Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Khơi Nguồn Tuệ Giác

Chủ nhật, 17 tháng 3 năm 2013 (Mùng 6 tháng 2 Quý Tỵ)
Lịch trình:
Xuất phát: 10g15, xe 7 chỗ đi cùng Sư và 3 Sư TXTT.
Địa điểm đến: Chùa Kim Phước, ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, Cai Lậy- Tiền Giang.
Mục đích chuyến đi: Thầy Pháp Như mời Sư giảng pháp ở khóa tu 1 ngày "Khơi Nguồn Tuệ Giác" dành cho thanh thiếu niên.
Đến nơi: 13g
Bắt đầu: 13g 15p
Bài giảng: Vai trò tiềm năng của thế hệ trẻ
Kết thúc: 15g 20p
Ra về: 15g 40p
Về đến TXTT: 18g 20p
Ghi nhanh:
   Vì Sư gọi đi bất ngờ nên không có sự chuẩn bị gì cả nhưng nói chung là một chuyến đi có một không hai, rất vui. Tuy nhiên, cả ngày Thầy trò chỉ có mỗi ổ bánh mì lót dạ lúc sáng mua vội trên đường.
   Đường về Tiền Giang, xe đi vào đường cao tốc. Con đường thênh thang, rộng lớn, hai bên đường là những cánh đồng lúa sắp vào vụ, thấp thoáng là những ao sen xanh ngát.
   Chùa Kim Phước nằm sâu bên trong không ngay quốc lộ. Đường vào chùa phải đi bộ một đoạn, giống đường về nhà mình (nhưng khang trang hơn). Đường làng quê phổ biến của vùng sông nước miền tây: con sông hiền hòa chảy giữa đôi bờ cùng những hàng cây xanh tỏa mát và những vườn cây trái trĩu cành. Đặc biệt là những con người thôn quê hiền lành, chất phát, mộc mạc và giản dị.


   Tuy là khóa tu lần đầu tiên nhưng có khoảng 200 em tham gia (với sự hỗ trợ của Hội Khuyến học Cội nguồn và các em sinh viên Hội Tuổi trẻ và Phât pháp, tpHCM). Tương lai của xã hội là những mầm non này đây.
   Bên cạnh đó còn các Thầy, các SC Bắc tông hướng dẫn (Thầy Pháp Như, SC Huệ Nghiêm HV khóa 6 HVPGVN).
   Khóa tu chủ yếu để các em có một sân chơi lành mạnh, giúp các tâm hồn trong sáng, thơ ngây kia kết duyên với Phật pháp, kết duyên với Tam bảo.
   Dưới sự hướng dẫn, chăm sóc của các Thầy, Cô và anh chị trong các hội, các em đã có một ngày tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Một hạnh phúc mà không dễ gì có được trong ký ức bao trẻ thơ (ngay cả mình cũng không sao có được).
   Thầy trò đến nơi cũng là lúc đạo tràng vừa kết thúc giờ nghỉ trưa. Nhìn những em thơ lăng xăng, nhốn nháo, mình chợt nhớ đến khóa tu "Tâm tĩnh lặng" đầu xuân. Các em dễ thương, đáng yêu lắm!
   Sau 15 phút nghỉ ngơi, hội chúng trang nghiêm, chỉnh tề chào đón quý Sư quang lâm giảng đường, thuyết giảng. Trong nền nhạc bài "Om Ma Ni Pad Me Hum", từng bước chân nhẹ nhàng thanh thoát của quý Sư bước vào giảng đường trước những ánh mắt thân thương, trìu mến của các em nhỏ.  

   Giờ thính pháp diễn ra trong bầu không khí vui tươi, đầm ấm, mang tính giáo dục nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc. 
    Bài giảng tuy nói là dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, nhưng ngồi lắng nghe từng lời Sư, cảm nhận được sự ấm áp trong lời Pháp, thầm ước mong về một thế giới an lành.
   Tiềm năng của thế hệ trẻ đã được Đức Phật nhắc nhở từ xưa. Tâm của trẻ còn non nớt chưa hiểu giáo pháp, do đó cần được quan tâm chu đáo từ đời sống vật chất đến đời sống tâm linh.  Đức Phật dạy rằng có 4 đối tượng mà chúng ta không được xem thường, đó là: một con rắn nhỏ, một đóm lửa nhỏ, một vương tử nhỏ, một chú tiểu nhỏ. 

   Bài Pháp là những câu chuyện giáo dục trẻ thơ như: chuyện về tiểu sa di La-hầu-la độ được bà vợ ông Cấp Cô Độc; chuyện về câụ bé chăn cừu vì nói dối mà đàn cừu bị sói ăn thịt.
   Rồi tiếp nối những câu chuyện về hậu quả của sự dối trá, không trung thực (chuyện vì muốn có được nụ cười Bao Tự mà U Vương mất nước; chuyện Nhạc Bất Quần vì trộm bí kiếp võ công mà đổ oan cho Lệnh Hồ Xung- đại đệ tử của mình để rồi về sau thân tàn danh liệt).
   Thông qua bài giảng, Sư dạy các em phải sống chân thật, dạy các em phải nói lời chân thật: "Một lần bất tín, vạn lần bất tin". Như lời Đức Phật đã dạy là chân thật là người bạn trung thành nhất của mình, chân thật là yếu tố nền tảng đạo đức trong tất cả những yếu tố.
   Giá trị của con người được thiết lập bởi chính hành vi, thái độ, ngôn ngữ và ý chí của mình chứ không ai có thể đem đến cho ai cả. Cuộc sống an ổn hay không cũng do mình tạo nên không có thế lực, thần linh nào ban cho cả. Học giáo lý Phật là phải hành theo:
Quy y Phật, con hết lòng kính Phật
Lượng từ bi, con nguyện học theo Ngài
Thương chúng sinh khắp vũ trụ muôn loài
Một tánh giác, thể đại đồng vạn vật.
Quy y Pháp, con gắng tu học pháp
Được thức tâm, giải thoát cõi lầm mê
Pháp vô sanh, chư Phật thảy nương về
Bát chánh đạo cùng Tứ y chánh pháp.
Quy y Tăng, con kính trọng nhà Tăng
Hòa hiệp chúng, lẽ sống chung bình đẳng
Thanh tịnh giới thể trang nghiêm vắng lặng
Đức chứa đầy, kiêm đủ cả tài năng. 
   Sau đó, Sư đọc bài kệ "Khẩu" (Bài học Khất sĩ) cho mọi người nghe hiểu và hành theo. Ngôn ngữ là phương tiện giúp con người cảm thông nhau và xích lại gần hơn. Bởi thế cho nên chúng ta phải biết đắn đo cân nhắc trong cách ăn nói của mình để tránh xảy ra những hiểu lầm hay gây tổn thương cho người để cho cuộc sống ngày càng an vui và tốt đẹp hơn.
Đệ tử Phật cần nỗ lực thể hiện lời Phật dạy trong cuộc sống hàng ngày, tịnh hóa khẩu nghiệp bằng cách không nói lời thô ác, không nói lời bịa đặt để gây đau khổ cho người, mà luôn nói lời thiện lành mang lại sự lợi ích, an lạc cho mình và cho nhiều người. Được như vậy, lời nói trong sự giao tiếp giữa mọi người trên cuộc đời này sẽ tạo nên môi trường sống thương yêu, hiểu biết, hòa hợp, an vui.(HT. Trí Quảng).
Trăm năm vật đổi người dời,
Một câu quý giá, muôn đời còn ghi.
Mở lời trước phải xét suy,
Rằng ta cất tiếng ích chi chăng là?
Bằng như lời ấy thốt ra,
Làm buồn kẻ khác thì ta xin đừng.
Nói chi mắng nhiếc tưng bừng,
Miệng xây núi nghiệp, biết chừng nào tan?
Nói chi chửi rủa kêu vang,
Lưỡi đào hố nghiệp biết đàng nào lên?
Họa tai vì miệng mà nên,
Bệnh căn vì miệng mà rên phù trầm.
Ai ôi nghĩ lại kẻo lầm,
Đóng bưng cửa miệng, chớ tầm quỷ ma.
Cũng thời tiếng nói thốt ra,
Của chư Phật Thánh dịu hòa biết bao.
Là câu nói Pháp thanh tao,
Đưa người giữa biển sóng xao lên bờ.
Pháp ngôn thật quý không ngờ,
Đương phàm hóa Thánh một giờ đổi thay!
Học đòi theo đạo Như Lai,
Mượn lời chánh lý trình bày Pháp môn.
Ta nên cất tiếng ôn tồn,
Phá tan những giấc mộng hồn tối đen!
Miệng ta là cánh hoa sen,
Một khi hé nở, một phen thơm lừng!
Tiếng ta là gió mùa xuân,
Một cơn thổi nhẹ, muôn dân mát lòng!
   Kết thúc bài Pháp, Sư cho các em học thuộc và trả bài 4 câu kết của bài kệ
   Các em thay nhau trả bài, vui tươi, hồn nhiên và có phần sáng tạo làm buổi học kết thúc trong không gian tràn đầy tiếng cười vui của trẻ.
   Sau cùng, với thời lượng 5 phút thiền ngắn, Sư tập cho các em vun bồi tình thương đối với mẹ cha, sự kính trọng đối với thầy cô, với mọi người.....
 5 phút thiền cuối giờ Pháp
Các hình ảnh 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét