Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Kinh Tạp A Hàm - 816 đến 821 - HỌC

Quyển 29
Kinh 816 Học(1)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có ba học. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học, tăng thượng Tuệ học. Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Người đầy đủ ba học,
Là Tỳ-kheo chánh hạnh;
Tăng thượng giới, tâm, tuệ,
Nỗ lực siêng ba pháp.
Dũng mãnh, thành trì vững,
Luôn giữ gìn các căn.
Ngày cũng như ban đêm,
Ban đêm cũng như ngày.
Trước lại cũng như sau,
Sau lại cũng như trước;
Như trên cũng như dưới,
Như dưới cũng như trên.
Các tam-muội vô lượng,
Chiếu khắp cả các phương;
Đó lối đi giác ngộ,
Tập tươi mát bậc nhất.
Lìa bỏ vô minh tránh,
Tâm ấy khéo giải thoát.
Ta Đấng Thế Gian Giác,
Minh hạnh đều đầy đủ.
Trụ chánh niệm không quên,
Tâm này được giải thoát.
Khi thân hoại mạng chung,
Như đèn hết dầu tắt.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Kinh 817 Học(2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Cũng có ba học nữa. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học, tăng thượng Tuệ học.
“Thế nào là tăng thượng Giới học? Tỳ-kheo an trụ giới, luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi, hành xứ, thấy tội nhỏ nhặt sanh lòng sợ hãi, thọ trì học giới.
“Thế nào là tăng thượng Ý học? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện… cho đến, chứng và an trụ đệ Tứ thiền.
“Thế nào là tăng thượng Tuệ học? Tỳ-kheo biết như thật về Khổ Thánh đế này, biết như thật về Tập, Diệt, Đạo Thánh đế, đó gọi là tăng thượng Tuệ học.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ như đã nói ở trên.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Kinh 818 Học(3)

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có Tỳ-kheo học tăng thượng Giới, không phải học tăng thượng Ý, tăng thượng Tuệ. Có vị học tăng thượng Giới, tăng thượng Ý, không phải học tăng thượng Tuệ.
“Thánh đệ tử an trụ tăng thượng Tuệ, phương tiện tùy thuận mà thành tựu và an trụ, thì sự tu tập tăng thượng Giới, tăng thượng Ý cũng sẽ đầy đủ. Cũng vậy, Thánh đệ tử an trụ tăng thượng Tuệ, phương tiện tùy thuận mà thành tựu và an trú, thì sẽ sống theo tuổi thọ của trí tuệ vô thượng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Kinh 819 Học(4)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hơn hai trăm năm mươi giới, cứ mỗi nửa tháng, lại thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa. Để cho kia tự minh cầu học mà học, nói ba học có thể tổng nhiếp các giới. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học và tăng thượng Tuệ học.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Kinh 820 Học(5)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nói như trên, nhưng có một vài sai biệt.
“Thế nào là tăng thượng Giới học? Tỳ-kheo thiên trọng nơi giới, giới tăng thượng; không thiên trọng nơi định, định không tăng thượng; không thiên trọng nơi tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế, nếu phạm thì theo đó mà sám hối. Vì sao? Ta không nói là kia không có khả năng, nếu giới kia tùy thuận phạm hạnh, làm lợi ích cho phạm hạnh, làm tồn tại lâu dài phạm hạnh; Tỳ-kheo như vậy giới vững chắc, giới sư luôn tồn tại, giới thường tùy thuận mà sanh, thọ trì mà học. Biết như vậy, thấy như vậy, thì sẽ đoạn trừ ba kết là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kết này đã đoạn trừ, đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào pháp đường ác, nhất định sẽ hướng đến Vô thượng Chánh giác, chỉ còn qua lại bảy lần Trời, Người, cứu cánh thoát khổ. Đó gọi là tăng thượng Giới học.
“Thế nào là tăng thượng Ý học? Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; không thiên trọng tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế… cho đến thọ trì học giới. Biết như vậy, thấy như vậy, đoạn trừ năm hạ phần kết, là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế. Năm hạ phần kết này đã đoạn trừ, đắc Sanh Bát-niết-bàn A-na-hàm, không còn trở lại đời này. Đó gọi là tăng thượng Ý học.
“Thế nào là tăng thượng Tuệ học? Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; thiên trọng tuệ, tuệ tăng thượng. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm giải thoát vô minh hữu lậu; giải thoát tri kiến,‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đó gọi là tăng thượng Tuệ học.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Kinh 821 Học(6)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hơn hai trăm năm mươi giới, cứ mỗi nửa tháng, lại thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa. Nếu thiện nam tử tự theo ý muốn của mình mà học, Ta nói cho ba học. Nếu học ba học này, thì sẽ tóm thâu được tất cả các học giới. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học, tăng thượng Tuệ học.
“Thế nào là tăng thượng Giới học? Tỳ-kheo thiên trọng nơi giới, giới tăng thượng; không thiên trọng nơi định, định không tăng thượng; không thiên trọng nơi tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế,… cho đến nên giữ gìn học giới. Nếu Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn ba kết là thân kiến, giới thủ, nghi; và tham, nhuế, si đã mỏng, thành tựu Nhất chủng đạo. Ở vào địa vị này chưa phải là đẳng giác, nên gọi là Tư-đà-hoàn, hay gọi là Gia-gia, gọi là Thất hữu, gọi là Tùy pháp hành, gọi là Tùy tín hành. Đó gọi là tăng thượng Giới học.
“Thế nào là tăng thượng Ý học? Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; không thiên trọng tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế… cho đến thọ trì học giới. Nếu Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn được năm hạ phần kết, là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế; nếu đoạn trừ được năm hạ phần này có thể được Trung Bát-niết-bàn. Ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì được Sanh Bát-niết-bàn; ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì được Vô hành Bát-niết-bàn; ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì được Hữu hành Bát-niết-bàn; ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì được Thượng lưu Bát-niết-bàn. Đó gọi là tăng thượng Ý học.
“Thế nào là tăng thượng Tuệ học? Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; thiên trọng tuệ, tuệ tăng thượng. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm giải thoát vô minh hữu lậu; giải thoát tri kiến,‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đó gọi là tăng thượng Tuệ học.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét