Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Du xuân với "Tâm tĩnh lặng"


Du xuân với “Tâm tĩnh lặng”
Xuân này, phước duyên mình theo bạn đi tu thiền đầu xuân ở xứ cao nguyên đầy nắng và gió…vùng đất những người con Đăm San, Xinh Nhã, và để ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của xứ sở cà phê.
Mùa xuân miền Nam có hoa mai vàng rực rỡ, miền Bắc có hoa đào dịu dàng khoe sắc. Xuân ở Tây Nguyên lại khác, đầy ắp nắng vàng, ngăn ngắt trời xanh và lồng lộng gió. Rải rác đâu đó, những vườn cà phê đang trổ hoa trắng xóa, ngan ngát mùi hương, khiến cho lữ khách bồi hồi sao xuyến. Bọn mình là những thành viên đến tham dự khóa tu sớm nhất  nên có dịp du xuân Daklak một chuyến.
Du Xuân vùng Cao Nguyên – Quý Tỵ 2013
Mùng 4/ 01 Quý Tỵ
5g đến bến xe Miền Đông, lên xe Tư Thảo. Ủa xe 2 tầng, nào giờ chưa đi. À, giường nằm thế này cũng không sao vậy mà mình không hình dung, cứ muốn đi xe ghế ngồi vì sợ xe giường nằm khó chịu. Bật giường cao lên chút ngồi ngã phía sau dễ chịu đấy chứ. Thôi, yên vị rồi, chuẩn bị khởi hành.
 6g30 xe mới bắt đầu rời bến, vậy mà bảo 5g30. Biết vậy không đi sớm làm gì.
Đi giờ này lên sẽ trễ mất, thấy chương trình ghi là Sư sẽ gặp gỡ và chúc Xuân Phật tử đầu năm sau giờ tụng kinh tối, không kịp nghe là tiếc lắm đó. Tùy duyên vậy, biết sao giờ.
Xe chạy lòng vòng đón khách, không nhìn ra lộ trình được, kệ đi, miễn sao đưa bọn mình đến nơi là được rồi.
Bắt đầu cuộc hành trình Tây Trường Sơn đây.
Trường Sơn đông, Trường Sơn tây
Bên nắng đốt, bên mưa quay…
15g, đến nơi rồi! Sư kìa, mừng quá. Xe chạy khá nhanh nên đến nơi sớm hơn dự đoán của mình. Vừa bước chân vào cổng Tịnh xá, bọn mình vô cùng mừng rỡ vì được sự chào đón ân cần của Sư và quý SC Ngọc Chơn. Tịnh xá đang trong thời kỳ xây dựng nên lắm bộn bề  nhưng đạo tràng tu tập đã được quý SC chuẩn bị đâu ra đó, quá sự mong đợi của mình. Những tưởng sẽ được tập làm quen với nếp sống giản dị, thanh bần và có phần vất vả của Thầy Tổ nhưng với đạo tràng khang trang thế này thì còn gì bằng.
Cô Mỹ Trâm dẫn bọn mình vào phòng thu xếp chỗ nghỉ. Tịnh xá và khu nhà nghỉ như thế này là tốt quá đi chứ. Trước khi đi, mình cũng đã tìm hiểu sơ sơ để biết nơi sẽ đến thế nào. Mình cứ nghĩ nơi đây còn vất vả, thiếu thốn lắm nhưng bất ngờ quá.
Khóa tu đến tối mùng 6 mới khai mạc nên bọn mình còn khối thời gian để tìm hiểu cuộc sống của người dân xứ cao nguyên này.
Ăn uống, thu xếp xong đâu vào đó, bọn mình xin phép quý SC đi dạo phố để làm quen với cuộc sống người dân Buôn Hồ. Anh Thiện Quang xung phong dẫn đi. Gặp anh Thiện Quang, nhắc lại kỷ niệm ở khóa tu Ngọc Đà làm anh cười ngất. Anh nói lần đó mà tu gì làm mình không hiểu lắm. Thôi dẹp qua đi, từ từ rồi hiểu, đi chơi cái đã. Ra đường thấy vui vui, không khí mát mẻ quá (Thiện Quang nói lần đầu tiên anh đi bộ về nhà).
Mưa xuân lát đát nữa kìa, hay chưa. Du xuân thế này còn gì bằng.
         Lên Daklak mà không uống cà phê, về bạn bè hỏi, quê chết thế là 3 anh em liền ghé vào quán nhâm nhi và ngắm phố.
Buôn Hồ không mấy ồn ào nên khá đẹp, đường phố miền núi dốc lên, dốc xuống đi không quen nên cũng mỏi chân. Mới mùng 4 mà sao ở đây im lìm quá, không cảm nhận được không khí Tết gì cả. Dạo một vòng rồi ghé thăm nhà anh Thiện Quang, gặp chị Ngọc Xả. Nghe kể, mình nể chị quá, chẳng những gòng gánh việc nhà để chồng lo tu tập mà còn là một Phật tử hộ đạo vững chắc nữa chứ. Khóa tu ở Tịnh xá lần nào cũng có chị đến chăm lo việc bếp núc. Tấm lòng cao cả của chị làm bọn mình ngưỡng mộ.
Trò chuyện với anh, chị một lát thì Sư ghé (đi cùng Sư Bà Ngọc Túc và Ni Sư Ngọc Chơn). Thì ra quý Sư đang trên đường đi thăm, chúc Tết các gia đình Phật tử.
Thắp hương, niệm Phật xong, quý Sư chuyện trò đôi lúc rồi lên xe đi đến nhà khác nữa. Anh Thiện Quang tháp tùng theo quý Sư còn bọn mình ngồi lại ít phút với chị Ngọc Xả rồi cũng ra về. Vì khá trễ nên bọn mình không thể đi dạo buôn Trinh được.
Trên đường, bọn mình ghé viếng chùa Thiện An. Về đến Tịnh xá kịp thời kinh tối. Tháng Giêng nên quý SC tụng Kinh Dược Sư (Thầy Nhật Từ soạn).
Tụng kinh xong, Phật tử tập trung để Sư thăm hỏi, chúc Tết. Chắc vì công việc Tết lu bu nên đạo tràng không được đông, khoảng hơn 10 vị nhưng lại là những Phật tử nòng cốt của Tịnh xá. Ngồi nghe các vị kể công việc, rồi việc tu tập trong thời gian qua. Thì ra nơi đâu cũng đều có thiện nam, tín nữ giàu tâm đạo. Trò chuyện xong cũng khá trễ, mọi người ra về, hẹn tối mùng 6 gặp lại tham dự khai mạc khóa tu. Bọn mình cũng đi nghỉ, chuẩn bị ngày mai theo Sư đi đâu đó.
Mùng 5/ 01 Quý Tỵ
Sáng thức dậy, quét dọn phụ các SC chút rồi ăn điểm tâm chuẩn bị lên đường. À, Sư cho đi chơi mà. Trên xe còn có Sư Tường, anh Thiện Quang, Phúc, Mỹ Trâm, Mỹ Hiền nữa. Vậy là cả thảy 9 người ngồi xe 7 chỗ (Daklak có khác).
Hành trình sẽ đi Tịnh xá Ngọc Chánh. Trên đường đi, vì lòng hiếu khách nên anh Thiện Quang xin Sư 10 phút rẽ ngang đường để cho bọn mình xem tận mắt cây Kơ nia. Cảm ơn anh Thiện Quang lắm lắm! Lên cao nguyên mà không nhìn thấy được cây Kơ nia làm sao về ngủ yên được. Hình ảnh cây Kơ nia mấy mươi năm đèn sách giờ toại nguyện rồi.
 Cây Kơnia
Khoảng 9g, xe đến Ngọc Chánh. Các Cô và các Tiểu ở đây nhỏ nhắn, xinh xắn thật. Hèn gì nghe Sư nói đến đây vui lắm. Mọi người chuẩn bị đi dã ngoại Suối Đá. Đông quá mà chỉ có mỗi chiếc xe 15 chỗ nên phải ngồi chờ điều động thêm xe.
Cuối cùng đâu cũng vào đấy, Sư cùng các Tiểu đi xe nhỏ, tốp còn lại dồn cả lên xe lớn. Các cô nhỏ nhắn, đi xe cũng chiếm ít chỗ nên xe 15 chỗ mà chứa gần 20 vị (cảnh sát giao thông Daklak còn nghỉ Tết nên không sao đâu).
Đoạn đường đi Suối Đá khá xa, có nhiều đoạn xấu quá, xe chạy dằn xốc ê ẩm cả người. Đi xe lớn mà thế này, xe nhỏ của Sư chắc còn bị tra tấn hơn nữa. Khoảng 11g đến nơi. Suối Đá II đây rồi, xuống xe nhẹ cả người. Nhìn quý Cô vui tươi, đùa giỡn, thấy cũng đáng yêu.
Các Tiểu ở Ngọc Chánh

 Đi dã ngoại thế này trông Sư vui tươi, không kém phần tinh nghịch, khác hẳn với lúc giảng Pháp.
Sư và tiểu Phật tử

 Suối Đá II không được rộng nên mọi người chen chúc nhau trên một khoảng trống, nghỉ ngơi, dùng cơm, tranh thủ chụp hình vui chơi gần 1 tiếng rồi kéo đi tiếp qua Suối Đá I gần đó. Suối Đá I không bằng II vì nắng quá nên “suối cạn, cỏ cháy khô” vậy mà cũng thu hút nhiều du khách. Trưa nắng, mệt quá nên bọn mình chỉ quan sát khắp lượt rồi tìm chỗ ngồi nghỉ. Nắng cao nguyên cũng chẳng thua kém cái nắng Sài Gòn.
Suối Đá
Bọn mình được Sư cho đi theo đến hôm sau mới về lại Ngọc Chơn  nhưng vì say nắng nên đành xin quay về sớm. Tiếc thật nhưng bấy nhiêu là quá đủ rồi. Lúc sáng đi, tán gẫu cho lắm nên tưởng đoạn đường không xa mấy mới dẫn đến việc bị quê khi đón xe về. Ngồi trên xe cứ thấp thỏm lo bị lạc. Cuối cùng cũng về đến nơi, mừng rỡ như vừa đi xa về vậy.
Ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi, chuẩn bị đọc kinh tối với quý Sư Cô. Tối nay đọc kinh vui lắm (lúc chiều về Sư Cô hỏi sao về sớm, bọn mình nói về đọc kinh với quý Sư Cô cho vui mà).
Du xuân nhiêu đó cũng được rồi, nghỉ ngơi chờ ngày khai mạc khóa tu, mục đích chính của chuyến đi mà.
Mùng 6/ 01 Quý Tỵ
Sáng nay, Phật tử khắp nơi về tham dự khóa tu khá đông. Già trẻ gái trai đều có cả, vui như ngày hội lớn. Quý Sư Cô tất bật thu xếp mọi việc để chuẩn bị cho thời khắc quan trọng đêm nay.
Thiền là tìm đến cõi “tĩnh” và “lặng” để tâm an tịnh.
Tâm không, vạn sự đều không,
Tâm chơn vạn pháp thảy đồng quy chơn.

Đêm khai mạc (06/01 Quý Tỵ)
Hòa thượng Giác Dũng chứng minh khai mạc khóa tu
Đúng 19g, khóa tu “Tâm tĩnh lặng” bắt đầu khai mạc bằng một thời kinh cầu nguyện ngắn. Sau đó, quý Sư cung thỉnh HT Giác Dũng quang lâm chứng minh, khai mạc, truyền giới. Hòa thượng tán dương công đức của Sư, quý Sư Cô Tịnh xá Ngọc Chơn 13 lần mở khóa tu thế này. Trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, Hòa thượng chậm rãi, từ tốn, truyền giới cho các giới tử. Tất cả thiền sinh thành tâm phát nguyện thọ trì 8 giới theo lời dẫn của Hòa thượng. Sau đó, Ngài truyền trao kinh nghiệm và chúc đạo tràng tu tập tinh tấn.
TT Giác Phùng chúc Tết và ban tặng bài thơ Xuân nhằm khuyến tấn mọi người:
Xuân Di Lặc tràn đầy hỷ xả
Hội Long Hoa khó tả niềm vui.
Từ Tôn, Ngài hiện nụ cười,
Vừa hiền, vừa đẹp, vừa tươi, vừa hòa.
Tết Nguyên Đán trăm hoa đua nở
Cảnh minh liên hớn hở không cùng.
Trong khi vạn vật tưng bừng,
Thì Ngài xuất hiện chơn dung khác thường.
Vai mang bị kiêm tuồng Khất sĩ
Chuỗi cầm tay, áo trịch như tiên.
Bụng to, má lúng đồng tiền,
Xoay quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò.
Người, chim, lợn buồn lo, biến mất
Quả thật là một bậc y vương.
Con nay xin nguyện cúng dường,
Tu theo hạnh xả xem thường lợi danh.
Buổi khai mạc diễn ra ấm tình đạo vị và kết thúc trong sự tĩnh lặng. Tiễn Hòa thượng và Thượng tọa ra về, chúng con tự  nhủ sẽ không phụ lòng các bậc hiền nhân. Có duyên lành được về đây tu tập, với tâm mong cầu Pháp từ chư Tôn đức, đặc biệt là Sư - người Thầy đức độ, tài năng, tràn đầy nhiệt huyết, chúng con sẽ trân trọng từng giờ phút quý báu này.
Ngày thứ nhất (07/01 Quý Tỵ)
Sáng nay là ngày đầu tiên của khóa tu. Bọn mình thức dậy sớm nhất (hăng hái mà). Thời tiết không lạnh lắm, mát mẻ rất dễ chịu.
Đúng 4g, buổi tụng kinh sáng bắt đầu. Trong không gian thanh vắng, giọng Sư trầm ấm, chậm rãi, từ tốn dẫn đạo tràng hòa âm nhịp nhàng, sâu lắng. Từng lời kinh sám hối đang đi sâu vào tâm trí người đọc. Đọc kinh xong là giờ tọa thiền. Ngồi thẳng, mắt nhắm hờ, lắng nghe văng vẳng đâu đây tiếng chào đón bình minh của núi rừng. Ngày đầu tiên chưa quen và với khí trời se lạnh nên đôi chân không theo ý mình được. Nhưng lòng tự nhắc sẽ cố gắng vượt qua để không phụ lòng Thầy.
Điểm tâm xong, mọi người thiền hành vòng quanh Tịnh xá. Vì nền chưa lát gạch nên chân bước đi trên nền xi măng nham nhám có cảm giác như đang được mát-xa bàn chân vậy.
Giờ hướng dẫn thiền:  Sư giới thiệu sơ lược về lộ trình tu theo bài Kinh Đại Niệm Xứ (bài kinh số 22, Trường Bộ Kinh). Lần đầu tiên tập tu theo thời khóa nghiêm nhặt, mình quyết tâm phải cố theo cho kịp, dù chưa quen ngồi thiền lâu như vậy.
 Vì chư Tăng ít quá nên quý Sư không đi khất thực ngoài đường mà cùng Phật tử  ôm bát nhận thức ăn trong khuôn viên Tịnh xá. Ôm bình bát trong tay, chân bước thong dong, chậm rãi, nhận thức ăn tín thí, từng bước đi vào chánh điện trang nghiêm, thanh tịnh, lòng trào dâng niềm xúc cảm.
Khất thực trong khuôn viên TX
Sau lời tác bạch cúng dường của thiện, tín, quý Sư cầu nguyện, hồi hướng bằng những bài kệ ngắn, hay, dễ hiểu và vô cùng ý nghĩa. Buổi thọ trai lặng lẽ trong nghi thức hòa chúng. 
Phật tử đảnh lễ chư Tôn đức Tăng Ni
Nghỉ trưa 1 tiếng, đạo tràng bắt đầu thời khóa tu tập chiều lúc 13g45. Hôm nay Sư bắt đầu bài giảng Lễ Giáo (Chơn Lý số 57).
Lễ là cách bày tỏ ý cung kính.
Lễ giáo là giáo lý của cách bày tỏ ý cung kính, hay cũng tức là cách bày tỏ ý cung kính,là một phương pháp giáo hóa, một giáo lý tốt đẹp quan trọng của đời sống nhân loại.
Lễ giáo là nền tảng của sự thương yêu, thiện cảm, thân thiện, dung hoà tốt đẹp với nhau, ấy là phép sống đời tốt đẹp nên gọi là lễ phép. Lễ phép là một qui tắc, là phép tắc, là một kỷ luật thiện, mà người có lễ phép, là sẽ được sự vui sướng nhất trong đời”.
Quả đúng như vậy “cung kính mới vâng lời, ngưỡng mộ mới làm theo”, lời Tổ Sư dạy thế.
Lễ giáo, ai ai cũng biết cả nhưng với sự giảng giải tận tường của Sư, mọi người đều chăm chú lắng nghe.
Giờ thiền hành và thiền tọa tiếp theo kéo dài đến 17g.
Mọi người tranh thủ tắm rửa, vệ sinh trong vòng 1 tiếng. Vì đông nên ai nấy có phần vội vã, gấp gáp.
Thời khóa tối bắt đầu bằng giờ tọa thiền 45 phút  rồi sau đó tụng kinh. Tối nay, Sư  khai kinh tụng bộ Từ Bi Thủy Sám (quyển thượng) của Ngộ Đạt Quốc Sư. Bộ kinh này bọn mình từng đọc qua nhưng hôm nay sao lại hay đến thế này. Bài kinh rất dài nhưng càng đọc càng bị cuốn hút vào không biết mệt.
Tội từ tâm khởi, cũng từ tâm diệt
Tội diệt tâm không, cả hai đều hết.
Thời khóa tụng kinh kéo dài gần đến 21g. Vì là buổi đầu tiên nên chưa có gì để trình pháp, Sư sinh hoạt, dặn dò đến 21g30 rồi kết thúc ngày tu tập trong niềm hoan hỷ.
Một ngày tu tập nghiêm túc trôi qua nhẹ nhàng, êm đềm quá. Và bây giờ mình mới hiểu tại sao khi nhắc đến khóa tu 2 ngày ở Ngọc Đà, anh Thiện Quang và Sư Thiện Thắng lại cười như thế.
Ngày thứ 2 (08/01 Quý Tỵ)
Đến Tịnh xá đã được mấy hôm, bọn mình cũng quen dần nếp sống và thời tiết nơi đây nên việc thức dậy sớm không trở ngại gì. Thức dậy trước chuông reo để không phải hấp tấp, vội vã, để có thời gian tu sửa các hoạt động của bản thân mình.
Chương trình ngày thứ hai diễn ra như ngày đầu. Tọa thiền xong, đạo tràng tụng tiếp quyển trung Kinh Từ Bi Thủy Sám. Đang đọc giọng trầm bỗng nhiên Sư đổi giọng cất hơi cao và nhanh hơn chút (chắc Sư sợ sáng sớm mà đọc chậm rãi thế này mọi người sẽ ngủ gật mất). Nhưng dù nhanh chậm, cao thấp gì  thì đạo tràng vẫn hòa kịp nhịp. Đọc kinh hay nên ấm cả người.
Sáng nay quý Ni Sư, Sư Cô ôm bát khất thực ngoài đường nên giờ thiền hành hơi lâu.
Giờ hướng dẫn thiền, Sư bắt đầu triển khai từng bước tu tập theo bài Kinh Đại Niệm Xứ. Sư giảng giải rất cụ thể và chi tiết rõ ràng. Con đường Tứ Niệm Xứ là “con đường độc nhất, con đường đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh thoát khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn”. Phải tự đi bằng chính đôi chân của mình; phải nhiệt tâm, tỉnh giác, an trú chánh niệm trên hơi thở. Lộ trình tu đi từ thân đến tâm (mượn thân rèn tâm). Cho nên: “Ai ăn mới no, ai tu mới đắc”.
Giờ tọa thiền, mọi người thực hành theo phương pháp Sư đã dạy. Quán sát hơi thở qua 3 chặng vào, ra trong cơ thể (cổ, phổi, rốn). Đây là bước đầu tiên để dẫn đến từng bước sau này.
Giờ thọ trai diễn ra nghiêm túc như ngày đầu.
Đọc bài thọ bát
Nghỉ trưa xong, mọi người lại tiếp tục nghe Sư giảng tiếp bài Lễ Giáo. Lễ giáo thể hiện qua thân, khẩu và ý “ kêu là hột giống lễ, thân là võ, khẩu là ruột, ý là ngòi. Thân vỏ lễ, là đầu và tay, chân, năm  thể mọp sát đất! Khẩu ruột lễ, là miệng nói lời cung kính ngọt! Ý ngòi lễ, là ý tưởng niệm thành Phật mến trọng! Gồm đủ cả ba như thế, mới trọn gọi là lễ phép được”. Hột giống lễ tùy thuộc vào mảnh đất tốt, xấu mà cây có trổ hoa, say trái. Bài học nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm theo được. Lễ bái là bày tỏ lòng cung kính với những người trí sáng hơn ta, dầu là trẻ nhỏ. Phải kính trọng cái tâm người tu vì người tu là trau tâm mới có được cái tâm chơn thiệt chánh ngay tròn lớn.
Giờ thiền hành, thiền tọa đến 17g.
Giờ kinh tối, vì có lễ quy y cho Phật tử đang tham gia khóa tu nên đạo tràng chỉ tụng một phần quyển hạ kinh Từ Bi Thủy Sám. Tụng kinh xong là làm lễ quy y. Trong số các vị chờ  thọ giới Tam quy có cặp vợ chồng trẻ xin quy y cho đứa bé trai sắp chào đời (cô vợ là người theo Thiên Chúa giáo). Sư đã giảng giải cho họ nghe về sơ lược về Đức Phật và pháp quy y Tam bảo. Lễ quy y diễn ra đúng như pháp. Đứa bé trai đầy phước báu đó được Sư đặt pháp danh là Huệ Tín.
Giờ tạ pháp đầu tiên rất vui. Những hành giả mới như bọn mình thật sự lúng túng khi trình lên sự tu tập của mình trước hội chúng. Nhưng giờ này mới thật sự làm mình nhìn lại chính mình. Nghe bạn đồng tu trình pháp, mình học hỏi ở họ rất nhiều (học thầy không tày học bạn).
Ngày thứ 3 (09/01 Quý Tỵ)
Giờ kinh sáng tụng phần còn lại quyển hạ Kinh Từ Bi Thủy Sám.
Quý Ni Sư, Sư Cô đi khất thực
Giờ hành thiền, quý Ni Sư, Sư Cô lại đi khất thực bên ngoài. Được sự cho phép của Sư, bọn mình tháp tùng theo sau. Đoàn (15 vị) trì bình khất thực ngay ngắn, chậm rãi ung dung rảo bước trên đường làm người đi đường dõi theo với ánh mắt đầy thiện cảm.
Người Khất sĩ………
Chân đạp đất hòa vui cùng lòng đất
Đầu đội trời, biểu hiện kính yêu trời
Gần gũi đời là để cứu độ đời
Nêu bác ái, nguyện lắp đầy bể ái.
Ôm bát đất chung chung cùng vạn loại
Khoác y vàng, hòa thân với hàm linh
Mượn tiếng xin để tế độ chúng sinh
Đem gương Phật cho người gieo giống Phật…
(Đường lối khất sĩ)
Ôm bát nghiêm trang
Bá tánh cúng dường khá nhiều. Có các em nhỏ cũng được cha mẹ tập hạnh bố thí, gieo tâm từ, cúng dường chư Ni những viên kẹo, cái bánh. Tấm lòng họ thật là đáng quý.
Em nhỏ cúng dường chư Ni
Giờ hướng dẫn thiền, Sư tiếp tục triển khai lộ trình tu tập. An trú, chánh niệm, tâm dõi theo từng hơi thở vô, ra. Lấy hơi thở làm đối tượng để cột tâm vào. Ghi nhận sự biểu lộ của toàn thân “an tịnh thân hành”. Quán thân trên nội, ngoại thân là để thấy được sự sanh, diệt của hơi thở. Sự sống tồn tại theo từng hơi thở. Quán 4 oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) trong tỉnh giác. Tâm phải gắn với mọi hành động, cử chỉ của mình (chậm rãi, khoan thai).
Giờ học bài Lễ Giáo, Sư giảng tiếp về phép lễ Phật, Pháp, Thánh hiền Tăng. Lễ bái chính là để dứt trừ kiêu mạn. Dứt kiêu mạn thì sẽ đắc quả A-la-hán. Và cũng trong buổi học, mọi người được biết thêm nhiều điển tích như  ngài Đạt Ma lạy Tôn Thắng 9 lạy để rồi Tôn Thắng lạy Đạt Ma trở lại 18 lạy hay gương xưa vì cầu Pháp mà quên mình của ngài Huệ Khả.
Giờ kinh tối, Sư  khai kinh tụng quyển Kinh Tụng Hằng Ngày (Thầy Nhật Từ biên soạn). Hội chúng khởi tâm tụng bài Kinh Từ Tâm, Kinh Cầu An cầu nguyện Tam bảo gia hộ, độ trì cho Phật tử Thiện Khang (đang tham dự khóa tu) ngày mai vào Sài Gòn xạ trị thân an, tâm lạc. Một thời khóa tụng kinh mang đầy ý nghĩa diễn ra thật nghiêm trang. Trong lòng mỗi người chắc cũng dạt dào xúc động.
Tâm từ như ánh trăng ngàn,
Dịu dàng soi thấu mọi đàng trầm luân.
Ở đâu có chúng hữu tình,
Thì ngay nơi ấy từ tâm hướng về.
(Kinh Từ Tâm)
Ngày thứ 4 (10/01 Quý Tỵ)
Giờ kinh sáng tụng bài Kinh Chuyển Pháp Luân. Bài kinh đầu tiên Đức Phật thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như tại Vườn Nai. Hai cực đoan mà người xuất gia cần phải tránh xa đó là lánh dục và khổ hạnh ép xác. Hãy đi theo con đường Trung Đạo (bát chánh đạo) mà Thế Tôn đã chứng ngộ để dẫn đến Niết bàn.
Giờ thiền, Sư hướng dẫn hội chúng tiếp tục lấy hơi thở làm đối tượng để an trú tâm và thông qua sự an trú tâm khám phá ra được sự vận hành của tâm, xem nó đến và đi như thế nào. Củng cố niệm lực và định lực để quán chiếu tâm và bản chất của nó.
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây.
( Kinh Nhất Dạ Hiền Giả)
Khoảng 14 giờ, đạo tràng hân hoan đón tiếp Đại đức Giác Phổ đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm tu tập và bài pháp Kinh Phước Đức. Lời Đại đức mộc mạc, giản dị, dễ hiểu mang đến không khí vui vẻ cho tất cả mọi người.
ĐĐ. Giác Phổ 
Giờ thiền, Sư hướng dẫn tiếp phần 2, 3 niệm thân là quán 4 oai nghi và các tiểu oai nghi. Phải chánh niệm, tỉnh giác trong từng hành động để thân trang nghiêm, thanh tịnh. Niệm là ghi nhớ biết rõ; định là an trú trên đề mục. Phần 4 của niệm thân là quán thân bất tịnh. Quán từ chân lên đầu, từ bên ngoài lẫn bên trong để thấy thân này là bất tịnh.
Giờ kinh tối, Sư chọn bài Kinh Phước Đức để hội chúng hiểu thêm lời ĐĐ Giác Phổ đã giảng. Sư dạy cách tu trong khi đọc kinh (thân, khẩu, ý đều chánh niệm trọn lành trong khi tụng). Khi tụng kinh, phải khởi phát lòng cung kính với giáo pháp Phật, cung kính người thọ trì pháp Phật (tăng, ni, cư sĩ). Tụng kinh cũng để ôn tập, hiểu nghĩa lý Phật.
Giờ trình pháp, Sư Thiện Thắng giải thích 2 câu thơ của Tổ Sư “Sống bởi chúng sinh, chết bởi mình” làm hội chúng phá lên cười vui vẻ. Trong giờ này, mọi người có dịp nói lên suy tư của mình sau quá trình tu tập.
Ngày thứ 5 (11/01 Quý Tỵ)
Giờ tụng kinh sáng nay là bài Kinh Quy Luật Cái Chết. Sống chết là quy luật không ai tránh khỏi, có đến phải có đi, có hợp phải có tan, có sanh thì phải có diệt.
Giờ thiền, Sư giảng tiếp phần cuối của niệm thân là quán tứ đại và quán tử thi. Vậy là niệm thân gồm 6 chi phần: Quán hơi thở, quán 4 oai nghi, quán các tiểu oai nghi, quán thân bất tịnh, quán tứ đại và quán tử thi. Thân này là giả hợp, chỉ là đất, nước, lửa, gió (tứ đại) mà thôi. Kết thúc phần niệm thân sau 5 ngày tu tập.
Giờ thọ bát hôm nay khác hẳn mấy hôm trước. Không gian lắng đọng hơn khi nghe bài “Đường lối Khất sĩ”. Ôm bát vào thiền đường Minh Đăng Quang, lắng lòng nghe lời Sư giảng giải ý nghĩa khất thực, mình cảm nhận dường như đang lần bước trên con đường mà Thầy Tổ đã đi qua.
Một bát cơm ngàn nhà
Thân đi muôn dặm xa
Muốn thoát vòng sanh tử
Mây trắng hỏi đường qua.
Giờ học Lễ Giáo, Sư giảng về sự lễ bái của Khổng Tử theo Nho giáo và hệ thống kinh văn của Khổng Tử, Lão Tử. Khổng Tử lập ra nhu đạo đó là cái gì mềm dẻo, nhu hòa sẽ luôn tồn tại, cái gì cứng giòn sẽ bể bỏ đi. Đức Phật đi đến nơi nào cũng lập được đạo tràng giảng kinh, thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Còn Khổng Tử  là người đầu tiên lập ra hệ thống trường học nên ông được tôn: “Vạn thế sư biểu” (một ông thầy vạn đời phải noi theo). Giờ học hấp dẫn, lôi cuốn bởi những câu chuyện Sư kể về Khổng Tử và các đệ tử của ông, đặc biệt là “nồi cơm Nhan Hồi”. Thông qua hình ảnh Khổng Tử, Tổ Sư dạy cách lễ bái cho người đời.
Giờ kinh tối, Sư  dẫn đạo tràng tụng bài Kinh Dụ Ngôn Người Bắt Rắn để giải nghĩa câu nói mà Sư ví lúc sáng: “Hạnh phúc và khổ đau của trần gian ví như đầu và đuôi của con rắn”.
Ngày thứ 6 (12/01  Quý Tỵ)
Giờ tụng kinh là bài Kinh Sống và Tu trong Hòa Hợp. Đây là bài kinh nói về cuộc sống của 3 vị tỳ kheo trong một khu rừng. Ba vị ấy cùng sống chung và tu tập trong an lành như nước hòa với sữa.
Giờ thiền tọa, Sư hướng dẫn chi tiết từng bước khi quán cảm thọ. Ghi nhận từng cảm thọ nơi tâm đi qua (để tâm theo dõi từ đỉnh đầu qua các bộ phận cơ thể xuống đến bàn chân). Khi xả thiền cũng dùng tâm ấy mà theo dõi các cảm thọ diễn ra.
Sau các giờ thiền, quý Sư, Sư Cô đọc những bài kinh kệ ngắn trong luật nghi Khất sĩ (thân, khẩu, ý) để thiền sinh lắng nghe mà suy ngẫm.
Thân này chưa biết ra chi,
Của kia lại có chắc gì mà ham.
Bao nhiêu cho thỏa lòng tham,
Càng thâu càng đắm, càng làm càng say….
(Thân)

Trăm năm vật đổi người đời,
Một câu quý giá, muôn đời còn ghi.
Mở lời trước phải xét suy,
Bằng ta cất tiếng, ích chi chăng là?
Bằng như lời ấy thốt ra,
Làm buồn kẻ khác thì ta xin đừng….
Miệng ta là cánh hoa sen,
Một khi hé nở, một khi thơm lừng.
Tiếng ta là gió mùa xuân,
Một cơn thổi nhẹ, muôn dân mát lòng.
(Khẩu)

Con người cái ý vốn hai,
Khi mừng, khi giận đổi thay khôn lường.…
Luân hồi trong cõi trần ai,
Cũng vì cái ý chuyển day không ngừng.…
Phàm trong sự thể tu hành,
Đừng buông cái ý tung hoành tự do.…
Sống chung Giáo hội chư Tăng,
Không còn tự ý mới năng thuận hòa.
(Ý)
Cảm ơn quý Sư, Sư Cô với những lời răn dạy quý báu này. Chúng con về đây sống chung tu tập,  tập học theo nếp sống thanh tịnh của người Khất sĩ là niềm hạnh phúc lớn trong đời. Những câu kệ, lời kinh từ quý Sư, Sư Cô như đang chảy vào trong tâm, làm khơi thông từng huyết mạch. Chúng con nguyện tu tâm, dưỡng tánh để báo đáp công ơn Thầy Tổ truyền ban.
Giờ học Chơn Lý, Sư giảng dạy về sự lễ bái của trò với thầy. Trẻ con từ khi bước chân vào ghế nhà trường đã học được câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cũng như trong “cửa lễ nhà hạnh”, người tu càng phải biết lễ giáo để dồi trau đức hạnh.
Giờ kinh tối tụng bài Kinh Dụ Ngôn BọtNước. Ngũ uẩn ví như bọt nước đều không có “lõi” bên trong.
Sắc như bọt nước tan ngay,
Thọ như bong bóng nước ngoài mưa rơi.
Tưởng thì ví tựa ráng trời,
Hành như thân chuối khắp nơi mọi vùng.
Thức như ảo thuật vô chừng,
Chư Phật và các thánh nhân trên đời.
Ngày thứ 7 (13/01 Quý Tỵ)
Sáng nay thời tiết lạnh hơn mọi ngày (đêm qua gió mạnh, rít từng cơn…), mưa lại rơi lất phất làm một số người cảm ho. Cảm ơn cô Giác đã chạy đi xin thuốc về cho Phật tử.
Giờ thiền hành, Sư dẫn mọi người đi thiền trên tầng 1 để dộng nền, chú nguyện mong Tịnh xá sớm hoàn thành và sau đó là thời kinh ngắn với bài Nhớ Ơn Phật.
Thiền hành trên tầng 1
Giờ thọ trai: Mỗi ngày ôm bát, xếp hàng, cùng chư Tăng Ni đi nhận thức ăn. Ngồi trong thiền đường, nghe lời tác bạch cúng dường của tín chủ. Rồi lắng lòng nghe quý Sư, Sư Cô chứng minh, cầu và chú nguyện. Có lẽ điều đọng lại nhiều nhất trong lòng nhiều người chính là giờ này đây. Ăn cơm trong chánh niệm mới cảm nhận được sự thọ lãnh vật thực quý dường nào.
Bát cơm ai sắm cực lòng,
Ta ăn phải nhớ tầm công ơn người….
Ráng tu trước độ thân mình,
Sau lo độ tận chúng sanh mê lầm….
Tay thọ lãnh bâng khuâng tự nghĩ,
Đức hạnh mình thọ thí đáng không?
Món vay món trả phải đồng
Người dâng vật quý là mong phước lành…
(Bài thọ bát của chư Tăng Ni)
Giờ tọa thiền, Sư hướng dẫn hội chúng quán cảm thọ (song hành).
Hai thời kinh hôm nay là hai bài kinh vô cùng ý nghĩa: Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Hàng Bồ-tát và Kinh Chỉ Bày Chân Tâm.
Giờ trình pháp cuối cùng của khóa tu diễn ra rất thân mật. Sau những ngày tu học chung, nhiều người đã phát huy được tinh thần cầu Pháp của mình. Lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm tu tập là để tinh tấn đi đến con đường giải thoát giác ngộ.
Ngày bế mạc (14/01 Quý Tỵ)
Giờ kinh sáng với bài Kinh Lời Dạy Sau Cùng. Giữa rừng Sa- la, dưới cây song thọ, trong không gian vắng lặng, yên tĩnh, Đức Như Lai đã răn dạy đệ tử những lời cuối cùng trước khi Ngài nhập Niết bàn.
Giờ thiền, Sư hướng dẫn phương pháp rãi tâm từ đến người thân, cũng như người không thân. Phương pháp này rất hay nhưng con chưa làm được vì sau 7 ngày tu tập, con chỉ theo dõi được hơi thở và cảm thọ vài nơi trên thân mà thôi. Con rất tiếc khi chưa theo kịp những gì Sư đã bỏ công sức ra dẫn dắt suốt khóa tu.
Giờ học Chơn lý cuối cùng, Tổ sư ví lễ giáo giống như cây gậy chống đỡ cho con người đi trong cuộc đời bùn lầy. Lễ bái là phép tắc: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường” đó là sự báo hiếu chúng sanh. Mỗi người đều phải biết lễ giáo để tự cứu độ lấy chính mình. Thế nên ai ai cũng nên cần phải có lễ giáo hết.
Tạ pháp
Giờ tạ pháp diễn ra nhanh với những lời cảm tạ chân thành từ thiện nam, tín nữ và 1 phút thiền tọa tri ân công giáo dưỡng của Thầy. Sư Cô Hợp đã làm hội chúng xúc động khi trình bày tâm tư mong cầu học Pháp của Sư Cô.
Càng cảm động hơn khi nghe Ni Sư trụ trì trình bày nỗi ưu tư của mình trong suốt khóa. Vì không thể vận động mọi người về tham dự đông đủ và chưa chu toàn mọi việc đã làm phiền lòng đến Sư nên Ni Sư cứ canh cánh trong lòng. Mỗi ngày chứng kiến sự vất vả, lo toan, quán xuyến mọi việc đến nỗi không có giờ nghỉ trưa của Ni Sư, chúng con thật sự rất thương Người. Sư đã từng nhắc là không nên dính mắc vào việc gì trong thời gian tu tập. Nhưng Sư ơi, chúng con chưa thể làm được. Chúng con vẫn cảm nhận được nỗi niềm của quý Sư Cô. Chúng con cũng cảm nhận được sự mệt mỏi qua từng cử chỉ, lời nói của Sư  nữa mà. Và còn nhiều lắm, chúng con chỉ biết ghi nhận như thế thôi.
Giờ tụng kinh cuối khóa là bài Kinh Đại Hội (đêm nay đốt đèn hoa cúng Phật, chư Thiên mà).
Tụng kinh xong, Sư làm lễ xả 3 giới và giữ lại 5 giới căn bản của người cư sĩ tại gia cho tất cả thiền sinh.
Đêm hoa đăng: Đêm rằm nhưng trời u ám, không trăng cũng chẳng sao, mưa lại rơi lất phất nữa. Tay nâng 2 chiếc đèn hoa, tâm hướng vào ánh đèn, lòng thầm niệm Nam mô A Di Đà Phật, nguyện cầu xin cho con giữ được ánh sáng này. Có lẽ với tâm chân thành nên cuối cùng con cũng dâng đèn lên cúng dường chư Phật.
Rằm tháng Giêng mưa xuân lất phất
Đốt đèn hoa dâng Phật, chư Thiên.
Nguyện cầu khắp cõi Thiên Nhơn,
Đạo tràng Tịnh xá Ngọc Chơn chóng thành.
Khóa tu kết thúc trong niềm mong ước như thế.
Đạo tràng "Tâm tĩnh lặng"
Chia tay đạo tràng, chia tay bạn đồng tu, lòng ai mà không khỏi bùi ngùi lưu luyến. Sống và tu tập cùng nhau suốt 8 ngày qua, mình học hỏi ở mọi người rất nhiều. Nào là cô Ngọc Quy, tuổi khá cao mà các khóa tu nào cũng tham dự. Nào là anh Thiện Quang, chị Ngọc Xả, chị Ngọc Cương, …các Phật tử thuần thành, hộ đạo của Tịnh xá. Nào là cô Tâm Hải, chị Ngọc Tâm, em Thanh Ngộ, bé Mỹ Vy… những người con từ khắp nơi trên đất nước hội tụ về đây cùng tìm cầu sự giải thoát.
Con xin cảm ơn quý Ni Sư, Sư Cô, các Cô, các Tiểu ở Ngọc Chơn vì sự chân thành, chu đáo sắp xếp hết mọi việc để chúng con yên tâm dồi trí tu tâm trong suốt khóa tu đầu xuân này.
Và hơn hết, con xin cảm ơn Sư, người Thầy đã tận tâm dìu dắt hàng cư sĩ chúng con tìm đến con đường an vui, thanh tịnh, giải thoát giác ngộ. Con xin cảm ơn vì Thầy đã cho chúng con tập sống theo đời sống viễn ly của người Khất sĩ. Lấy bốn biển làm nhà, các châu làm bạn, xem tất cả chúng sinh là bà con Phật pháp, quyến thuộc từ bi.
Con xin kính chúc Thầy, quý Sư , Ni Sư, Sư Cô cùng tất cả quý Cô pháp thể an khang, mãi là ngọn pháp đăng soi sáng bước đường tu học cho hàng cư sĩ chúng con. Cầu chúc toàn thể các bạn đồng tu thân tâm an lạc và tinh tấn trên con đường tu tập của chính mình.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.











 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét