tài đức vẹn toàn” như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Kiều Trần Như... đưa ra các ứng viên xứng đáng, nhưng Phật không nhận. Cuối cùng, chư vị Tỳ-kheo đề cử A Nan. Chuyện kể rằng A Nan nhận lời với một bảng danh sách điều kiện cần phải có thì mình mới đảm đương trọng trách đó. Tám điều kiện ấy gồm bốn việc từ chối là: Không cho A Nan y áo, đồ ăn, phòng ở riêng và được mời ăn; và bốn điều chấp nhận là: 1. Nếu A Nan mời thọ trai thì Thế Tôn sẽ sẵn lòng đi dự; 2. Thế Tôn sẵn lòng gặp những người ở xa đến do A Nan giới thiệu; 3. Thế Tôn chấp nhận cho A Nan tiếp kiến nếu như A Nan gặp phải những điều phân vân, và 4. Thế Tôn sẽ giảng lại những bài kinh khi A Nan vắng mặt (Theo Tiểu bộ kinh III, Trưởng lão tăng kệ, chương 17, phẩm Ba mươi kệ, phần Ananda, NXB. TP.HCM, 2000, tr.456).
Như vậy, với bốn điều từ chối, cho thấy A Nan nhận làm thị giả là đảm đương chức phận của người thị giả chứ không làm thị giả để “dựa hơi” ông anh Phật mà kiếm chác danh lợi, cụ thể theo ý đoạn trích dẫn trên mà nói thì người đệ tử/môn đồ/học trò không phải dựa vào mối quan hệ thầy-trò, thậm chí là “học trò cưng/học trò ruột”, được cái chức danh thị giả để kiếm cái ăn, cái mặc, kiếm nhà ở và theo đóm ăn tàn: Theo thầy để có mặt mọi chỗ mọi nơi “danh giá” đặng vây vo này nọ. Cái phẩm chất người học trò ở A Nan quả là tấm gương lớn về nhân cách để chúng ta soi rọi, học tập vậy.
Lại nữa, 4 điều yêu cầu được chấp nhận đã đề ra trách nhiệm của người làm thầy, làm Bổn sư của người đời, tức là quan hệ thầy trò là quan hệ tương tác, hai chiều, chứ không phải chỉ có một chiều là thầy đến trò và trò không có quyền đòi hỏi ở thầy gì cả. Trong 4 điều đó, điều thứ tư là thầy phải có trách nhiệm truyền đạt hết những sở đắc của thầy một cách tường tận, chứ không phải lười biếng hay giấu diếm kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để lấy đó làm ưu thế độc quyền, khẳng định ưu thế độc tôn, vị thế vượt trội của cá nhân, kéo dài vĩnh viễn cái nguyên tắc “không thầy đố mày làm nên”. Điều thứ hai lại chỉ ra trách nhiệm là thầy phải luôn sẵn lòng giải đáp những bài toán thực tế đặt ra, có tính chất đột xuất mà trò phân vân, tiến thoái lưỡng nan. Bởi thầy thì vai vế lớn đang luôn phải lo “chuyện đại sự” và lúc nào cũng “bận việc quan trọng” nên không rảnh hoặc chưa rảnh để tiếp chuyện với trò, để lắng nghe những vấn đề của đám đệ tử; hoặc thường coi các vấn đề/ vấn nạn của trò là chuyện nhỏ, thật là vớ vẩn... Thái độ như thế thì một là kẻ cả, hai là vô tâm, ba là thiếu nhân hậu và bốn là coi thường - không tôn trọng học trò.
3.
Trong kinh Tăng nhất A Hàm có ghi lại lời khen A Nan của Phật Tổ rằng: “Vị Tỳ-kheo hàng đầu trong hàng Thanh văn của Ta, biết thời thế, hiểu vạn vật, hiểu cặn kẽ không chút nghi ngờ, cái gì nhớ được thì không bao giờ quên, hiểu biết sâu rộng, chịu nhẫn nhục, biết kính bề trên. Đó chính là Tỳ-kheo A Nan”.
Khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, trên núi Linh Thứu, Đức Phật ngồi trên tòa, đưa cành hoa sen ra trước đại chúng. Tất thảy mọi đệ tử đều ngơ ngác, chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Phật thoại thâm thúy này được gọi tên là Niêm hoa vi tiếu (Niêm hoa thuấn nhục phá nhan vi tiếu). Thế là Phật tuyên bố “phó chúc cho Ca Diếp”. Ca Diếp như vậy là Sơ Tổ, vị Tổ đầu tiên, đứng ra kế tục công việc quản lý Tăng già, tức là chỗ y chỉ của các Tỳ-kheo. A Nan bậc nhất trong hàng đệ tử Thanh văn, nhưng do vẫn còn ngơ ngác khi thấy Phật đưa cành hoa sen nên không được chọn làm người kết tục đầu tiên. Sau này, khi Ca Diếp qua đời, A Nan mới được tôn làm Nhị Tổ. Cái việc Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chọn người kế tục rất vi diệu là ở chỗ chọn ai kế tục không phải là việc đơn giản, xét theo cái lý chứ không phải cái sự, thấy rõ cái lý thể chứ không để cho cái sự, cái biểu che lấp.
A Nan, sau khi Phật nhập Niết-bàn, là người hầu như duy nhất nhớ toàn bộ những lời giảng đạo của Đức Phật. Do đó, A Nan đã được tôn làm giảng sư, đọc lại những gì mình đã nghe Phật dạy để Tăng chúng ghi chép toàn bộ thành kinh điển Phật giáo, trong lần kết tập lần thứ nhất. Dấu vết còn đến ngày nay là câu mở đầu các kinh “Như thị ngã văn” nghĩa là “Tôi được nghe như thế này”. “Tôi” ở đây là A Nan. Kể lại chi tiết trên để chúng ta biết rõ tài phẩm của A Nan. Và qua đó, bộc lộ rõ cái phẩm hạnh của vị môn đồ đáng kính này đối với thầy của mình.
Theo kinh Đại bát Niết-bàn (quyển 40) ghi lời Đức Phật nói với Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi rằng, A Nan có đủ 8 pháp và có khả năng thọ trì 12 thể loại kinh (12 phần giáo) nên gọi A Nan là Đa Văn Tạng. Điều liên quan đến chủ đề đang quan tâm của chúng ta là 8 pháp, hiểu là 8 phẩm chất mà A Nan có được:
1. Tín căn bền vững (Lòng tin sâu rễ bền gốc. Có điều này mới sinh trưởng mọi công đức);
2. Tâm tính chất trực;
3. Thân không bệnh khổ;
4. Thường siêng tinh tấn;
5. Đầy đủ các niệm tâm;
6. Tâm không kiêu mạn;
7. Thành tựu định ý;
8. Từ nghe sanh trí  (Do nghe/học mà suy gẫm các tầng nghĩa lý cho tường minh; do đó trí tuệ càng sáng thêm).
Tám pháp của A Nan này, về sau được các tự viện lấy làm tiêu chuẩn đức hạnh cho Tăng Ni. Chúng ta có thể lấy đó mà vận dụng làm tiêu chuẩn để tu dưỡng cho bản thân mình trong thời đại ngày nay được chăng?
4.
Khổng Tử chủ trương dạy là cốt để người ta thành người nhân nghĩa, trung chính, tức người quân tử. Song, dạy mà không học thì dẫu dạy hay thế nào cũng không dẫn đến thành công. Dạy và học là mối quan hệ qua lại, cái này là điều kiện của cái kia và ngược lại. Chính vì vậy, với tư cách người thầy, Khổng Tử rất coi trọng sự học, lấy sự học là điều trọng yếu. Cái học của cổ nhân là học đạo của Thánh hiền để hiểu nghĩa lý, biết phải trái mà sửa mình cho thành người đức hạnh. Đó là điều khác với ngày nay mà chúng ta cần lưu ý. Chắc hẳn đa phần chúng ta ai cũng biết câu: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri đạo” (Học ký, XVIII) hay câu: “Quân tử học dĩ tri kỳ đạo” (Luận ngữ, Tử trương, XIV). Học là học đạo lý.
Về việc giáo hóa, theo Khổng Tử thì con người ai cũng có cái tính của trời đất phú cho. Cái tính ấy thì ai cũng như ai, nhưng rồi do tập quán mà thành ra mỗi người một khác, duy chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu thì mới không biến đổi:
“Tính tương cận dã,
“Tập tương viễn dã.
“Duy thượng trí dữ hạ ngu bất di”.
(Luận ngữ, Dương hoá, XVII)
Xét từ thực tế loài người, bậc thượng trí và người hạ ngu thời nào cũng có, nhưng luôn là số ít, thậm chí rất ít. Cho nên hạng trung nhân chiếm phần nhiều, có thể dạy bảo được cả. Khổng Tử chủ trương rằng: “Hữu giáo vô loại”, tức có dạy mà không phân loại này loại kia: Ai cũng có thể dạy thành người, không kể hạng người nào, nòi giống nào.
Khổng Tử rất chú ý về việc giáo hóa: Dạy không mệt mỏi (Hối nhân bất quyện). Ông đề ra nguyên tắc rằng: Ai đem đến cho ta một cây nem thì ta dạy. Chúng ta hiểu theo cái hiểu bây giờ thì “cây nem” là học phí. Song điều lưu ý là yêu cầu đóng “cây nem” ấy là yêu cầu rằng chính người ấy muốn học, muốn được nghe lời giáo huấn. Cái động cơ học tập của người học, theo đó, là yêu cầu đầu tiên và rất cơ bản. Trường học không phải là chương trình ca múa nhạc pha tạp kỹ “free”: thích thì vào xem, xem chán thì bỏ ra về. Cái khổ nhất trên đời là cố công dạy những kẻ không muốn học và tất nhiên là dạy và học như vậy là vô nghĩa và vô ích.
Khổng Tử nói rõ rằng: “Bất viết: như chi hà, như chi hà giả, ngô mạt như chi hà dã kỳ hỉ”. (Người nào không nói rằng: Làm thế nào, làm thế nào, thì ta cũng chẳng biết làm thế nào được). (Luận ngữ, Vệ Linh Công XV). Học là phải tích cực, chủ động đặt câu hỏi, đặt vấn đề. Cách học thụ động như vậy thì Vạn thế sư biểu cũng chào thua.
Lại nữa, người thầy chỉ gợi lên một mối rồi người học phải suy nghĩ thêm để mà hiểu rốt ráo vấn đề. Thầy không thể và không cần nói hết, dạy hết tất thảy. Nói học một hiểu mười là chủ vào khả năng tự học. Học xong đại học, cái học được lớn nhất là cách tự học, tức nắm được phương pháp tìm hiểu/nghiên cứu các vấn đề chứ không phải tốt nghiệp xong là thu tóm toàn bộ tri thức loài người vào cái “hồ lô pháp thuật bách bệnh tiêu trừ”. Học được cái bằng tiến sĩ cũng vậy: Nâng cấp khả năng nghiên cứu chuyên môn/chuyên khoa/chuyên ngành của mình lên một bậc chứ không phải là đã trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý, ở giữa thấu sạch sành sanh nhơn tình! Biển học vô bờ mà cái tâm lý thỏa mãn non như vậy là nguy rồi. Nay không ít kẻ đã và đang chết chìm trong sự huyễn hoặc vô căn cứ đó. Lại chủ quan cao ngạo “khó khăn nào cũng vượt qua, hội thảo nào cũng phát biểu”. Thật là lố bịch. Khổng Tử nói rõ thái độ dạy học của mình rằng: “Bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát. Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã” (Luận ngữ, Thuật nhi, VII). Có nghĩa là: Không tức giận vì muốn biết thì không khai mở cho, không bực bội vì nói không rõ ra được thì không bày vẽ cho. Vật có 4 góc, đã chỉ bảo cho biết một góc mà không suy ra ba góc kia thì không dạy nữa.
Về phương pháp dạy học trò, Khổng Tử chủ trương dạy theo tư chất của người học: “Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã, trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ thương dã”. (Đối với người có tư chất bậc trung trở lên thì có thể nói những điều cao xa; đối với những người có tư chất bậc trung trở xuống thì không thể nói những điều cao xa).  (Luận ngữ, Ung giã, VI). Theo đó, trong nội dung dạy học của Khổng Tử có hai thứ: một là công truyền, dạy cho mọi người; và hai là tâm truyền, dạy những điều cao xa, khó hiểu dành riêng cho những người có tư chất đặc biệt, tự mình học mà lĩnh hội lấy, chứ không giảng giải nhiều lời.
Lại có những điều quá uyên áo, bao la quá thì không dạy. Khổng Tử có lần bảo Tử Cống rằng: “Dư dục vô ngôn” (Ta không muốn nói). Tử Cống thưa lại: “Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên”: Nếu Phu Tử không nói thì đệ tử biết nói theo vào đâu. Khổng Tử bảo: “Thiên hà ngôn tai! Tử thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai!” (Trời có nói gì đâu! Bốn mùa chuyển vần, trăm vật sinh sôi. Trời có nói gì đâu!). (Luận ngữ, Dương hoá, XVII). Ở đời có nhiều điều nhờ nói ra, giảng giải ra thì sáng tỏ; lại có lắm việc nói nhiều lại mờ tối đi, càng giảng giải càng rối! Đối với Khổng Tử, những gì có ý nghĩa sâu xa, khó giảng cho rõ rốt ráo thì ít bàn đến. Luận ngữ chép: “Tử hãn ngôn lợi dữ mệnh dữ nhân”. (Khổng Tử ít nói đến lợi cùng mệnh và nhân). (Luận ngữ, Tử hãn, IX).
Ít nói đến “lợi” vì lợi có thể làm hại nghĩa, sợ người học hiểu không hết lẽ rồi đắm đuối vào cái gần gũi mà nhỏ mọn đó, hoặc ngược lại siêu việt quá, cao đạo với cái lợi một cách phi thực tế.
Ít nói tới nhân và mệnh bởi hai vấn đề đó rất tinh vi, rất to lớn, sợ người ta thiên về mặt cao xa quá, hoặc ngược lại không theo kịp đâm ra thất vọng - mất cái trung dung.
Đặc biệt có 4 thứ Khổng Tử không nói là quái, lực, loạn, thần. Quái là chuyện quái lạ, huyền hoặc, Lực là bạo lực, Loạn là chuyện bội loạn và Thần là việc thờ cúng thần quỷ.
Tuy đời sau tôn là Vạn thế sư biểu, nhưng khi tại thế Khổng Tử đã hiểu rõ và tôn trọng học trò, đặc biệt trân trọng cái được, cái hơn của họ. Một hôm Tử Hạ hỏi Khổng Tử:
- Nhan Hồi là người thế nào?
Khổng Tử nói:
- Cái tín của Nhan Hồi hơn ta.
- Tử Cống là người thế nào?
- Cái nhanh của Tử hơn ta.
- Tử Lộ là người thế nào?
- Cái dũng của Do hơn ta.
- Tử Trương là người thế nào?
- Cái nét trang nghiêm của Sư hơn ta.
Tử Hạ đứng dậy mà hỏi rằng:
- Thế thì sao bốn gã ấy lại đến học thầy?
Khổng Tử nói:
- Lại đây ta bảo: Ôi! Hồi biết tin mà không nghĩ lại;
 Tứ biết nhanh mà không biết có lúc đáng chậm;
 Do có dũng mà không biết có lúc nên nhát; 
 Sư có nét trang nghiêm mà không biết ung dung để dễ hòa đồng với mọi người. 
 Gồm tất cả những cái hay của bốn gã ấy có mà đổi lấy cái của ta không bằng bốn gã, ta không thuận. Vì vậy bốn gã thờ ta làm thầy mà không có hai lòng vậy (Khổng Tử gia ngũ, Lục bản, XV).
Nói tóm lại, Khổng Tử bao giờ cũng hòa nhã mà vẫn tôn nghiêm, rất khoan hòa mà vẫn cương nghị đối với học trò. Điều quan trọng là đạo của ngài rất giản dị, chủ vào đạo đức thực tiễn, mà vẫn có phần quảng đại cao xa. Các vấn đề nêu ra đều có tính mở nên chính vì vậy những điều ngài giảng dạy về sau được nhiều thế hệ môn đệ phát triển thành nhiều phái đa dạng, tạo nên các tư trào Nho học khác nhau.
5.
Gần đây, ngành giáo dục ta đề ra phương pháp dạy học lấy học trò làm trung tâm và coi đó là điều rất ư là mới mẻ. Cứ xem, Đức Phật dạy cho các môn đồ, Đức Khổng Phu tử dạy cho học trò có ai không lấy học trò làm trung tâm. Tác phẩm Luận ngữ nổi tiếng của Khổng Tử không là tập hợp những lời trao đổi của thầy Khổng và các môn đệ là gì.
Trong lịch sử có 3 đường hướng giáo dục, theo đó mỗi đường hướng quy định mục đích và cách thức giáo dục, quan hệ thầy trò khác nhau:
- Giáo dục quy ước nhằm mục đích đề kháng/ngăn ngừa sự đổi mới để bảo vệ nguyên trạng, chức năng chính của nó là tạo sự tuân phục. Và ở đây, học trò được coi là cái chai rỗng để thầy đổ các kiến thức vào, và nội dung dạy là những gì từ trước đến nay là y như vậy.
- Giáo dục tiến bộ nhằm mục đích thay đổi con người để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội, đường hướng giáo dục này đảm nhận chức năng cải cách và theo đó, người thầy tạo ra sự lý thú cho người học, có đối thoại, thảo luận nhóm, nhưng thầy là người quyết định thế nào là câu trả lời đúng.
- Giáo dục khai phóng/giải phóng có mục đích thay đổi xã hội để đáp ứng nhu cầu của con người và đường hướng giáo dục này có chức năng biến đổi. Phương pháp giảng dạy là những cuộc đối thoại mở ra trong đó nhiều giải đáp phát xuất từ mọi kinh nghiệm của con người. Như vậy, mọi người giáo dục lẫn nhau thông qua nhiều dạng học tập, trao đổi. Ở đây chủ vào tự lực của người học và cơ bản là chủ động. Đường hướng giáo dục giải phóng cho cả thầy lẫn trò.
Nói tóm lại, thầy - trò là mối quan hệ hai chiều và có tính tương tác qua lại. Những gì trình bày trên đây là nhằm chỉ một vài trường hợp mà tôi cho là điển hình về quan hệ thầy trò. Rõ ràng là mối quan hệ này hoàn toàn lệ thuộc vào đường hướng giáo dục. Ba đường hướng giáo dục nêu ra trên đây cốt để chúng ta soi rọi và chọn lựa.

Mối liên hệ giữa Thầy trò trong đời sống Thiền môn

 Thích Nguyên Hiệp
(Nguyệt san Giác ngộ 192, 03/2012)
Trong truyền thống Khổng giáo, quan hệ giữa thầy và trò được coi trọng hơn giữa cha mẹ và con cái, và người thầy được xếp vị trí chỉ sau nhà vua mà trên tất cả mọi hạng người trong xã hội. Khổng giáo đã nâng vai trò người thầy lên một tầm mức quan trọng, và qua lịch sử truyền thừa của mình, tinh thần đó đã được phản ánh một cách rõ nét. Phật giáo không phân cấp khinh trọng các mối quan hệ như Khổng giáo. Theo Phật giáo, mỗi mối quan hệ đều có tầm quan trọng riêng của nó, và một con người để hình thành nên nhân cách và tài năng hẳn có sự chi phối từ nhiều phía: cha mẹ, thầy giáo, môi trường xã hội và chính cả bản thân người đó.
Tuy nhiên, trong đời sống thiền môn, mối quan hệ giữa thầy và đệ tử là đặc biệt quan trọng và giữa họ luôn có sự tương tác lẫn nhau một cách sâu sắc. Người thầy giữ một vai trò vô cùng thiết yếu trong việc dẫn dắt những người bước đầu học đạo. Đối với một người mới xuất gia, giáo thuyết và những phương pháp tu tập đối với họ đôi khi khó hiểu và vì thế có thể dẫn đến việc hiểu và thực hành sai. Vì vậy, thầy là người có nhiệm vụ trong việc truyền trao sự hiểu biết đến đệ tử và hướng dẫn họ đi theo một đường hướng đúng đắn, từ nếp sống trong chùa cho đến việc thực hành lời dạy của Đức Phật. Nếu một người không có đủ khả năng (lẫn nhân cách) mà nhận hướng dẫn người khác thì tất yếu sẽ đưa đến kết quả tai hại. Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, một người xuất gia tu học không thể thiếu một người thầy hướng dẫn, và người tu hành sẽ không bao giờ thành công, có khi trở thành điên dại, nếu không có được một người thầy chân chính. Những điều tương tự như vậy cũng thường được phản ánh trong kinh điển: Có những vị sau khi nhận đệ tử, đã không có phương pháp dạy đệ tử cho thích hợp, khiến đệ tử không phát triển được đời sống tâm linh, để rồi khiến họ trở nên chán nản và quay trở lại đời sống thế tục. Thậm chí có những vị trưởng lão thời Đức Phật, đôi khi vẫn không nhìn thấy rõ được căn cơ của đệ tử, đã trao cho họ pháp môn không thích hợp, dẫn đến việc họ thực hành không có kết quả.
Người xuất gia khi mới vào chùa phải trải qua một thời kỳ tập sự. Trong thời gian này, họ vừa học tập kinh điển và vừa làm những công việc chấp lao phục dịch trong chùa, và đây cũng là thời gian họ được thầy mình đặc biệt quan tâm chỉ dạy. Có những vị thầy đã chọn những người mới vào tu làm thị giả cho mình, để qua đó dễ dàng thấy được nhân cách và căn cơ của người này để từ đó có phương cách giáo dục thích hợp. Còn người đệ tử trong thời kỳ tập sự xuất gia, khi được gần gũi bên thầy sẽ giúp họ có nhiều cơ hội trong việc học hỏi lời thầy dạy cũng như noi theo lối sống của thầy mình (thân giáo). Vai trò của người thầy trong chốn thiền môn như vậy rất thiết yếu, có thể tác động rất lớn đến việc hình thành nên nhân cách cũng như việc phát triển tâm linh của người đệ tử. Đối với những người xuất gia tuổi còn nhỏ thì sự tác động đó càng lớn hơn. Người đệ tử xuất gia ở một ngôi chùa mà ở đó việc cúng đám được coi là công việc chính thì xu hướng của người đệ tử cũng ngả dần theo đó; còn một người xuất gia ở một ngôi chùa mà ở đó lấy việc tu tập làm trọng thì người đệ tử cũng sẽ có khuynh hướng đi theo con đường này. Nhưng mọi việc luôn có ngoại lệ, cũng có những đệ tử đã độc lập chọn lấy lối đi của mình mà không hoàn toàn bước theo dấu chân của thầy - bất kể lối đi đó có thể tốt hơn hay có thể xấu hơn!
Một điều rõ ràng rằng, trong một gia đình, những người con được nên người, thành danh phần lớn nhờ vào sự giáo dưỡng cũng như tình thương yêu của cha mẹ. Trong một ngôi chùa, người đệ tử, để hình thành nên một con người có đủ tài đức thì sự góp phần của người thầy cũng không nhỏ. Nhưng trong mối quan hệ hỗ tương, người đệ tử cũng có thể góp phần đem lại sự thành công cho thầy mình trong việc xiển dương Phật pháp. Một con người dù tài năng đến đâu, nếu không có được sự giúp sức của người khác thì vẫn gặp nhiều hạn chế trong công việc của mình. Bằng chứng dễ thấy là giữa Lục tổ Huệ Năng và ngài Thần Tú. Ngài Huệ Năng được biết đến như ngày hôm nay tất nhiên là do tư tưởng siêu xuất của ngài, nhưng cũng không thể phủ nhận sự góp công của những vị đệ tử về sau, mà cụ thể là Thần Hội. Pháp bảo đàn kinh sẽ không được hình thành nếu không có những vị đệ tử tài giỏi tiếp nối. Ngài Thần Tú xuất hiện trong Pháp bảo đàn với một hình ảnh khiêm tốn cũng chỉ vì đệ tử của ngài đã không làm gì nên nổi để xiển dương đường lối của thầy mình!
Ngay cả Đức Phật, giáo pháp của Ngài được truyền bá cũng phải cần đến những vị đệ tử xuất sắc tiếp nối Ngài như A Nan, Ca Diếp, Ưu Ba Ly… trong buổi đầu, và về sau là ngài Long Thọ, Nagasena (Na Tiên), Thế Thân, Buddhaghosa (Phật Âm), Huyền Trang… và ngay cả những đệ tử tại gia như Ashoka, Kanishka… Nhưng các vị ấy sở dĩ đã nhiệt tâm làm rạng danh thầy mình bởi vì họ đã nhận thấy được sự hữu ích trong những lời dạy của Đức Phật và kính phục đời sống phạm hạnh cao cả của Ngài.
Một người thầy tài giỏi không phải chỉ là người tìm cách thuyết giảng cho hay mà còn là người biết đào tạo nên được những đệ tử tốt. Những đệ tử xuất sắc, với tài năng và cách hành xử có đạo đức sẽ góp phần làm rạng danh thầy tổ và Phật giáo nói chung. Những ai đã từng đến nghe Đức Dalai Lama thuyết giảng hay thấy ngài ở các cuộc hội thảo sẽ nhận ra được điều này. Những vị đệ tử của ngài, cũng là những vị phụ tá, khi đứng bên cạnh ngài luôn tỏ một thái độ tôn kính hết mực và biểu lộ một thái độ khiêm cung đáng kính, dù họ đang là những viện trưởng của các học viện lớn của Tây Tạng, thông đạt nhiều vấn đề, thành thạo nhiều ngôn ngữ. Cách hành xử đó đã khiến cho những người chứng kiến vừa mến phục họ và vừa kính ngưỡng thầy của họ hơn.
Quan hệ thầy trò trong Phật giáo không chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa hai thế hệ kế tiếp mà còn là một chuỗi tiếp nối dài lâu, trải qua nhiều thế hệ. Điều này thể hiện rõ nét hơn nơi Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản và cả Việt Nam. Phật giáo Trung Hoa là sự kết hợp của nhiều tông phái, và sự truyền thừa của mỗi tông phái là một chuỗi nối tiếp chặt chẽ giữa thầy và trò. Trong Thiền tông, sự truyền thừa này có lẽ dễ thấy nhất. Ở đây sự truyền thừa không chỉ là sự tiếp nối mà còn là sự xiển dương tông phái của mình, làm cho lời dạy của người đi trước được rõ nghĩa và cũng làm thích ứng những lời dạy đó vào từng thời đại. Có những người thầy, có khi tên tuổi của họ được biết đến phải nhờ đến những người về sau.
Trong thời đại ngày nay (ở Việt Nam), sự ảnh hưởng của người thầy đối với đệ tử của mình ít nhiều không còn sâu sắc như ngày xưa, vì người đệ tử bây giờ hình như học tập ở thầy mình ít hơn học hỏi ở những người khác, và thời gian họ ở gần thầy cũng không còn được nhiều. Họ phải trải qua nhiều chương trình học, từ ngoại điển cho đến nội điển. Bên cạnh đó, có những người thầy nhiều khi nhận đệ tử nhưng thực sự đã không dạy được gì cho đệ tử. Đó là chưa nói đến những người nhận đệ tử trong khi tư cách làm thầy của mình không/chưa có. Như vậy, khoan nói đến việc đã dạy được gì cho đệ tử, những người thầy như thế đã tác động xấu đến họ trong buổi đầu xuất gia, hình thành trong tâm hồn trong sáng của họ một hình ảnh không mấy đẹp đẽ về người đi trước.
Người xuất gia khi rời xa cha mẹ và đời sống gia đình thì ngôi chùa trở thành nơi nương tựa của họ, và người thầy vừa là thầy nhưng cũng vừa là cha mẹ của họ. Mỗi khi ngôi chùa không thực hiện được chức năng tổ ấm tâm linh cho người xuất gia và người thầy không thể hiện được vai trò làm nơi nương tựa cho đệ tử vào buổi đầu thì tất yếu sẽ dẫn đến một hệ quả không mấy tốt đẹp. Nghĩ thế nào khi người đệ tử rời khỏi chùa của mình mà không chút quyến luyến, rời xa người thầy của mình mà cảm thấy vui mừng? Và không thể rằng, người đệ tử sau khi rời xa chùa đi học đã không muốn quay trở về khi khóa học kết thúc; cũng không thể rằng người đệ tử sống trong một ngôi chùa mà tâm hồn lúc nào cũng cảm thấy bất an, muốn tìm đến ở một nơi khác…
Chúng ta thường nghe nhắc nhiều đến lòng từ bi trong đạo Phật. Lòng từ bi nói một cách dễ hiểu là tình thương, một tình thương không tính toán, một tình thương không chỉ có nói mà còn phải thực hành. Cổ nhân thường khuyên rằng lời nói nên đi đôi với hành động, vì chỉ nói mà không hành động thì lời nói ấy chẳng có ích gì cả. Bảo rằng tôi thương yêu mọi người, thương tất cả mọi chúng sanh, trong khi không thương được những người thân cận, gần gũi bên mình thì lời nói ấy thật vô nghĩa. Tình thương, trong quan hệ giữa thầy và trò trong đạo Phật đóng một vai trò vô cùng ý nghĩa. Người xuất gia khi rời bỏ gia đình để vào chùa, đời sống của họ đã gửi gắm vào người thầy, ít nhất trong buổi đầu. Người thầy như vậy đã trở thành điểm nương tựa của người đệ tử. Nếu điểm tựa đó không vững vàng, không đủ ấm áp thì người đệ tử sẽ bị chao đảo và có khi sẽ rơi ngã.
Ngày hôm nay, khi mà đời sống của người xuất gia chịu sự chi phối và tác động lớn lao từ những điều kiện xã hội bên ngoài thì trách nhiệm của người thầy đối với đệ tử của mình càng lớn hơn. Người thầy nên chịu khó gần gũi đệ tử, chịu khó lắng nghe, và chịu khó giáo dục cho đệ tử có được một đời sống đạo đức căn bản trong bước đầu trước khi gửi họ đi học ở một nơi khác. Người thầy không chỉ hướng dẫn cho đệ tử học hai thời công phu, dăm ba bài tán… không thôi mà còn phải hướng dẫn cho đệ tử những chuẩn mực sống cơ bản. Người thầy không chỉ dạy đệ tử mỗi một việc “sự sư đệ nhị” là xong, mà phải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với đệ tử, phải thấy được sứ mệnh của một người đi trước đối với người đi sau trong quan hệ hỗ tương truyền bá giáo pháp; phải thấy việc hướng dẫn, đào tạo đệ tử quan trọng hơn việc xây dựng chùa to Phật lớn, quan trọng hơn việc làm nhang, làm tương và bán đồ chay hàng tháng, quan trọng hơn việc cúng đám cầu siêu, cầu an… Hoặc nếu không xem việc đào tạo con người có ý nghĩa hơn những việc kia, thì ít ra cũng nghĩ rằng nó là việc cần phải để tâm đến, đừng xem việc nhận đệ tử là để cho có người rót trà, bưng cơm cho mình.
Nhiều vị thầy có thể bỏ ra hàng tỉ đồng để xây dựng chùa chiền, nhưng lại không thể bỏ ra một phần trăm trong đó để lo cho đệ tử học hành; có thể tổ chức làm từ thiện hàng tỉ đồng để kiếm lấy những mảnh giấy “người tốt việc tốt”, nhưng đệ tử đi học phải lây lất, hết xin tiền gia đình đến xin tiền Phật tử để trang trải cho việc học. Mọi việc làm tất nhiên đều cần thiết và có ý nghĩa riêng của nó, tuy nhiên cũng nên biết rằng mỗi khi việc giáo dục bị bỏ ngỏ, hay sự quan tâm đến giáo dục không được đầu tư đúng mức thì điều đó chẳng có gì hay ho. Việc giáo dục trong Phật giáo rõ ràng là quan trọng, nó không chỉ là việc đào tạo nên những con người có ích cho đời mà còn hình thành nên những con người biết gìn giữ và xiển dương giáo pháp của Đức Phật. Mỗi khi người thầy quan tâm và giáo dục đệ tử đúng mực, thì tất yếu người đệ tử sẽ tỏ lòng tôn kính và sẽ có những hành động tích cực đối với thầy của mình cũng như đối với đạo pháp nói chung (tất nhiên có ngoại lệ).
Tre già măng mọc. Câu nói quen thuộc ấy nói lên sự tiếp nối tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ. Người lớn rồi sẽ nằm xuống và trẻ nhỏ sẽ lớn lên; thầy rồi sẽ nằm xuống và trò rồi sẽ lên làm thầy. Nhưng để cho trò khi lên làm thầy có đầy đủ những phẩm chất của một người thầy thì ngay bây giờ họ phải được quan tâm và được giáo dục đúng mức. Măng rồi sẽ thành tre, nhưng trở thành một cây tre cong queo, còi cọc thì giá trị của nó có lẽ chỉ dừng lại ở chỗ làm củi, mà không có thể làm gì khác hơn!

Quan hệ Thầy trò trong kinh, luật Phật giáo

HT. Thích Trí Quảng
(Nguyệt san Giác Ngộ 192, 03/2012)
Mối quan hệ thầy trò là một trong những mối quan hệ căn bản của con người có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến tri thức, tư tưởng, phẩm cách, đạo đức, v.v… và đặc biệt là trong Phật giáo, mối quan hệ thầy trò mang đậm tính cách kế thừa về tâm linh, về sự tu chứng, về đức hạnh, về hành Bồ tát đạo…
Để trở thành người đệ tử của Phật, điều đầu tiên và cần thiết là quy y Phật, Pháp, Tăng. Với sự nương tựa Tam bảo đầu tiên, thì Phật là vị Thầy dẫn đường vĩ đại nhất đối với người đệ tử, mà kinh điển thường gọi là vị đại Đạo sư, từ đây mối quan hệ thầy trò trong đạo được hình thành.
Ngày nay, Đức Phật đã vắng bóng trên cuộc đời, trên bước đường tu học theo lời di huấn của Ngài, người đệ tử Phật được sự dạy dỗ, uốn nắn, giáo dưỡng của nhiều vị thầy như thầy truyền Tam quy Ngũ giới, thầy thế phát xuất gia, thầy giáo thọ, thầy A xà lê, v.v… Tuy nhiên, trong các vị thầy này, thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn được hàng đệ tử tôn kính và ngưỡng vọng như bậc thầy tối thượng, vì chính Đức Phật đã khai mở con đường cho mọi người thoát khỏi kiếp trầm luân sanh tử luân hồi, đến bến bờ giác ngộ, giải thoát trọn vẹn.
Theo Phật giáo, tri thức và đạo đức là hai điều cần thiết tối ưu mà một người thầy nhất định phải có. Vì có tri thức thì mới truyền trao tri thức cho người được và không phải chỉ có tri thức, điều quan trọng không kém là tri thức của người thầy trong đạo phải đặt nền tảng trên đời sống phạm hạnh. Thật vậy, theo kinh Cụ túc giới trong kinh Tăng chi, tiêu chuẩn trước tiên của một bậc thầy là phải thể hiện được giới hạnh trong cuộc sống của mình. Giới nói theo ngày nay là những nguyên tắc sống đạo đức căn bản theo thế gian và siêu xuất thế gian được mọi người kính phục. Đức Phật là bậc thầy điển hình vẹn toàn cả tri thức và đời sống thánh thiện tuyệt đối, cho nên Ngài giáo hóa thành công một cách nhẹ nhàng mọi người từ vua chúa cho đến hàng trưởng giả, hay thứ dân trong xã hội đương thời.
Chẳng những có tri thức và đạo đức, kinh điển ghi rõ phẩm chất của người thầy còn thể hiện tuyệt đối lòng từ bi vô ngã vị tha trong việc dạy dỗ, “Xem học trò như đứa con một của mình mà không cần sự trả ơn, không vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chính mình” (Kinh Ưu bà tắc giới, phẩm 13, Thâu phục đệ tử, HT.Tịnh Nghiêm dịch). Điều này cho thấy tính cách thiêng liêng của tình Thầy trò trong đạo thật là cảm động.
Ngoài ra, để thành công trong việc dạy dỗ học trò, người thầy còn phải biết rõ căn tánh, hành nghiệp và khả năng của học trò, tức là biết rõ khả năng, tâm lý và động cơ phát xuất từ nội tâm của học trò. Điều này tất nhiên không đơn giản, vì căn tánh, hành nghiệp và khả năng của mỗi người học trò đều khác nhau. Và một khi đã hiểu rõ như vậy, thì người thầy sẽ có phương cách giáo hóa tương ưng, để bảo vệ Chánh pháp. Khi Phật tại thế, có một số người xấu ác len lỏi vào hàng cư sĩ tín tâm để chỉ trích, phá hoại sự hòa hợp của chư Tăng. Đức Thế Tôn đã kiên quyết đuổi họ ra khỏi đoàn thể. (Theo Đại tạng kinh Việt Nam, Tăng Chi Bộ IV, phẩm Niệm, phần Bình bát, VNCPHVN ấn hành 1997, trang 55). Chẳng những dạy dỗ về tri thức và đạo đức, Đức Thế Tôn còn chăm lo  sức khỏe và đời sống vật chất cho các Tỳ-kheo bệnh hoạn.
Cũng như người thầy có tri thức, người học trò cũng  phải gieo trồng và phát huy tri thức của mình bằng cách đặt hết tâm trí vào việc học tập; vì đi theo con đường Phật dạy thì trí tuệ là sự nghiệp của người tu. Chẳng những hiểu biết những gì người đời biết, mà còn phải nỗ lực tiến xa hơn, hiểu biết những gì mà chỉ có Thánh nhân và Phật biết.
Song song với việc mở mang trí tuệ, người  học trò phải tiếp nối được nếp sống đạo hạnh mà Phật và Thầy, Tổ đã thể hiện, nói lên tinh thần thừa kế chân chính là “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Thật vậy, khi ta có việc làm tương ưng với vị thân giáo sư, thì người thầy mới thích thú và truyền trao những điều sở trường để ta thừa kế tiếp sự nghiệp tinh thần mà cả một đời của thầy dày công xây dựng. Đó là kinh nghiệm của tôi khi trình luận án tiến sĩ với Giáo sư Viện trưởng Viện Đại học Rissho, Nhật Bản. Nhờ có mối quan hệ tri thức và tâm linh với vị thân giáo sư này, cho nên ông đã chỉ dạy tôi một cách tường tận phương hướng nghiên cứu và làm đạo sau này. Thầy trò có tâm đắc trong việc truyền trao và tiếp thu như vậy, nên ông hy sinh cả thì giờ quý báu để dạy tôi và còn dành cảm tình đặc biệt cho tôi vì đã tìm được người thừa kế được sự nghiệp của ông. Thiết nghĩ đó là tâm lý tự nhiên của tất cả giáo sư dù là đạo hay đời.
Tóm lại, mối quan hệ thầy trò hoàn toàn tốt đẹp qua chính tấm gương giáo hóa ngời sáng của Đức Phật và chư vị Thánh Tăng, chư vị Tổ sư còn lưu lại trong kinh điển đã nêu rõ tính chất hoàn mỹ của sự giáo dục theo Phật giáo. Điều này chẳng những có giá trị từ nghìn xưa mà cho đến ngày nay, nhất là trong thời hiện đại, mối quan hệ thầy trò trong đạo nói riêng và sự giáo dục theo Phật giáo nói chung, hẳn sẽ là đáp số vô cùng cần thiết cho những vụ việc phi đạo đức đang diễn ra như học trò chửi mắng thầy cô, học trò đánh thầy cô trọng thương, hoặc giáo viên uống rượu đánh nhau và những cảnh bạo lực trong học đường… đang gây nhiều bức xúc trong xã hội chúng ta.
Thiết nghĩ cuộc sống con người có vô số mối tương quan tương duyên, mà trong đó, mối quan hệ thầy trò đóng vai trò quan trọng cho sự hình thành tư cách đạo đức và trí tuệ cho mỗi người, từ đó xây dựng được sự học tập tốt đẹp ở học đường, xây dựng được gia đình có nề nếp, hạnh phúc và tạo dựng được xã hội trật tự kỷ cương và phát triển bền vững. Để đạt được thành quả như vậy, thì mối quan hệ thầy trò theo Phật giáo là mô hình thực sự có giá trị đáng được quan tâm, học tập và làm theo trong thời đại ngày nay.

Pháp hành Như Lai thanh tịnh thiền



HT. Giác Ngộ
Các bậc Thiền Sư thường dạy: “Giải thoát chỉ có thể chứng nghiệm khi thực hành và không bao giờ đạt được trên sự bàn luận lý thuyết suông” . Nhờ hành thiền mà chư Phật đã giác ngộ và chứng thành Chánh Giác. Do đó, pháp hành chính là phương pháp hành thiền thực tiễn do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu tập, chứng nghiệm và truyền dạy lại để người đệ tử Phật có thể thực hành hướng đến giải thoát. Đây là phương pháp tu tập theo con đường Bát Chánh Đạo để diệt tận tham sân si, gồm ba phần: Giới - Định - Tuệ.
I.  GIỚI
Muốn đi xa phải bắt đầu từ gần, muốn lên cao phải bắt đầu từ thấp. Nghĩa là muốn đạt được giải thoát giác ngộ, hành giả phải bắt đầu từ thềm thang giới luật. Do đó, khi bắt đầu vào khóa thiền tập, các thiền sinh cần phải tụng kinh sám hối để các nghiệp được thanh tịnh, sau đó thọ trì tam quy bát giới để gìn giữ trong suốt khóa tu. Đặc biệt là giới tịnh khẩu phải hết sức nghiêm trì, vì lời nói và hành động lăng xăng thường làm tâm ta xáo trộn, không đủ yên tịnh để quán sát nội tâm. Vì thế, giới chính là nền tảng căn bản cho người tu thiền.
II. ĐỊNH
Định là phương pháp tập trung tư tưởng, làm cho tâm thể được vắng lặng, tâm dụng trở nên mạnh mẽ mà thẩm sát các pháp. Đức Phật dạy nhiều phương pháp tập trung và duy trì tâm ý trên một đối tượng duy nhất. Nhưng phương pháp khám phá thực thể nội tại thuận lợi nhất là pháp số tức quán hay còn gọi là pháp quán niệm hơi thở. Trong khóa thiền tập này, phương pháp quán niệm hơi thở được thực hành trong tất cả các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, mà thuật ngữ nhà Phật gọi là thiền hành, thiền trụ, thiền ngọa và thiền tọa.
1.      Phương pháp Thiền hành:
Thiền hành là đi kinh hành theo sự hướng dẫn chung. Trong khóa thiền tập, thiền sinh đi kinh hành với hội chúng theo thứ lớp. Vừa tập trung bước theo bước chân trái hay phải của người đi trước mình, vừa quán niệm hơi thở hay niệm thầm câu niệm Phật để tâm khỏi tán loạn. Thiền hành là phương pháp giúp cơ thể vận động và tâm thư giãn, thảnh thơi theo mỗi bước chân đi.
2.      Phương pháp Thiền trụ:
Thiền trụ là phương pháp đứng trụ một chỗ theo tư thế sao cho hai gót chân vừa chạm khít nhau và hai bàn chân xếp lại thành hình chữ V. Hai tay buông thỏng một cách tự nhiên, không gượng ép. Mắt khép vừa, miệng ngậm, tâm theo dõi hơi thở. Thiền trụ tạo cho người tu thiền một đức tính kiên định, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
3.      Phương pháp Thiền ngọa:
Thiền ngọa là phương pháp nằm ngủ trong tư thế tỉnh giác. Trước khi ngủ, hành giả nên ngồi tĩnh tọa, quán niệm hơi thở trong vòng 10 đến 15 phút. Khi cảm thấy buồn ngủ, hãy nằm ngủ theo tư thế con sư tử, tức nằm nghiêng bên tay phải, chân trái xếp trên chân phải, bàn tay phải để nhẹ dưới má phải, tay trái buông thõng ở giữa bụng và tiếp tục quán niệm hơi thở cho đến khi đi vào giấc ngủ. Ngủ theo cách như vậy giúp cho người tu thiền luôn tỉnh giác, không gặp ác mộng, khi thức dậy tinh thần được sảng khoái và minh mẫn.
4.       Phương pháp Thiền tọa:
Thiền tọa là phương pháp ngồi an định được thực hành qua ba bước: điều thân, điều tức và điều tâm.
a.      Điều thân:
Điều thân là điều hòa tư thế ngồi cho thích hợp trước khi thực hành thiền định. Có thể ngồi kiết già hay bán già cũng được. Lưng thẳng, đầu ngay, miệng ngậm, răng khít, lưỡi trải ra và đầu lưỡi vừa đụng nướu răng trên. Mắt khép vừa, nhìn vào trong, tai nghe vào trong, tâm theo dõi hơi thở. Hai bàn tay để trên hai cổ chân bàn tọa, bắt ấn tam muội hoặc để tay trên tay dưới sao cho hai đầu ngón cái vừa chạm nhau.
b.      Điều tức:
Điều tức là điều hòa hơi thở. Trước khi thiền định, hãy buông xả mọi duyên, giữ tâm thật yên lặng, rồi bắt đầu thực hành ba hơi thở đặc biệt.
·         Hơi thứ nhất: hít vô thật đầy, thở ra thật hết để súc sạch buồng phổi.
·         Hơi thứ hai: hít vô thật đầy rồi nín lại, đến khi không chịu nổi nữa thì thở ra từ từ cho thật hết.
·         Hơi thứ ba: hít vô thật đầy rồi nín lại, đến khi không chịu nổi nữa thì thở ra tự nhiên và buông xả, không khởi niệm, giữ tâm hoàn toàn thanh tịnh.
Ba hơi thở này có công năng làm cho bá mạch được lưu thông, khí lực tràn đầy, hôn trầm nhất thời bị phá tan, vọng tưởng bị đẩy lùi, thân tâm khinh an dễ dàng vào định.
Sau ba hơi thở này, hành giả ngồi thản nhiên, tâm vắng lặng rỗng không, quan sát hơi thở ra vào một cách tự nhiên, nhận thấy rõ hơi thở đang chuyển dần từ thô đến tế và từ từ đi vào định. Đây không phải là phương pháp luyện thở, mà là phương pháp tập phát triển chánh niệm. Hành giả buông xả và chú tâm quan sát hơi thở của mình càng lâu bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Khi thấy vọng tưởng sinh khởi, tư tưởng trôi dạt lang thang, hãy bình tĩnh và kiên trì kéo tâm về đề mục quán hơi thở theo pháp điều tức gồm ba bước:
·         Pháp chuyển tức: tập trung tư tưởng vào minh đường, tức giữa hai chân mày. Hít hơi vào, niệm “Nam”; đưa tư tưởng xuống giữa lồng ngực, niệm “Mô”; tiếp tục đưa hơi thở xuống đơn điền, dưới rốn ba phân, niệm “A”. Tại đây, bắt đầu thở ra, niệm “Di”, chuyển tư tưởng trở lên giữa lồng ngực, niệm “Đà”, rồi chuyển lên lại giữa minh đường, niệm “Phật”.       Cứ thực hành như thế để nhiếp tâm điều phục vọng tưởng. Trong trường hợp không thể nhiếp tâm vào quán niệm, thì có thể kết hợp quán niệm và đếm số từ 1 đến 10 và đến 100, không cho quên hay lộn, nếu bị quên hay lộn, hãy đếm lại từ đầu.
·         Pháp điều tức:  sự thực hành quán niệm hơi thở và vận dụng đưa tư tưởng lên xuống như vậy là phương pháp giúp cho bá mạch được lưu thông, tinh thần minh mẫn, vọng tưởng được diệt trừ, hôn trầm biến mất. Khi tư tưởng đã được tập trung và hơi thở được nhẹ nhàng. Hành giả thở một cách tự nhiên và đưa tư tưởng tập trung nơi đan điền (dưới rốn ba phân). Hít hơi vô niệm “Nam Mô A”, thở ra niệm “Di Đà Phật.” Không cần đếm. Khi nào tâm được an tịnh, hành giả buông xả không cần niệm nữa, tức là đạt đến trạng thái vô niệm, nhập vào sơ thiền gọi là “Ly sanh hỷ lạc”.
·         Pháp diệt tức: hơi thở lúc này từ từ nhẹ dần, nhẹ đến mức dường như hơi thở không còn, nhưng tâm vẫn tỉnh giác cảm nhận được sự rung động nhẹ nhàng nơi dưới chót mũi trên đỉnh nhơn trung. Lúc bấy giờ các lỗ chân lông đều mở ra, toàn thân mát lạnh. Lỗ mũi thông thoáng, có thể nghe tiếng kêu lắc cắc bên trong. Tâm được hỷ lạc trong trạng thái an định, nhập vào nhị thiền gọi là “Định sanh hỷ lạc”.
c.        Điều tâm:
Khi đạt được sự hỷ lạc trong trạng thái an định, hành giả càng nhiếp tâm vào định. Khi định được lắng sâu, hành giả có thể trải qua nhiều kinh nghiệm lạ thường khác nhau như thấy ánh sáng, các hình ảnh vi diệu, nghe âm thanh … danh từ nhà Phật gọi tất cả các kinh nghiệm lạ thường này là “ấn chứng thiền”. Đó là dấu hiệu cho biết tâm trí đã đạt đến một mức định cao hơn. Thân tâm lúc ấy cảm nhận sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Ly hỷ diệu lạc”, chứng và trú thiền thứ ba. Tuy nhiên, sự diệu lạc trong các cảnh giới thiền này chỉ là trạm dừng, Kinh Pháp Hoa gọi đây là hóa thành trên đường về bến giác. Do đó, hành giả chỉ tạm dừng để chiêm nghiệm rồi buông xả, và giữ tâm hoàn toàn thanh tịnh, tỉnh giác, chứng và trú vào thiền thứ tư, gọi là “xả niệm thanh tịnh”.
Đến đây, thân tâm trở nên nhu nhuyến dễ sử dụng, hành giả có thể chọn lựa để hướng tâm tu tập theo hai cách:
·         Cách thứ nhất: có thể hướng tâm vào “tứ không định” và phát triển chứng đắc được “Ngũ thông” rồi nhập vào “Diệt thọ tưởng định”; kinh tạng Pali gọi đây là thiền thứ chín, có công năng diệt trừ tất cả các lậu hoặc, chứng đắc được Lậu tận thông, hoàn toàn giải thoát, không còn luân hồi sanh tử. Tuy nhiên, đây là con đường khó khăn và nguy hiểm, hành giả dễ rơi vào trạng thái vô ký hoặc bị lạc vào không tưởng.
·         Cách thứ hai: chuyển tâm từ định sang quán, nhập vào ngũ thiền. Đây là trạng thái tâm hằng an định nhưng có tuệ quán chiếu soi, nên gọi là “định quán” hay “định xả”. Đến đây hành giả cần phải chú tâm quan sát vào một điểm nhỏ duy nhất ở đầu mũi để có một định lực thật mạnh trước khi tiến qua giai đoạn thiền tuệ.
III. TUỆ
Thiền tuệ là phương pháp định quán để quan sát toàn thân theo pháp quán tứ niệm xứ. Để thực hành quán Tứ niệm xứ, người tu thiền cần phải trải qua giai đoạn tu định. Tuy nhiên, bản thân các trạng thái định không có khả năng đưa hành giả đạt được sự giải thoát, chức năng của chúng chỉ là bàn đạp để phát triển tuệ giác. Do đó, khi tu tập hành giả không nhắm vào việc đắc thọ hỷ lạc mà nhắm vào việc rèn luyện tâm trí thành một khí cụ để xem xét chính các cảm thọ cũng như các pháp đang hiện khởi bên trong chính mình để đoạn trừ các lậu hoặc gây ra đau khổ.
Quán tứ niệm xứ là pháp quán chính bản thân Đức Phật đã thực hành và truyền dạy gọi là Minh sát tuệ, quán theo bốn đề mục: thân, thọ, tâm, pháp.
·         Quán thân: là phương pháp quán sát toàn thân từ đỉnh đầu cho chí đến đầu móng chân, theo một trình tự nhất định, để nhận thức được sự bất tịnh của thân người.
·         Quán thọ: khi quán sát toàn thân, hành giả ghi nhận các cảm thọ khác nhau đang hiện khởi trên thân để nhận thức rằng các cảm thọ dù lạc hay khổ đều là nguyên nhân của mọi nỗi khổ đau.
·         Quán tâm: khi quán sát các cảm thọ đang hiện khởi trên thân, hành giả nỗ lực quan sát các trạng thái khác nhau của tâm để nhận thấy tâm vốn vô thường, luôn lệ thuộc và thay đổi theo sự thay đổi của các cảm thọ. Khi các cảm thọ lạc hay dễ chịu khởi lên, khởi tâm hoan hỷ, bám víu vào đó gọi là tâm tham. Khi tức giận hay thất vọng đối với các cảm thọ đau nhức hay khó chịu, đó là tâm sân. Đôi khi uể oải chế ngự, khiến hành giả vừa ngồi tu thiền đã lơ mơ buồn ngủ; đôi khi hành giả bị xao động hoặc tìm cớ để đứng dậy, có khi khởi lên đầu óc nghi ngờ phá sụp ý chí tu tập; tất cả đều là tâm si.
·         Quán pháp: khi quán sát các trạng thái tâm thức, hành giả nỗ lực để nhận thức rằng các hành nghiệp tham sân si đều chịu sự vô thường thay đổi. Bản năng cố hữu của con người là luôn bám víu vào cảm thọ lạc và phản ứng lại đối với các cảm thọ khổ, nên thường bị các hành nghiệp tham, sân, si sai sử. Do đó người tu thiền cần phát triển khả năng buông xả để cảm nhận được rằng, các hành là vô thường và bản chất của các pháp đều là vô ngã.

Sau khi trải qua các pháp quán tứ niệm xứ: thân, thọ, tâm, pháp, hành giả với tâm buông xả nhận thức được bản chất vô ngã của các pháp. Tâm buông xả tức là giữ tâm bình thản đối với các hành nghiệp, cũng như các cảm thọ; dù là lạc hay bất lạc đều có cùng một bản chất như nhau là luôn thay đổi. Do đó, giữ được tâm buông xả, không bám víu vào cũng không phản ứng lại đối với các pháp chính là đạt được trạng thái tự tại giữa khổ và vui. Đạt được trạng thái này tức đạt được pháp không, kinh điển Pàli gọi là sự đắc pháp, tức nhận thấy được bản thể tự tánh của chính mình. Kinh Thủ Lăng Nghiêm mô tả trạng thái này là “Phản quan tự tánh” hay còn gọi là “Minh tâm kiến tánh”.

Tuy nhiên, mục đích rốt ráo của người tu tập thiền định không phải chỉ đạt đến sự kiến tánh, mà cốt ở chỗ đem sự kiến tánh này ứng dụng vào cuộc sống thực tế để thật sự liễu triệt tánh không. Khi liễu triệt được tánh không, hành giả thật sự bước vào giai đoạn thõng tay vào chợ, như thiền sư Triệu Châu Tùng Thẩm thổ lộ rằng: “Ngoài hai thời cơm cháo phải chú nguyện cho tín chủ, ta suốt ngày không khởi một niệm”. Không khởi niệm tức không khởi tâm phân biệt đối với các pháp.

Người xưa đã từng dạy: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”; cũng vậy, sự tu tập để đạt được giải thoát khỏi mọi sự khổ đau tuy là con đường gian khó, nhưng tục ngữ cũng có câu: “Hữu chí tất thành”. Do đó, với sự nỗ lực tự thân, người hành thiền sẽ tự mình chuyển hóa nội tâm hướng đến cuộc sống an lạc và giải thoát.

Chúc các thiền sinh tu hành đắc pháp.
Cầu mong cho tất cả chúng sanh đều được an lành và hạnh phúc!