Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Pháp hành Như Lai thanh tịnh thiền



HT. Giác Ngộ
Các bậc Thiền Sư thường dạy: “Giải thoát chỉ có thể chứng nghiệm khi thực hành và không bao giờ đạt được trên sự bàn luận lý thuyết suông” . Nhờ hành thiền mà chư Phật đã giác ngộ và chứng thành Chánh Giác. Do đó, pháp hành chính là phương pháp hành thiền thực tiễn do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu tập, chứng nghiệm và truyền dạy lại để người đệ tử Phật có thể thực hành hướng đến giải thoát. Đây là phương pháp tu tập theo con đường Bát Chánh Đạo để diệt tận tham sân si, gồm ba phần: Giới - Định - Tuệ.
I.  GIỚI
Muốn đi xa phải bắt đầu từ gần, muốn lên cao phải bắt đầu từ thấp. Nghĩa là muốn đạt được giải thoát giác ngộ, hành giả phải bắt đầu từ thềm thang giới luật. Do đó, khi bắt đầu vào khóa thiền tập, các thiền sinh cần phải tụng kinh sám hối để các nghiệp được thanh tịnh, sau đó thọ trì tam quy bát giới để gìn giữ trong suốt khóa tu. Đặc biệt là giới tịnh khẩu phải hết sức nghiêm trì, vì lời nói và hành động lăng xăng thường làm tâm ta xáo trộn, không đủ yên tịnh để quán sát nội tâm. Vì thế, giới chính là nền tảng căn bản cho người tu thiền.
II. ĐỊNH
Định là phương pháp tập trung tư tưởng, làm cho tâm thể được vắng lặng, tâm dụng trở nên mạnh mẽ mà thẩm sát các pháp. Đức Phật dạy nhiều phương pháp tập trung và duy trì tâm ý trên một đối tượng duy nhất. Nhưng phương pháp khám phá thực thể nội tại thuận lợi nhất là pháp số tức quán hay còn gọi là pháp quán niệm hơi thở. Trong khóa thiền tập này, phương pháp quán niệm hơi thở được thực hành trong tất cả các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, mà thuật ngữ nhà Phật gọi là thiền hành, thiền trụ, thiền ngọa và thiền tọa.
1.      Phương pháp Thiền hành:
Thiền hành là đi kinh hành theo sự hướng dẫn chung. Trong khóa thiền tập, thiền sinh đi kinh hành với hội chúng theo thứ lớp. Vừa tập trung bước theo bước chân trái hay phải của người đi trước mình, vừa quán niệm hơi thở hay niệm thầm câu niệm Phật để tâm khỏi tán loạn. Thiền hành là phương pháp giúp cơ thể vận động và tâm thư giãn, thảnh thơi theo mỗi bước chân đi.
2.      Phương pháp Thiền trụ:
Thiền trụ là phương pháp đứng trụ một chỗ theo tư thế sao cho hai gót chân vừa chạm khít nhau và hai bàn chân xếp lại thành hình chữ V. Hai tay buông thỏng một cách tự nhiên, không gượng ép. Mắt khép vừa, miệng ngậm, tâm theo dõi hơi thở. Thiền trụ tạo cho người tu thiền một đức tính kiên định, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
3.      Phương pháp Thiền ngọa:
Thiền ngọa là phương pháp nằm ngủ trong tư thế tỉnh giác. Trước khi ngủ, hành giả nên ngồi tĩnh tọa, quán niệm hơi thở trong vòng 10 đến 15 phút. Khi cảm thấy buồn ngủ, hãy nằm ngủ theo tư thế con sư tử, tức nằm nghiêng bên tay phải, chân trái xếp trên chân phải, bàn tay phải để nhẹ dưới má phải, tay trái buông thõng ở giữa bụng và tiếp tục quán niệm hơi thở cho đến khi đi vào giấc ngủ. Ngủ theo cách như vậy giúp cho người tu thiền luôn tỉnh giác, không gặp ác mộng, khi thức dậy tinh thần được sảng khoái và minh mẫn.
4.       Phương pháp Thiền tọa:
Thiền tọa là phương pháp ngồi an định được thực hành qua ba bước: điều thân, điều tức và điều tâm.
a.      Điều thân:
Điều thân là điều hòa tư thế ngồi cho thích hợp trước khi thực hành thiền định. Có thể ngồi kiết già hay bán già cũng được. Lưng thẳng, đầu ngay, miệng ngậm, răng khít, lưỡi trải ra và đầu lưỡi vừa đụng nướu răng trên. Mắt khép vừa, nhìn vào trong, tai nghe vào trong, tâm theo dõi hơi thở. Hai bàn tay để trên hai cổ chân bàn tọa, bắt ấn tam muội hoặc để tay trên tay dưới sao cho hai đầu ngón cái vừa chạm nhau.
b.      Điều tức:
Điều tức là điều hòa hơi thở. Trước khi thiền định, hãy buông xả mọi duyên, giữ tâm thật yên lặng, rồi bắt đầu thực hành ba hơi thở đặc biệt.
·         Hơi thứ nhất: hít vô thật đầy, thở ra thật hết để súc sạch buồng phổi.
·         Hơi thứ hai: hít vô thật đầy rồi nín lại, đến khi không chịu nổi nữa thì thở ra từ từ cho thật hết.
·         Hơi thứ ba: hít vô thật đầy rồi nín lại, đến khi không chịu nổi nữa thì thở ra tự nhiên và buông xả, không khởi niệm, giữ tâm hoàn toàn thanh tịnh.
Ba hơi thở này có công năng làm cho bá mạch được lưu thông, khí lực tràn đầy, hôn trầm nhất thời bị phá tan, vọng tưởng bị đẩy lùi, thân tâm khinh an dễ dàng vào định.
Sau ba hơi thở này, hành giả ngồi thản nhiên, tâm vắng lặng rỗng không, quan sát hơi thở ra vào một cách tự nhiên, nhận thấy rõ hơi thở đang chuyển dần từ thô đến tế và từ từ đi vào định. Đây không phải là phương pháp luyện thở, mà là phương pháp tập phát triển chánh niệm. Hành giả buông xả và chú tâm quan sát hơi thở của mình càng lâu bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Khi thấy vọng tưởng sinh khởi, tư tưởng trôi dạt lang thang, hãy bình tĩnh và kiên trì kéo tâm về đề mục quán hơi thở theo pháp điều tức gồm ba bước:
·         Pháp chuyển tức: tập trung tư tưởng vào minh đường, tức giữa hai chân mày. Hít hơi vào, niệm “Nam”; đưa tư tưởng xuống giữa lồng ngực, niệm “Mô”; tiếp tục đưa hơi thở xuống đơn điền, dưới rốn ba phân, niệm “A”. Tại đây, bắt đầu thở ra, niệm “Di”, chuyển tư tưởng trở lên giữa lồng ngực, niệm “Đà”, rồi chuyển lên lại giữa minh đường, niệm “Phật”.       Cứ thực hành như thế để nhiếp tâm điều phục vọng tưởng. Trong trường hợp không thể nhiếp tâm vào quán niệm, thì có thể kết hợp quán niệm và đếm số từ 1 đến 10 và đến 100, không cho quên hay lộn, nếu bị quên hay lộn, hãy đếm lại từ đầu.
·         Pháp điều tức:  sự thực hành quán niệm hơi thở và vận dụng đưa tư tưởng lên xuống như vậy là phương pháp giúp cho bá mạch được lưu thông, tinh thần minh mẫn, vọng tưởng được diệt trừ, hôn trầm biến mất. Khi tư tưởng đã được tập trung và hơi thở được nhẹ nhàng. Hành giả thở một cách tự nhiên và đưa tư tưởng tập trung nơi đan điền (dưới rốn ba phân). Hít hơi vô niệm “Nam Mô A”, thở ra niệm “Di Đà Phật.” Không cần đếm. Khi nào tâm được an tịnh, hành giả buông xả không cần niệm nữa, tức là đạt đến trạng thái vô niệm, nhập vào sơ thiền gọi là “Ly sanh hỷ lạc”.
·         Pháp diệt tức: hơi thở lúc này từ từ nhẹ dần, nhẹ đến mức dường như hơi thở không còn, nhưng tâm vẫn tỉnh giác cảm nhận được sự rung động nhẹ nhàng nơi dưới chót mũi trên đỉnh nhơn trung. Lúc bấy giờ các lỗ chân lông đều mở ra, toàn thân mát lạnh. Lỗ mũi thông thoáng, có thể nghe tiếng kêu lắc cắc bên trong. Tâm được hỷ lạc trong trạng thái an định, nhập vào nhị thiền gọi là “Định sanh hỷ lạc”.
c.        Điều tâm:
Khi đạt được sự hỷ lạc trong trạng thái an định, hành giả càng nhiếp tâm vào định. Khi định được lắng sâu, hành giả có thể trải qua nhiều kinh nghiệm lạ thường khác nhau như thấy ánh sáng, các hình ảnh vi diệu, nghe âm thanh … danh từ nhà Phật gọi tất cả các kinh nghiệm lạ thường này là “ấn chứng thiền”. Đó là dấu hiệu cho biết tâm trí đã đạt đến một mức định cao hơn. Thân tâm lúc ấy cảm nhận sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Ly hỷ diệu lạc”, chứng và trú thiền thứ ba. Tuy nhiên, sự diệu lạc trong các cảnh giới thiền này chỉ là trạm dừng, Kinh Pháp Hoa gọi đây là hóa thành trên đường về bến giác. Do đó, hành giả chỉ tạm dừng để chiêm nghiệm rồi buông xả, và giữ tâm hoàn toàn thanh tịnh, tỉnh giác, chứng và trú vào thiền thứ tư, gọi là “xả niệm thanh tịnh”.
Đến đây, thân tâm trở nên nhu nhuyến dễ sử dụng, hành giả có thể chọn lựa để hướng tâm tu tập theo hai cách:
·         Cách thứ nhất: có thể hướng tâm vào “tứ không định” và phát triển chứng đắc được “Ngũ thông” rồi nhập vào “Diệt thọ tưởng định”; kinh tạng Pali gọi đây là thiền thứ chín, có công năng diệt trừ tất cả các lậu hoặc, chứng đắc được Lậu tận thông, hoàn toàn giải thoát, không còn luân hồi sanh tử. Tuy nhiên, đây là con đường khó khăn và nguy hiểm, hành giả dễ rơi vào trạng thái vô ký hoặc bị lạc vào không tưởng.
·         Cách thứ hai: chuyển tâm từ định sang quán, nhập vào ngũ thiền. Đây là trạng thái tâm hằng an định nhưng có tuệ quán chiếu soi, nên gọi là “định quán” hay “định xả”. Đến đây hành giả cần phải chú tâm quan sát vào một điểm nhỏ duy nhất ở đầu mũi để có một định lực thật mạnh trước khi tiến qua giai đoạn thiền tuệ.
III. TUỆ
Thiền tuệ là phương pháp định quán để quan sát toàn thân theo pháp quán tứ niệm xứ. Để thực hành quán Tứ niệm xứ, người tu thiền cần phải trải qua giai đoạn tu định. Tuy nhiên, bản thân các trạng thái định không có khả năng đưa hành giả đạt được sự giải thoát, chức năng của chúng chỉ là bàn đạp để phát triển tuệ giác. Do đó, khi tu tập hành giả không nhắm vào việc đắc thọ hỷ lạc mà nhắm vào việc rèn luyện tâm trí thành một khí cụ để xem xét chính các cảm thọ cũng như các pháp đang hiện khởi bên trong chính mình để đoạn trừ các lậu hoặc gây ra đau khổ.
Quán tứ niệm xứ là pháp quán chính bản thân Đức Phật đã thực hành và truyền dạy gọi là Minh sát tuệ, quán theo bốn đề mục: thân, thọ, tâm, pháp.
·         Quán thân: là phương pháp quán sát toàn thân từ đỉnh đầu cho chí đến đầu móng chân, theo một trình tự nhất định, để nhận thức được sự bất tịnh của thân người.
·         Quán thọ: khi quán sát toàn thân, hành giả ghi nhận các cảm thọ khác nhau đang hiện khởi trên thân để nhận thức rằng các cảm thọ dù lạc hay khổ đều là nguyên nhân của mọi nỗi khổ đau.
·         Quán tâm: khi quán sát các cảm thọ đang hiện khởi trên thân, hành giả nỗ lực quan sát các trạng thái khác nhau của tâm để nhận thấy tâm vốn vô thường, luôn lệ thuộc và thay đổi theo sự thay đổi của các cảm thọ. Khi các cảm thọ lạc hay dễ chịu khởi lên, khởi tâm hoan hỷ, bám víu vào đó gọi là tâm tham. Khi tức giận hay thất vọng đối với các cảm thọ đau nhức hay khó chịu, đó là tâm sân. Đôi khi uể oải chế ngự, khiến hành giả vừa ngồi tu thiền đã lơ mơ buồn ngủ; đôi khi hành giả bị xao động hoặc tìm cớ để đứng dậy, có khi khởi lên đầu óc nghi ngờ phá sụp ý chí tu tập; tất cả đều là tâm si.
·         Quán pháp: khi quán sát các trạng thái tâm thức, hành giả nỗ lực để nhận thức rằng các hành nghiệp tham sân si đều chịu sự vô thường thay đổi. Bản năng cố hữu của con người là luôn bám víu vào cảm thọ lạc và phản ứng lại đối với các cảm thọ khổ, nên thường bị các hành nghiệp tham, sân, si sai sử. Do đó người tu thiền cần phát triển khả năng buông xả để cảm nhận được rằng, các hành là vô thường và bản chất của các pháp đều là vô ngã.

Sau khi trải qua các pháp quán tứ niệm xứ: thân, thọ, tâm, pháp, hành giả với tâm buông xả nhận thức được bản chất vô ngã của các pháp. Tâm buông xả tức là giữ tâm bình thản đối với các hành nghiệp, cũng như các cảm thọ; dù là lạc hay bất lạc đều có cùng một bản chất như nhau là luôn thay đổi. Do đó, giữ được tâm buông xả, không bám víu vào cũng không phản ứng lại đối với các pháp chính là đạt được trạng thái tự tại giữa khổ và vui. Đạt được trạng thái này tức đạt được pháp không, kinh điển Pàli gọi là sự đắc pháp, tức nhận thấy được bản thể tự tánh của chính mình. Kinh Thủ Lăng Nghiêm mô tả trạng thái này là “Phản quan tự tánh” hay còn gọi là “Minh tâm kiến tánh”.

Tuy nhiên, mục đích rốt ráo của người tu tập thiền định không phải chỉ đạt đến sự kiến tánh, mà cốt ở chỗ đem sự kiến tánh này ứng dụng vào cuộc sống thực tế để thật sự liễu triệt tánh không. Khi liễu triệt được tánh không, hành giả thật sự bước vào giai đoạn thõng tay vào chợ, như thiền sư Triệu Châu Tùng Thẩm thổ lộ rằng: “Ngoài hai thời cơm cháo phải chú nguyện cho tín chủ, ta suốt ngày không khởi một niệm”. Không khởi niệm tức không khởi tâm phân biệt đối với các pháp.

Người xưa đã từng dạy: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”; cũng vậy, sự tu tập để đạt được giải thoát khỏi mọi sự khổ đau tuy là con đường gian khó, nhưng tục ngữ cũng có câu: “Hữu chí tất thành”. Do đó, với sự nỗ lực tự thân, người hành thiền sẽ tự mình chuyển hóa nội tâm hướng đến cuộc sống an lạc và giải thoát.

Chúc các thiền sinh tu hành đắc pháp.
Cầu mong cho tất cả chúng sanh đều được an lành và hạnh phúc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét