Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Ngũ Ấm Ma

50 món ma chướng (ngũ ấm ma)
Triết Lý Ðạo Phật 
hay là Ðại Cương Kinh Lăng Nghiêm

(Trích Phật Học Phổ Thông)

Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
http://www.tangthuphathoc.net/gianggiai/daicuongkinhlangnghiem-03.htm Thuyết pháp gần xong, đức Như Lai đứng dậy, tay vịn ghế thất bửu, kêu Ngài A Nan và đại chúng dạy thêm rằng:
-  Các ông chưa rõ trên đường tu hành, còn gặp nhiều cảnh ma rất là nguy hiểm.  Nếu các ông không biết trước, sanh tâm tà kiến thì đọa vào ác đạo, cũng như người nhận lầm giặc làm con, thì bị hại chẳng ít.  Vậy các ông phải chăm chú nghe, ta sẽ chín chắn chỉ dạy cho. 
Này A Nan, tất cả chúng sanh cùng với người mười phương chư Phật, đồng một thể chơn tâm thanh tịnh không hai.  Bởi các ông bị vô minh vọng tưởng, nên sanh ra mười phương hư không và thế giới nhiều như vi trần, nhưng mười phương hư không và hằng sa thế giới đó đều sanh ở trong chơn tâm của các ông, chẳng khác nào một điềm mây nhỏ sanh trong trời xanh.  Nếu người ngộ được chơn tâm rồi thì mười phương hư không và thế giới đều tiêu hết. 
Bởi các loài ma kia thấy người tu hành sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu.  Chúng nó cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được lậu tận thông. 
Mặc dầu chúng đủ năm phép thần thông và sức mạnh, song vẫn còn ở trong vòng trần lao; nếu các ông trong khi tu thiền tâm được thanh tịnh sáng suốt, không vọng động, thì chúng ma kia không làm sao hại được.  Cũng như dao chặt xuống nước, gió thổi ánh sáng, hoàn toàn không dính líu gì.  Chúng ma kia phải lần lần tiêu diệt như băng bị nước nóng chế vào và tối tăm bị ánh sáng phá trừ; chỉ lo một điều là các ông cũng như chủ nhà, nếu chủ nhà mê muội rồi thì các ma chướng kia như khách dễ bề nhiễu hại, rồi các ông trở làm con cái của ma, sau thành người ma. 
Ma Ðăng Già là thứ ma yếu hèn, nó chỉ làm ông phá một giới trong tám muôn giới mà thôi, nhờ tâm ông thanh ti6nh nên chẳng bị trầm luân.  Còn các chúng ma này rất là nguy hiểm, nó phá tan giới thân huệ mạng làm cho ông nhiều kiếp luân hồi.  Chẳng khác nào như ông quan lớn bị cách chức, gia tài sự sản bị tịch thâu, trở thành một người đân trắng, không thể cầu cứu với ai được. 
                                                             Mười món ma về sắc ấm
1.THÂN THỂ KHÔNG BỊ CHƯỚNG NGẠI
Này A Nan, người trong khi tu thiền do sức dụng công, nên tâm tánh được nhiệm mầu sáng suốt, tự thấy thân thể mình trong giây phút qua lại tự tại, không bị cái gì làm chướng ngại.  Vì công dụng tu luyện, nên tạm hiện ra các việc như vậy, không phải là chứng Thánh; nếu sanh tâm nghĩ mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ. 
2.LƯỢM BỎ TRÙNG ÐỘC TRONG THÂN 
A Nan, hành giả trong lúc dụng công tu thiền, thoạt thấy thân thể mình trong suốt, các loài trùng độc, sên bò qua lại, rồi lượm bỏ ra ngoài mà thân không đau đớn.  Vì dụng công tu luyện nên tạm hiện ra cảnh như vậy, không phải chứng Thánh.  Nếu nghĩ mình chứng Thánh thì bị ma nó cám dỗ. 
3.NGHE TRONG HƯ KHÔNG CÓ TIẾNG NÓI PHÁP 
            Hành giả trong lúc tu thiền, nghe trong hư không có tiếng thuyết pháp, hoặc nghe Thánh, Hiền, Tiên, Phật trong mười phương thế giới đều nói ra nghĩa lý nhiệm mầu.  Ðây vì hành giả dụng công tu luyện nên tự tâm biến hiện ra cảnh giới như vậy, không phải chứng Thánh, nếu nghĩ mình chứng Thánh, thì bị ma ám ảnh. 
4.THẤY PHẬT HIỆN VÀ HOA SEN NỞ 
            Người tu thiền định, khi tâm thanh tịnh rồi, tự phát ra ánh sáng.  Lúc bấy giờ thấy mười phương đều hiện ra sắc vàng, tất cả các vật loại hóa thành Phật cả.  Lại thấy đức Phật Tỳ Lô Giá Na ngồi trên đài thiên quang, các đức Phật ngồi xung quanh và có vô số hoa sen đồng thời xuất hiện.  Ðây do hành giả dụng công tu thiền, nên thấy có cảnh tạm hiện ra như vậy, không phải là chứng Thánh; nếu nghĩ mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ. 
5.THẤY CÁC VẬT BÁU ÐẦY CẢ HƯ KHÔNG 
            Người trong khi tu thiền thấy mười phương hư không đều thành bảy báu, nào màu xanh, sắc vàng, đỏ, trắng, hiện ra vô số, mà chẳng chướng ngại nhau.  Ðây do trong lúc tu thiền, vì hành giả dụng công đè nén vọng niệm thái quá, nên nó biến hiện ra cảnh như vậy, không phải chứng Thánh; nếu nghĩa mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ. 
6.THẤY BAN ÐÊM NHƯ BAN NGÀY 
            Người tu thiền định, do tâm yên tịnh nên phát ra ánh sáng.  Lúc bấy giờ mặc dù nửa đêm, ở trong nhà tối mà vẫn thấy rõ hết cả mọi vật, không khác chi ban ngày.  Vì hành giả dụng công tu luyện nên tạm hiện ra cảnh như vậy, không phải chứng Thánh; nếu cho mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ. 
7.THÂN THỂ KHÔNG BIẾT ÐAU 
            Người tu thiền đến khi tâm tánh được rỗng không, thì thân thể chẳng biết đau.  Lúc bấy giờ lửa đốt không cháy, dao chặt không đau.  Ðây do sức dụng tâm tu luyện của hành giả nên tạm được như vậy, không phải chứng Thánh; nếu cho mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ. 
8.THẤY CẢNH GIỚI PHẬT HIỆN KHẮP NƠI 
            Người tu thiền định do dụng công cùng tột, nên thấy mười phương núi sông toàn cả thế giới đều biến thành cõi Phật, đủ cả bảy món báu chiếu sáng khắp giáp.  Lại thấy hằng sa chư Phật ở trong cung điện tốt đẹp hiện đầy cả hư không.  Trông lên trên thì thấy các cung trời, xem trở xuống lại thấy hết các cõi địa ngục đều không có chướng ngại.  Ðây do lúc tu thiền, vì hành giả ngưng vọng tưởng lâu ngày, nên nó hóa hiện như vậy, không phải chứng Thánh; nếu cho mình chứng Thánh, thì bị đọa vào đường tà. 
9.BAN ÐÊM THẤY, NGHE ÐƯỢC PHƯƠNG XA 
            Trong khi tu thiền, do tâm tham cứu sâu xa, nên trong lúc giữa đêm thấy được nào là chợ bu`a, đường sá, bà con họ hàng ở các phương xa, hoặc nghe được tiếng nói.  Ðây do hành giả kiềm thúc cái vọng tâm thái quá, nên tạm hiện ra như vậy, không phải chứng Thánh; nếu cho mình chứng Thánh, thì bị đọa vào đường tà. 
10.THÂN HÌNH BIẾN HÓA, NÓI PHÁP THÔNG SUỐT 
            Trong khi tu thiền, do hành giả dụng tâm tham cứu cùng tột, nên thấy có các vị Thiện tri thức, chỉ trong giây phút mà thân mình biến hóa nhiều cách.  Ðây do trong khi tu thiền vì hành giả sanh tâm chấp trước, nên bị ma ám ảnh, làm cho người này thông suốt nghĩa mẩu, nói pháp vô ngại, không phải chứng Thánh; nếu chẳng chấp trước thì cảnh ma này lần lần tiêu; còn cho mình chứng Thánh thì bị đọa vào cảnh ma. 
TÓM LẠI
            Này A Nan!  Mười cảnh ma này, đều do trong lúc tu thiền, hành giả dụng tâm phá trừ sắc ấm, nên nó biến hiện ra các cảnh như vậy.  Nếu khi gặp những cảnh ấy, mê lầm không biết, cho mình đã chứng Thánh thì bị ma nó ám ảnh, rồi sanh đại vọng ngữ, nói mình thành đạo chứng quả v.v... sau khi chết rồi đọa vào địa ngục vô gián.  Vậy khi ta nhập diệt rồi, các ông nên y lời ta dạy, đem những việc ma này giảng dạy cho người tu hành đời sau, bảo hộ người tu hành đặng đạo quả, chớ để cho họ bị thiên ma nhiễu hại. 

MƯỜI MÓN MA VỀ THỌ ẤM :

Này A Nan, người tu thiền định khi phá trừ sắc ấm rồi, tâm trí sáng suốt, do hàng giả dụng công dằn ép các vọng tưởng thái hóa, nên phát sanh lòng thương xót các loài vật vô cùng, cho đến thấy loài mòng muỗi, thương cũng như con ruột, thương cho đến nỗi sa nước mắt khóc ròng. Nếu hành giả giác ngộ thì cảnh ấy lần lần tiêu hết, không có hại chi; còn mê lầm không biết, thì bị ma sầu bi ám ảnh vào tâm, rồi thấy người tự khóc ròng, tâm mất chánh định, sau khi chết rồi đọa vào cảnh ma.
Này A Nan, người tu thiền định khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, thấy có nhiều điều linh ứng và những cảnh tốt đẹp hiện ra. Vì trong lòng cảm khích thái quá, nên hành gỉả phát tâm đại dõng mãnh, lập chí đồng với chư Phật, quyết tu một đời thành Phật, không chịu trải qua bao vô số kiếp. Nếu hành giả giác ngộ thì cảnh ấy lần lần tiêu diệt; còn mê lầm không biết cho mình chứng Thánh thì bị ma nhập tâm, thấy người hay khoe khoang hống hách, ngã mạn không ai bằng, cho đến trên thấy không có Phật, dưới thấy không có người, mất chánh định, sau khi chết rồi bị đọa vào ác đạo. 
Lại nữa, người tu thiền định, khi địa vị cũ đã qua khỏi, địa vị mới chưa chứng, lúc ấy bơ vơ giữa chừng, vị trí lực suy kém, nên trong tâm sanh ra rất khô khan, tất cả thời nhớ nghĩ vẩn vơ, rồi tự cho đó là tinh tấn. Đây vì trong lúc tu thiền, không có trí tuệ sáng suốt để phán đóan. Nếu hành giả hiểu biết thì không có hại; còn mê lầm không biết, cho mình chứng Thánh thì bị ma ám ảnh vào tâm, sớm chiều bóc quăng trái tim của mính, mất chánh định, chết rồi đọa vào ác đạo. 
Người tu thiền định khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, vì dùng huệ nhiều hơn định, mất sự thăng bằng, nên gặp những cảnh thù thắng hiện ra, sanh lòng nghi ngờ cho là Đức Tỳ Lô Giá Na Phật, mới đặng chút ít cho là đầy đủ. Nếu hành giả hiểu biết thì không có hại; còn mê lầm không biết cho mình là Thánh, thì bị ma ám ảnh, khi gặp người tự xưng: “Ta đặng đạo vô thượng Bồ đề”, sẽ mất chánh định, sau đọa vào đường ma. 
Người tu thiền định, khi cảnh cũ đã mất, địa vị mới chưa chứng, tự thấy bơ vơ; gặp cảnh giannan nguy hiểm, sanh tâm buồn rầu vô hạn, như ngồi trên chông sắt, như uống thốc độc, tâm chẳng muốn sống, thường cầu xin người giết giúp thân mạng mình, đặng sớm được giải thóat. Đây là do trong khi tu hành, hành giả thiếu phương tiện để lướt qua những cảnh ấy. Nếu liễu ngộ thì không hại; còn mê lầm chẳng biết, hành giả cho mình chứng Thánh, thời bị ma u sầu ám ảnh, rồi tự cầm gươm dao lóc lấy thịt mình, ưa bỏ thân mạng, thường hay lo rầu hoặc vào ở trong núi non rừng rú, không muốn thấy người, mất tâm chánh định, sau chết rồi đọa vào đường ma. 
Người tu thiền định, khi tâm được thanh tịnh an ổn rồi, bỗng nhiên sanh ra vui mừng vô hạn không thể ngăn được. Nếu hiểu biết thời không có hại; còn mê lầm cho mình chứng Thánh, thì bị ma nhập vào tâm phủ, Thấy người cười hòai, đi trên đường sá một mình ca múa, tự cho rằng “Ta đã đặng vô ngại giải thóat”, mất chánh định, sẽ đọa vào đường tà. 
Người tu thiền định, khi thấy sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, tự cho mình được như thế là đầy đủ rồi, sanh tâm ngã mạn, đối với mười phương chư Phật còn khinh khi, huống hồ là Thinh-văn, Duyên-giác. Nếu hiểu ngộ thì chẳng hại; còn hành giả mê lầm không biết cho là chứng Thánh, thì bị ma đại ngã mạn nó nhập tâm, không lạy Phật tổ, hủy họai kinh tượng. Hạng người ấy thường nói với tín đồ rằng: “Phật bằng cây, đất, đồng, chì; còn kinh tượng là giấy mực, có gì mà kính lạy; nhục thân này mới là chơn thật thường còn, sao chẳng cung kính, thật là điên đảo”. Tín đồ nghe rồi tin theo, đốt kinh chôn Phật. Người làm cho chúng sanh nghi lầm như thế, sau khi chết rồi bị đọa vào địa ngục vô gián. 
Người tu thiền định, khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, trong tâm sanh ra vô lượng khinh an rồi tự cho mình đã chứng Thánh, đặng đại tự tại. Nếu hành giả hiểu biết thời không hại; còn mê lầm không biết thì bị ma nhập tâm, rồi tự cho mình đã đầy đủ, không cần tu tấn, mất chánh định, sau khi chết rồi bị đọa vào đường tà. 
Người tu thiền định, khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, trong tâm bỗng sáng, rồi sanh ra chấp đọan diệt, bác không nhân quả, không tội phước, tất cả đều không. Nếu hành giả hiểu biết thời không hại; còn mê lầm không biết chấp mình chứng Thánh thì bị ma nhập tâm, rồi chê bai người trì giới cho là tu hành Tiểu thừa, tự xưng mình là Bồ-tát ngộ chơn lý chơn không rồi, không còn trì giới và phạm giới nữa, vẫn ăn thịt và uống rượu làm những việc tà dục. Do thần lực của ma nó làm cho tín đồ say mê, thương yêu cung phụng, luôn luôn trung thành, chẳng sanh lòng nghi ngờ hủy báng. Vì ma nhập lâu ngày làm cho phải điên, đến nỗi ăn uống những đồ nhơ uế, mà cho cũng như là uống rượu ăn thịt, phá các giới cấm của Phật, hòan toàn chấp không, làm mất chánh kiến của mình, sau khi chết rồi đọa vào đường tà. 
Người tu thiền định, khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, sanh ra vô cùng ái dục, đến đỗi phát cuồng. Nếu hành giả giác ngộ thì cảnh đó hết dần, còn mê lầm không biết cho là chứng Thánh, thì bị ma nhập tâm, rồi khuyến hóa người đời bình đẳng hành dục, bảo họ rằng: “Hành dục là đạo Bồ-đề, người hành dâm dục là kẻ duy trì chánh pháp’. Do thần lực của ma làm cho người cuồng kia chinh phục được cả ngàn muôn người, đến chừng ma nhàm chán, bỏ người tu thiền kia rồi, lúc bấy giờ hành giả không còn oai đức gì nữa, bị luật nước gaim cầm, đến khi lâm chung đọa vào địa ngục vô gián. 
Tóm lại 
A Nan, mười cảnh ma này, đều do trong lúc tu thiền, hành giả dụng tâm phá trừ thọ ấm, nên tự hiện ra các cảnh như vậy. Nếu hành giả mê lầm không biết, cho rằng chứng Thánh, thì bị ma dựa vào, làm nhiều hại đến thế; chết rồi đọa vào địa ngục vô gián. 
Sau khi Ta nhập diệt, các ông nên đem lời Ta dạy đây mà truyền dạy cho chúng sanh đời sau, bảo hộ người tu hành được thành đạo Bồ-đề, chớ để cho họ gặp các lòai ma chuớng làm hại, mà phải bị đọa vào ác đạo. 
II.    MƯỜI MÓN MA VỀ TƯỞNG ẤM :
A Nan, người tu thiền định, khi phát minh được diệu định rồi, lại khởi tâm tham cầu những việc diệu dụng và linh nghiệm. Khi đó thiên ma được biết, gặp dịp thuận tiện, nên xuất hồn nhập vào người, mà người bị nhập kia lại không biết, tự cho mình đặng đạo vô thượng Niết-bàn, cũng thường nói ra kinh pháp. Trong giây phút, thân mình người bị nhập kia, biến hiện ông Thầy, cô Ni, vị Đế thích hay người phụ nữ v.v… hoặc ở trong nhà tối, từ nơi thân họ chiếu ra hào quang sáng ánh. Người đời lầm cho là Bồ-tát thật, rồi tin nghe theo lời ma giáo hóa, sanh tâm buông lung, phá giới luật của Phật, lén làm việc tham dục. Người này ưa nói những điểm tai biến lạ lùng, hoặc nói chỗ kia có Phật ra đời, năm nào nổi đao binh giặc giã, năm nào có hỏa họan v.v… khủng bố tinh thần dân chúng, khiến cho người hao tài tốn của. Đến khi ma kia nhàm chán bỏ đi, thì thầy trò người bị ma nhập kia đều bị giam cầm. c1c ông nếu biết trước thời khỏi vào luân hồi; còn mê lầm không biết thì đọa vào ác đạo.
A Nan, hành giả khi tu thiền, trong  tâm muốn xuất thần dạo chơi. Lúc bấy giờ Thiên ma Ba tuần hiểu biết, được dịp thuận tiện nhiễu hại, nên xuất hồn nhập vào người, mà người bị nhập kia lại không biết, tự nói mình đặng đạo vô thượng Niết-bàn, miệng cũng nói kinh pháp thông suốt, làm cho những người nghe đều tự thấy thân mình hóa ra sắc vàng sáng rỡ, ngồi trên tòa sen báu, đặng những điều chưa từng có. Người đời lầm tưởng là Bồ-tát thị hiện. Người bị ma nhập kia lại dạy người phá giới luật của Phật, âm thầm làm việc tham dục, miệng ưa nói chuyện chư Phật giáng thế, như: ở xứ kia, ông đó là Đức Phật nào thị hiện, người nọ là vị Bồ-tát chi thị hiện v.v… làm chongười thấy, nghe sanh lòng khao khát, dâm tà kiến thêm mạnh, giống trí tiêu mòn. Đến lúc ma kia nhàm chán bỏ đi, thì thầy trò người bị ma nhập ấy đều bị bắt cả. các ông nếu sớm giác ngộ thì khỏi vào luân hồi; còn mê lầm không biết thì đọa vào địa ngục.
Lại nữa, người tu thiền định, trong tâm tham, cầu ngộ chơn lý. Lúc bấy giờ Thiên ma Ba tuần biết được ý muốn, nên xuất hồn nhập cho người, mà người tự không biết, tự cho rằng ta đặng đạo vô thường niết-bàn, miệng cũng nói kinh pháp, làm cho thính giả tuy chưa nghe pháp, mà tâm tự khai ngộ, biết được việc nhiều đời trước, hoặc biết rõ được tâm tánh người, hoặc thấy các cảnh địa ngục, biết trước những họa phước ở nhơn gian, miệng tự đọc kinh hay nói kệ, mỗi người đều tự vui mừng, cho là đặng những việc chưa từng có. Người đời mê lầm cho là Bồ-tát thị hiện. Ma kia lại ưa nói: “Phật có lớn nhỏ, Phật thiệt, Phật giả, Phật nam, Phật nữ, Đức Phật kia là Đức Phật trước, Đức Phật nọ là Đức Phật sau; Bồ-tát cũng vậy”, làm cho người mầt chánh tín lại sanh tà kiến, tâm tánh buông lung, phá giới luật của Phât, lén làm việc tham dục. Đến khi chúng ma kia sanh tâm nhàm chán bỏ đi, thì thầy trò người bị ma nhập kia đềi bị bắt. Các ông biết trước thời khỏi bị luân hồi; còn mê lầm tin theo thời đọa vào địa ngục.
Lại nữa, người tu thiền định, khi ở trong định, móng tâm muốn biết cùng tột căn nguyên của muôn vật, thỉo chung sanh hóa thế nào. Khi đó Thiên ma hiểu biết ý muốn, gặp dịp thuận tiện để khuấy nhiễu, nên xuất hồn đến nhập cho người, mà người nhập kia lại không biết, cho mình đặng đạo vô thường Niết-bàn, cũng thường nói kinh pháp. Chúng ma kia dùng oai thần nhiếp phục quần chúng, làm cho thính giả tuy chưa nghe pháp mà trong lòng đã tự kính phục. Chúng ma nói: “Thân thịt hiện tiền đây là Bồ-đề Niết-bàn, là Pháp thân của Phật”. Chúng ma lại nói: “ Mắt, tai, mũi, lưỡi là cảnh tịnh độ, nam căn và nữ căn tức là Bồ-đề Niết-bàn”. Nhưng người mê lầm không biết tưởng là Bồ-tát thị hiện, tin tưởng quy y theo, cho là một đấng hy hữu chưa từng có. Mất tâm chánh tín, phá giới luật của Phật, âm thầm làm hạnh tham dục. FĐến khi ma kia nhàm chán bỏ đi rồi, thì thầy trò người bị ma nhập kia đều bị bắt cả. Các ông nếu biết trước thì khỏi bị luân hồi, còn mê lầm tin theo thời đọa vào địa ngục vô gián.
Người tu thiền định vì móng tâm tham cầu sự cảm ứng linh nghiệm, nên Thiên ma biết được ý muốn, nó xuất hồn đến gá vào người mà người kia không biết, tự cho mình đặng đạo vô thượng Niết-bàn, cũng thường nói kinh pháp. Ma lại dùng thần lực khiến cho những người nghe pháp đều thấy thân thể người bị nhập kia già nua như người trăm tuổi sanh lòng thương mến, đêm ngày hầu hạ không biết mệt mỏi, và tứ sự cúng dường. Nó lại làm cho người người kính trọng là vị Tiên sư hay Thiện tri thức. Đối với người, nó ưa nói việc huyền ảo như: “Đời trước ta tế độ người kia, người nọ. Đời trước người kia là anh em hay vợ con của ta, đời nay ta tế độ, để cùng nhau sẽ sanh về thế giới kia và cúng dường Đức Phật nọ”; hoặc nói: “ Có cõi Trời Đại quang minh, tất cả các Đức Phật đều ở đó”. Những người mê muội không biết, lầm cho là Bố-tát thị hiện, tin tưởng kính trọng vô cùng, mất tâm chánh tín, phá giới luật của Phật, âm thầm al2m việc tham dục. Đến khi chúng ma kia sanh tâm nhàm bỏ. các ông biết trước thời khỏi vào luân hồi, còn tin tưởng nghe theo thì đọa vào địa ngục vô gián.
Người tu thiền định, khép mình nơi khổ hạnh tham cầu ở chỗ vắng vẻ tịch mịch. Khi đó Thiên ma Ba tuần biết được ý muốn, nên xuất hồn nhập vào người, mà người kia không biết, cho mình chứng đạo vô thượng Niết-bàn, cũng thường hay nói pháp. Ma dùng thần lực khiến cho các người nghe đều biết được đời trước của mình. Hoặc trong chỗ đông người, nó chỉ một người nào đó nói rằng: “Người này chưa chết, mà đã thành súc sanh”. Nói rồi, ma nó bảo một người khác đạp sau cái đuôi, thì người kia biến thành súc sanh, đứng dậy không được, làm cho đồ chúng hết sức kính phục. Có ai vừa móng tâm niệm gì, thì ma nó liền biết và nói ra ngay. Ngòai giới luật của Phật, chúng còn giữ thêm những điều khổ hạnh, phỉ báng các thầy Tỳ-kheo, mắng nhiếc tín đồ, làm tiết lộ việc bí mật của người mà không sợ người hiềm ghét, thường nói những việc họa phước sắp đến, không sai một mảy. Đến lúc ma kia nhàm chán bỏ rồi, thì thầy trò người bị ma nhập đều bị bắt. Các ông biết trước thời không vào luân hồi; còn mê mờ tin theo thì đọa vào địa ngục vô gián.
Người trong khi tu thiền định, móng tâm tham cầu biết trước của mình. Khi đó Thiên ma hiểu biết, gặp dịp thuận tiện, nên xuất hồn nhập vào người, mà người bị nhập kia không biết, tự cho mình đặng đạo vô thượng Niết-bàn, cũng thường nói kinh pháp, hoặc làm cho người tình cờ đặng châu báu. Nó hóa ra một con vật ngậm hột châu hay những vật kỳ quái đem đến đưa cho người. Nó chỉ ăn rau rác đơn sơ, không dùng đồ ngon quí, có khi mỗi ngày chỉ ăn một hột mè, hột bắp, mà thân hình vẫn mập tốt. Chúng thường nói: “Xứ kia có kho báu, chỗ nọ có các Thánh Hiền ẩn”. Chúng làm cho người  thấy những điều kỳ dị, hoặc nói những việc tham dục, phá giới của Phật, âm thầm làm hạnh dâm dục. Đến khi ma kia nhàm bỏ rồi, thì thầy trò người bị nhập đều bị bắt cả. Các ông biết trước thì khỏi đọa vào luân hồi; còn mê lầm tin theo, thì đọa vào địa ngục.
Người khi tu thiền định, móng tâm muốn được thần thông biến hóa. Khi đó Thiên ma liền biết, nên xuất hồn nhập cho người mà người không biết, tự cho rằng: “Đặng đạo vô thượng Bồ-đề”. Miệng nói kinh pháp và một tay cầm lửa, một tay rứt ánh sáng phân phát để trên đầu của thính giá. Mỗi người đều thấy trên đầu có ánh sáng dài đến vài thước, mà chẳng biết móng; hoặc đi trên nước hay ngồi trên hư không vẫn tự tại; hoặc vào trong bình, vô trong đãy (bọc), đi ngang qua vách tường, mà không bị chướng ngại. Chỉ trừ khi đối với binh đao, thì họ không tự tại. Họ xưng là Phật mà thân mặc đồ thế gian, thọ các thầy tỳ-kheo lễ bái, chê bai nhười tham thiền và trì giới, mắng nhiếc đồ chúng, làm tiết lộ việc nhà người mà không sợ người hiềm giận. Họ thường nói với người: “Ta đã đặng thần thông tự tại”; hoặc làm cho người thấy được cõi Phật (ma hiện ra cõi Phật) đem những điều dở hèn làm việc truyền đạo và khen ngợi việc hành dục. Đến khi ma kia nhàm bỏ, thì thấy trò người bị ma nhập kia đều bị bắt cà. Các ông biết trước thời khỏi vào luân hồi; còn mê lầm tin theo thời đọa vào địa ngục vô gián.
Người khi tu thiền định, tâm ưa nhập diệt, tham cầu không không. Khi ấy Thiên ma liền biết, đặng dịp thuận tiện, nên xuất hồn nhập cho người, mà người kia chẳng biết, tự cho mình đặng đạo vô thượng Niết-bàn, miệng nói kinh pháp. Hoặc ở trong chỗ đông người, người ấy tự biến mất, không ai thấy được, rồi tình cờ từ hư không hiện ra, khi ẩn khi hiện thần diệu vô cùng, hoặc hiện thân trong suốt như ngọc lưu ly, khi duỗi tay chân ra thì thơm nực mùi hương chiên đàn, chê bai giới luật, hủy báng người xuất gia, bác không có nhơn qủa, cho rằng chết rồi mất hẳn không có đầu thai, âm thầm làm việc tham dục, khiến cho những người thọ dục, cũng chấp không có nhơn quả tội phước v.v… Đến lúc ma nhàm bỏ, thì thầy trò người bị ma nhập kia đều bị bắt cả. các ông biết trước thời khỏi vào luân hồi; còn mê lầm không biết thì đọa vào địa ngục vô gián.
Người tu thiền định, móng tâm tham cầu sống lâu. Lúc bấy giờ Thiên ma hiểu biết, xuất hồn nhập cho người, mà người tự không biết, nói mình đặng đạo vô thựơng Niết-bàn, miệng thường nói kinh pháp và đi qua lại các thế giới được tự tại không ngăn ngại; mặc dù đường xa muôn dặm, nhưng đi không nháy mắt đã trở về đến chỗ, lại lấy những vật ở phương xa kia đem về làm tin. Hoặc ở trong một căn nhà nhỏ, nó bảo người đi thiệt mau, từ vách bên này qua vách bên kia, đi mấy năm cũng không đến; hoặc thường nói: “Chúng sanh trong mười phương đều là con của ta, ta sanh ra chư Phật, ta sanh ra thế giới, ta là Phật đầu tiên tự nhiên có, chẳng chơn tu hành mà được”; hoặc ngồi nói lầm thầm một mình như người cuồng, khiến cho người đời tin tưởng là Phật thiệt. Các ông biết trước thì khỏi bị luân hồi, còn mê lầm tin theo thời đọa vào địa ngục vô gián.
Tóm lại
A Nan, mười món ma tưởng ấm này, ở trong đời mạt pháp, sẽ giả làm người xuất gia tu hành, trong đạo của Ta, hoặc nhập cho người, hoặc tự hiện hình, đều tự xưng rằng: “Đã chứng quả Phật”. Chúng khen ngợi việc dâm dục, phá giới luật của Phật. Ma thầy, ma trò cùng nhau tryền dạy, làm hại cho người đến nhiều đời lắm, khiến người chơn tu mất chánh kiến, bị đọa làm bà con quyến thuộc của ma.
Các ông ngày nay đã được độ ra khỏi sanh tử luân hồi rồi, vậy các ông phải khởi lòng đại bi, không nên nhập diệt sớm, pảhi nguyện ở lại đời mạt pháp để cứu độ những người chơn chánh tu hành đời sau, khỏi bị ma nhiễu hại.
Các ông tuân theo lời a dạy đây, mới gọi là đền đáp ơn Phật. Các ông gắng bảo hộ người tu hành, nên đem lời nói của Ta đây truyền dạy cho chúng sanh đời sau, khiến cho họ hiểu rõ các việc ma, để khỏi bị Thiên ma nhiễu hại và mau được thành đạo vô thượng.
I.      Mười món ma về hành ấm:
            1.   Chấp không nguyên nhơn sanh
            2.   Bốn món chấp thường
            3.   Chấp một phần thường, một phần vô thường
            4.   Chấp có bốn món biên giới
            5.   Bốn món luận nghị rối lọan, không nhứt định             
            6.   Chấp mười sáu tướng có
            7.   Chấp tám món vô thường
            8.   Chấp tám món cu phi
            9.   Chấp bảy món đọan diệt
            10.  Chấp năm món Niết-bàn hiện tại
II.    Mười món ma về thức ấm:
            1.   Chấp minh đế
            2.   Chấp năng sanh
            3.   Chấp chơn thường  
            4.   Chấp cây cỏ cũng đều có biết
            5.   Chấp hư vô
            6.   ChẤp tứ đại hóa sanh
            7.   Tham cầu sống lâu
            8.   Tham luyến cảnh dục
            9.   Định tánh Thinh-văn
            10.  Định tánh Duyên-giác
I.    MƯỜI MÓN MA VỀ HÀNH ẤM :
            1.   Chấp không nguyên nhơn sanh
A Nan, người tu thiền định khi tưởng ấn hết rồi, thì tâm được minh chánh, không còn khởi các vọng tưởng tham muốn như trên, nên các Thiên ma không gặp dịp thuận tiện để nhiễu hại nữa. Lúc bấy giờ hành giả tự nhiên cứu nguồn gốc của muôn lòai, rồi sanh ra hai lối chấp :
            a/   Vì chỉ thấy biết được chúng sanh từ tám vạn kiếp trở lại, ngòai tám vạn kiếp thì mù mịt không thấy biết, nên sanh ra chấp : «Chúng sanh từ tám vạn kiếp trở lại tự nhiên có, không có nguyên nhơn sanh ».
            b/   Hành giả nghiên cứu chỉ thấy người sanh ra người, chim sanh ra chim, quạ từ hồi nào đến giờ vẫn đen, không phải do nhuộm mà đen, cò từ hồi nào đến giờ vẫn trắng, không phải do rửa mới trắng v.v... từ tám vạn kiếp đến nay đã vậy, thì từ đây về sau cũng thế. Hành giả tự nghĩ ta từ hồi nào đến giờ không thành Bồ-đề, thì về sau đâu lại có thành Phật, rồi khởi ra tà chấp : « Các vật tượng ngày nay đều không có nguyên nhân ». Bởi mê mờ tánhBồ-đề, mất chánh tri kiến, sanh ra hai lối chấp trên, nên đều đọa về ngọai đạo.
2.      Bốn món chấp thường
A Nan, người tu thiền định, khi tưởng ấm hết rồi, tâm được minh chánh, nên ngọai ma không còn thuận tiện để nhiễu hại được. Khi đó hành giả tham cứu tột cội gốc của muôn lòai, khởi ra bốn món chấp thường :
            a/   Chấp hai vạn kiếp thuờng. – Vì hành giả nghiên cứu cùng tột cả tâm và cảnh đều vô nhơn, vì sức tu chỉ biết được chúng sanh sanh diệt xoay vần từ hai vạn kiếp trở lại không mất, nên chấp cho là thường.
            b/   Chấp bốn vạn kiếp thường. – Hành giả tham cứu cùng tột tánh của tứ đại thường còn, do sức tu tập chỉ biết được chúng sanh từ bốn vạn kiếp trở lại, tuy có sanh diệt, mà bản thể nó vẫn thuờng còn thường mất, nên chấp là thuờng.
            c/   Chấp tám vạn kiếp là thuờng. – Hành giả tham cứu cùng tận tám thức, thấy nó thường hằng. Vì thấy từ tám vạn kiếp trở lại chúng sanh xoay vần không mất, nên chấp là thuờng.
            d/   Chấp cái không sanh diệt là thường. – Người tu thiền định khi các tưởng ấm sanh diệt đã hết, nhơn đó khởi tâm chấp cái không sanh diệt là thuờng.
A Nan, người tu thiền định, do mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ-đề, khởi ra bốn món chấp thường trên, nên đều đọa về ngọai đạo.
            3.   Chấp một phần thường, một phần vô thường
Người tu thiền định, khi tưởng ấm hết, nghiên cứu cùng tột cội gốc của sanh lọai, rồi khởi ra bốn lối chấp điên đảo :
            a/   Chấp tâm là thường, chúng sanh vô thường. – Hành giả khi quán tâm mình yên lặng khắp cả mười phương, các chúng sanh từ trong tâm mình tự sanh và tự chết, rồi chấp tâm ta là thường, chúng sanh vô thuờng.
            b/   Chấp thế giới, những chỗ bị họai là vô thuờng, những chỗ không bị họai là thuờng. – Người tu thiền định quán sát cả mười phương thế giới, chỗ kiếp họai (như từ Tam thiền trở xuống bị tam tai làm hại) thì chấp là vô thường ; những chỗ không họai thì chấp là thường (từ Tứ thiền trở lên, tam tai không làm họai được, chấp cho là cứu cánh Niết-bàn).
            c/   Chấp cái tâm là thường, còn sanh tử là vô thuờng. – Người tu thiền định, quán as1t tâm mình không biến đổi, nó nhỏ nhiệm tinh vi như hạt bụi và lưu chuyển cả mười phương, lại khiến cho thân àny sanh và diệt mà nó không biến đổi; nên chấp cho : « Tâm là thường; tất cả các vật đều từ tâm sanh ra, có sanh tử nên vô thường ».
            d/   Chấp hành ấm thường ; sắc, thọ, tưởng là vô thường. – Người tu thiền định, khi thấy sắc, thọ, tưởng ba ấm trước đã diệt, nên chấp là vô thường, thất hành ấm lưu chuyển thường còn nên chấp là thường.
Bốn lối chấp trên, đều sai lầm cả, do mê muội tánh Bồ-đề, mất chánh kiến, nên đọa về ngọai đạo.
4.      Chấp có bốn món biên giới
Người tu thiền định, khi tưởng ấm hết rồi, thấy được cùng tột cội gốc của sanh lọai, lúc bấy giờ khởi ra bốn lối chấp có biên giới :
            a/   Chấp ba đời. – Người tu thiền định, lúc bấy giờ chấp tâm niệm hiện tại tương tục (hành ấm) là vô biên, còn quá khứ và vị lai là hữu biên.
            b/   Chấp chúng sanh. – Người tu thiền định vì chỉ thấy được chúng sanh trong tám vạn kiếp, nên chấp là hữu biên ; còn trước tám vạn kiếp thì tịch mịch không thấy và cũng không nghe, nên chấp là vô biên.
            c/   Chấp tâm tánh. – Người tu thiền định khi thấy tâm mình biến khắp và biến ra tất cả người, nên khởi lên chấp tâm ta vô biên. Còn tất cả người đều ở trong tâm ta, là hữu biên.
            d/   Chấp sanh diệt. – Người tu thiền định khi cùng tột hành ấm, thấy được tâm mình, sanh tâm chấp tất cả chúng sanh và thế giới đều có phân nửa sanh và phân nửa diệt; sanh là hữu biên, diệt là vô biên.
Các lối tà chấp trên, đều do trong khi tu thiền mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ-đề, nên đều đọa về ngọai đạo cả.
5.      Bốn món luận nghị rối lọan không có nhứt định
Người tu thiền định, khi tưởng ấm hết, liền khởi ra bốn lối chấp điên đảo không nhất định :
            a/   Chấp tám món cũng. – Người tu thiền định, khi quán sát nguồn gốc biến hóa của muôn vật, thấy có chỗ thì biến đổi, có chỗ lại thường còn ; có cái sanh, có cái diệt ; có pháp tăng, có vật giảm, có cái có, có cái không. Bởi thế nên có ai đến hỏi đạo thì nói rằng : « Cũng biến, cũng hằng, cũng sanh, cũng diệt, cũng tăng, cũng giảm, cũng có, cũng không ». Lúc nào cũng nói rối lọan như vậy, làm cho người không hiểu chi cả.
            b/   Chấp duy cái « không ». – Người tu thiền định, vì quán cả tâm và pháp đều không ; rồi cứ chấp ở nơi cái « không ». Có ai đến hỏi đạo thì họ chỉ đáp một chữ « không » ; ngòai cái « không » ra thì không còn nói chi nữa cả.
            c/   Chấp duy cái « có ». – Người tu thiền định, do quán sát tâm mình biến khắp tất cả, chỗ nào cũng có, rồi cứ chấp ở nơi cái « có ». Có ai đến hỏi đạo, thì họ chỉ nói một chữ « có »; ngòai cái « có » ra thì không còn nói gì nữa cả.
            d/ Chấp « cũng có » và « cũng không ». – Người tu thiền định vì thấy ở nơi cảnh đã lăng xăng, còn tâm thì rối lọan, nên có người đến hỏi đạo thì đáp rằng : « cái cũng có » cũng tức là « cái cũng không » ; trong cái « cũng không » cũng tức là cái « cũng có ». Lúc nào họ cũng nói rối lọan như vậy, không ai gạn cùng được.
Người tu thiền định vì mất chánh kiến mê mờ tánh Bồ-đề, khởi ra các lối chấp như vậy, nên đều đọa về ngọai đạo.
6.      Chấp mười sáu tướng có
Người tu thiền định khi tưởng ấm hết, chỉ còn hành ấm diêu động, họ thấy một nguồn sống vô tận, nên sanh tâm chấp cho « chết rồi còn tướng ».
Chấp về sắc uẩn có bốn : a) chấp sắc uẩn là « ta », b) chấp « ta » có sắc uẩn, c) chấp sắc uẩn thuộc nơi « ta », d) chấp « ta » ở nơi sắc uẩn.
Còn Thọ, tưởng, hành mỗi uẩn cũng đều có bốn lối chấp như vậy, cộng thành mười sáu tướng. Hoặc chấp phiền não và Bồ-đề hai tánh thật có, hết phiền não mới được Bồ-đề ; hai tánh không chung gặp nhau.
Vì hành giả trong lúc tu thiền, mất chánh tri kiến, mê mờ tánh Bô-đề, khởi ra các lối tà chấp trên, nên đều đọa về ngọai đạo.
7.      Chấp tám món vô tướng
Người tu thiền định khi sắc, thọ, tưởng đã diệt rồi, lúc bấy giờ thấy thấy thân hình hiện tiền đây còn không thật có, thì khi chết rồi làm gì có các hình tướng. Vì so sánh như vậy, nên chấp chết rồi không có hình tướng. Thấp sắc ấm như vậy thì thọ, tưởng, hành cũng như vậy chấp hiện tại và vị lai đều không tướng), thành ra tám món vô tướng. Hoặc chấp Niết-bàn chỉ có cái tên suông, không có nhơn quả, rốt ráo đọan diệt.
Vì hành giả mê mờ tánh Bồ-đề, mất chánh tri kiến, khởi ra các lối tà chấp như vậy, nên đều đọa về ngọai đạo.
8.      Chấp tám món cu phi
Người tu thiền định, đối với ba ấm : sắc, thọ và tưởng, trước kia thấy có mà nay lại không ; còn đối với hành ấm thiên lưu hiện nay thì có mà về sau lại không. Vì họ chấp mỗi ấm đều có hai tướng : chết rồi phi hữu và phi vô ;cả bốn ấm thành ra tám tướng, Bởi hành giả mê mờ tánh Bồ-đề, mất chánh tri kiến nên đọa về ngọai đạo.
9.      Chấp năm món đọan diệt
Người tu thiền định, khởi ra các chấp : cõi dục thì sắc thân » diệt hết ; cõi Sơ thiền các « dục » diệt hết ; cõi Nhị thiền các « khổ » diệt hết, cõi Tam thiền các « vui » diệt hết ; cõi Tứ thiền các « xả » diệt hết.
Như vậy xoay vần cùng tột cả năm chỗ đều chấp hiện tiền tiêu diệt, diệt rồi không sanh trở lại. Vì hành giả mê mờ tánh bồ-đề, mất chánh tri kiến, sanh các lối tà chấp như vậy, nên đọa về ngọai đạo.
10.  Chấp năm món Niết-bàn hiện tại
Người tu thiền định, khi thọ ấm hết, xét cùng cội gốc của sanh lọai, khởi ra chấp na7m chỗ Niết-bàn : a) Chấp dục giới  là cảnh Niết-bàn, b) Chấp cõi Sơ thiền là Niết-bàn, c) Chấp Nhị thiền là Niết-bàn, d) Chấp tam thiền là Niết-bàn, e) Chấp cõi Tứ thiền là Niết-bàn.
Vì ành giả mê muội tánh Bồ-đề, chấp năm cảnh vui cõi trời hữu lậu mà cho là Vo vi Niết-bàn, nên đọa về ngọai đạo.
            Tóm lại
A Nan, mười cảnh ma về hành ấm này, là do hành giả dụng tâm sai lầm nên mới sanh ra như vậy. Vì hành giả mê mờ không biết, tự cho là chứng Thánh, sanh đại vọng ngữ, nên đọa vào ngục vô gián. Vây các ông nên đem các việc ma này truyền dạy cho chúng sanh đời sau, chớ để cho người tu thiền bị tâm ma khởi lên làm hại đến thế. Các ông phải bảo hộ người tu hành đi thẳng đến đạo Bồ-đề, chớ để cho họ gặp con đuờng chia tẽ.
II.    MƯỜI MÓN MA VỀ THỨC ẤM :
1.      Chấp minh đế
Người tu thiền định khi hành ấm hết, chỉ còn thứcấm, các tướng sanh diệt đã hết, mà tâm thanh tịnh tịch diệt chưa hiện bày. Lúc bầy giờ nếu hành giả móng tâm chấp là chơn thường, thì mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ-đề, thành bạn bè với phái ngọai đạo Ta-tỳ-ca-la, chấp minh đế (sơ tướng A-nại-da) là cái chỗ trở về của vạn vật trái với thành Niết-bàn, đọa về ngọai đạo.
2.      Chấp năng sanh
Người tu thiền định khi hành ấm hết, các tướng sanh diệt đã diệt, mà tâm thanh tịnh tịch diệt chưa hiện, khi đó thấy thức tâm mình châubiến, rồi khởi ra cái chấp : « Tất cả chúng sanh đều do ta sanh ra ». Vì sanh tâm chấp như thế,nên mất cáhnh kiến, mê lầm tánh Bồ-đề, thành bà con của trời Đại-ngã-mạn (Mê-hê-thủ-la-thiên).
3.      Chấp chơn thường
Người tu thiền định khi hành ấm hết, thức ấn hiện ra, rồi sanh tâm nghi : Thân mình và mười phương hư không đều từ thức kia hiện ra, nên sanh tâm chấp cho « Thức là chơn thường », mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ-đề, thành bè bạn của trời Tự tại.
4.      Chấp cây cỏ cũng đều biết
Người tu thiền định khi hành ấm hết, tướng sanh diệt đã diệt, chơn tâm tịch diệt chưa hiện bày, lúc bấy giờ thức ấm biến khắp tất cả, rồi sanh tâm chấp : « Mười phương cây cỏ cũng đều là hữu tình, cùng với người không khác. Cỏ cây chế làm người, người chết trở lại làm cỏ cây ».Mê mờ tánh Bồ-đề, mất chánh kiến, nên sẽ làm bè bạn với hai chúng ngọai đạo Bà-tra và Tán-ni, chấp tất cả vạn vật đều có tri giác (biết).
5.      Chấp tứ đại hóa sanh
Người tu thiền định khi hành ấm hết, chơn tâm chưa hiện, lúc bấy giờ thấy lửa sáng, nước trong, gió động, đất cứng, do bốn món này sanh ra các vật, rồi chấp cho là thường còn, hế lòng cung kính phụng thờ. Như ông Ca Diếp Ba và phái Bà-la-môn thờ lửa, thờ nước v.v... để cầu ra khỏi sanh tử, mê mờ tánh Bồ-đề, mất cáhnh kiến, đọa làm ngọai đạo.
6.      Chấp hư vô
Người tu thiền định khi hành ấm hết, thấy thức ấm viên minh, rồi sanh ra chấp cái thức ấm hư vô, là chỗ nương của muôn vật, tất cả các vật đều về chỗ hư vô. Vì vậy mà mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ-đề, nên thành bè bạn với trời Vô tưởng, Tứ không và thần Hư không.
7.      Tham cầu sống lâu
Người tu thiền định khởi tâm tham cầu thân này thường còn, cố làm cho thân này được sống hòai không chết, nên thành bè bạn của tiên A Tư Đà, cầu mạng sống lâu, mê mờ tánh bồ-đề, mất cáhnh kiến, đọa về ngọai đạo.
8.      Tham luyến cảnh dục
Người tu thiền định khi hành ấm hết, lúc bấy giờ thấy thân thể và thức tâm tiêu diệt, cho nên sanh tâm lưu luyến lại cảnh trần, tự biến hóa ra nhiều cảnh ab1u đẹp và nhiều mỹ nữ, rồi mặc tình vui thú. Vì mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ-đề, nên thành bè bạn của Thiên ma ở cõi trời Tự tại (trên đảnh cõi Dục).
9.      Định tánh Thinh-văn
Người tu thiền định khi hành ấm hết, các tướng sanh diệt đã diệt, mà chơn tâm tịch diệt chưa viên, lúc bấy giờ khởi tâm tham luyến ở chỗ không tịch, chẳng muốn tăng tiến, vì mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ-đề, đọa về hàng Định tánh Thinh-văn, như ông Vô Văn Tỳ-kheo, sanh tâm tăng thượng mạn.
10.  Định tánh Duyên-giác
Người tu thiền định khi hành ấm hết, chỉ thấy một màu thanh tịnh sáng suốt, lúc bấy giờ sanh tâm chấp cho đó là Niết-bàn ; rồi tham trước cảnh này, không cầu tăng tiến, mê mờ tánh Bồ-đề, mất chánh kiến, nên đọa về hàng Định tánh Duyên-giác.
            Tóm lại
A nan, mười món ma này, do người tu thiền, khi dụng tâm páh trừ thức ấm, nên nó biến hiện ra các cảnh như vậy. Vì mất chánh tri kiến, mê lầm tánh Bồ-đề, khởi tâm chấp trước, cho mình đặng thiền, đặng đạo, thành Phật, thành Thánh v.v... có người sanh ra diên cuồng, nên đều đọa về ngọai đạo cả.
Vậy các ông phải giữ gìn nơi lòng, vâng lời Ta dạy : Sau khi Ta diệt độ rồi, các ông phải đem lời Ta dạy đây mà truyền dạy cho chúng sanh đời sau, bảo hộ người tu hành, chớ để cho chúng ma làm hại. Trên đường tu hành họ được thẳng vào chỗ tri kiến của Phật chẳng gặp các đường tẽ.
Này A Nan, người trong khi tu thiền, gặp ma nó biến hiện ra nhiều cảnh rất là vi tế, nếu các ông hiểu biết, rửa sạch tâm cấu nhiễm, chẳng khởi tà kiến, thì cảnh ma kia lần lần tiêu diệt, các ông sẽ thẳng đến đạo Bồ-đề.
Còn như đời sau, có chúng sanh nào chẳng dám tu thiền, sợ bị các ma nhiễu hại, thì ông nên khuyên họ nhất tâm trì chú Lăng Nghiêm này, để các ma chướng kia không thể hại được, rồi cũng thẳng đến được đạo Bồ-đề.
Khi Phật nói Kinh này rồi, tòan cả hội chúng, nào là : tăng, Ni, thiện nam, tín nữ, trời, người, thần A-tu-la, Thánh, Tiên, quỉ thần, Thinh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, tất cả đều hoan hỷ lễ Phật rồi trở lui.
LƯU Ý
Quý Phật tử đọc hết đọan ngũ ấm ma này rồi, từ đây về sau, trên đường tu hành cần phải thận trọng, chớ nên gặp chi tin nấy, mà nguy hiểm cho mình về hiện tại cũng như tương lai.
Chúng tôi thấy trong giới Phật tử, phần đông là hàng phụ nữ (xin lỗi quý bà) lòng tin tưởng dồi dào lắm ! Mỗi khi thấy một việc gì lạ thường, có tính cách thần kỳ huyễn hoặc, không chịu bình tâm suy xét chơn hay ngụy; cứ cho đó là Phật thị hiện hay Bồ-tát giáng thế v.v... rồi rủ nhau tin tưởng theo càn, say mê như người nghiện thuốc, rủ nhau theo rất đông cho đến đỗi như cả phong trào. Như những việc trước mắt... mà quý vị đã thấy vừa qua... kết cuộc rồi thế nào quý vị đã biết rõ... Thật nguy hại vô cùng ! Nếu lỡ một phen bước vào đường tà rồi, thì trăm kiếp ngàn đời khó trở lại.
Tôi xin dẫn một vài bằng chứng trong Kinh, để quý vị xem qua, đặng cẩn thận những điều nguy hiểm trong lúc tu hành.
« Thuở xưa, Tổ Ưu Bà Quật Tôn giả đang nhập định, bị Thiên ma Ba tuần khuấy nhiễu... Đến khi xuất định, ngài dùng thần thông hàng phục được Thiên ma. Sau khi chúng đã hối ngộ quy y Tam bảo rồi, vì cảm hồng ân tế độ của Tổ sư, nên đến xin cúng dường ngài một bữa cơm để tỏ lòng tri ân.
Tổ sư dạy : - « Ta vì chuyên lo tu hành không giờ rảnh để đi thụ trai. Ta chỉ muốn xem một việc, nếu ngươi bằng lòng, thế là đền ơn cho ta rồi ». Thiên ma : - «  Dạ, đệ tử xin vâng ». Tổ sư dạy : - « Khi Phật ra đời đã có ngươi : vậy trong lúc đó Phật cùng các vị Thánh chúng như thế nào ? Hôm nay ngươi hóa hiện lại cho ta xem thử ». Thiên ma thưa : - « Con xin vâng lời Tổ sư dạy. Nhưng khi con hóa hiện ra Phật, xin Tổ sư nhớ đừng lạy, vì sợ tổn phước con nhiều ». Tổ sư hứa lời.
Thiên ma a tuần liền biến mất, trong giây phút hóa hiện ra Đức Phật, thân vàng rực rỡ, đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, hào quang sáng chiếu khắp cả một góc trời, trong rừng từ từ đi ra. Nào là ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, Ca Diếp đứng hầu hai bên oai nghi tề chỉnh đủ cả 1.250 vị đệ tử, rần rộ theo sau...
Tổ Ưu Bà Quật Tôn giả thấy Phật đi đến phóng hào quang rực rỡ, các vị Thánh chúng theo hầu, oai nghi tề chỉnh v.v... nên hết sức vui mừng, liền đứng dậy kính lễ, mà quên hẳn lời hứa trước kia. Lúc bấy giờ Thiên ma biến mất ».
Phật tử chúng ta xem qua đọan này, nên xét nghĩ : Như Tổ Ưu Bà Quật Tôn giả đã biết trước là ma hiện ra Phật và có hứa hẹn trước « không lạy », mà đến khi ma hiện ra còn quên, không phân biệt là ma hay Phật. Nếu chúng ta tình cờ gặp cảnh ngộ như thế, thử nghĩ trong tâm chúng ta thế nào ?
Bởi thế trên đường tu hành, lúc nào chúng ta cũng phải cẩn thận cho lắm, chớ nên thấy cái gì lạ, không chịu suy xét kỹ, cứ nhắm mắt theo càn, ùa nhau tin tưởng cho là Thần, Thánh thật. Lỡ một phen sa vào đường tà rồi, thì trăm kiếp ngàn đời khó trở lại. Chúng ta nên nhớ rằng : cái gì thiệt thì nó vẫn thiệt, dù mình tin hay không tin nó cũng không mất. Còn cái gì giả thì ồ ạt trong một thời gian mà thôi, nếu người không tin thì nó sẽ tự tiêu diệt.
Phật dạy các đệ tử : « Không nên thấy Phật cứ theo, nghe lời Phật nói cứ tin ; mà phải luôn luôn suy nghĩ, nếu đúng chơn lý sẽ tin theo ». Phật dạy như thế, để cho các Phật tử khỏi bị tà ma ngọai đạo dối gạt.
Trong Kinh Kim Cang Phật dạy :
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thinh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như lai
Đại ý đoạn này Phật dạy: Nếu ngời nào cho rằng thấy sắc thân của Phật có 32 tướng tốt, là thấy được Phật, thì ông Chuyển Luân Thanh Vương cũng có đủ 32 tướng tốt, hoặc ma nó hiện ra sắc thân Phật có đủ tướng tốt, vậy cũng là Phật hay sao? – hay nghe tiếng nói pháp thanh tao của Phật mà cho là nghe được tiếng Phật, thì tiếng chim Ca-lăng-tần-già, kêu rất thanh tao lảnh lót, vậy cũng là tiếng nói của Phật hay sao? Những người tin tưởng như vậy, là theo tà đạo, không bao giờ thấy được Phật.
Phật thường nhắc nhở dặn dò các đệ tử: Phải dùng giáo lý chơn chánh dạy người. Khi người hiểu được chơn lý rồi tin theo, thì lòng tin đó mới được chơn chánh. Phật cấm các đệ tử không cho dùng phép thần thông hay phép lạ để cảm hóa người. Chỉ trừ một vài trường hợp hàng phục Ngọai đạo hoặc quỉ thần; vì sợ sau này Thiên ma ngọai đạo dùng thần thông hay phép lạ làm mê hoặc người.
Vì thế nên Phật không từ trên hư không rớt xuống, hay tự nhiên xuất hiện; mà Ngài lại thị hiện cũng như người, lớn lên có vợ con, rồi đi tu và thành đạo v.v… để cho chúng sanh sau này, đừng tin tưởng những điều huyễn hoặc thần kỳ.
Khi Phật còn trụ thế, có người đàn việt đem dâng cái bình bát cho chư tăng, lại để trên đầu một cây cột phướn cao, và thưa rằng: “Nếu vị nào lấy được tôi sẽ cúng cho”.
Khi đó ông Tân Đầu Lô Phã Đọa Xà Tôn giả, dùng thần thông lấy cái bình bát ấy. Ông bị Phật quở trách rất nghiêm khắc, và phạt ông phải ở lại thế gian ứng cúng, làm phước điền cho chúng sanh, không được nhập diệt. Và Phật còn chế ra giới luật cấm các đệ tử không được dùng thần thông hay phép lạ trước người phàm phu.
Trong kinh cũng có chỗ nói, các Đức Phật và Bồ-tát thỉnh thỏang thị hiện ra đời để hóa độ chúng sanh, như Đức Di Lặc hay Ngài Quán Thế Âm v.v… Nhưng khi các Ngài hiện ra không ai biết được, chỉ trừ đến khi tịch diệt, các Ngài mới để lại vài di tích. Chừng đó người đời mới biết Phật hay Bồ-tát thị hiện; khi biết thì không còn thấy các Ngài nữa.
Như Đức Di Lặc bồ-tát hiện thân  làm vị Bố đại Hòa thượng. Ngài thường xách bị lớn bằng vải, đi khắp đó đây để hóa độ chúng sanh, mà người đời không ai biết, chỉ gọi Ngài là vị Bố đại Hòa thượng(1). Đến khi thị tịch, Ngài nói một bài kệ, lúc bấy giờ người ta mới biết là Đức Di Lặc Bồ-tát hiện thân.
Bài kệ:
Di Lặc chơn Di Lặc,
Hóa thân thiên bách ức,
Thời thời thị thời nhân,
Thời nhân giai bất thức.
Nghĩa là: Di Lặc thật là Di Lặc, biến hóa trăm ngàn muôn ức thân hình; thường thường thị hiện độ người, mà người đời chẳng ai biết.
III.             KẾT LUẬN
Đại ý toàn cả bộ kinh này, Phật dạy chúng sanh phải trở về với thể tánh chơn tâm thường trụ, đồng với ý nghĩa như trong Kinh Pháp Hoa : « Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến ».
Phật đã dạy cho chúng ta biết rằng : Chư Phật và chúng sanh cũng đồng một bản thể chơn tâm không khác. Vì chúng sanh mê muội thể tánh chơn tâm này, nên phải chịu sinh tử luân hồi ; còn chư Phật đã ngộ chơn tâm nên được tự tại giải thóat. Vì vậy mà Phật dạy : « Ta là Phật đã thành, còn các chúng sanh là Phật sẽ thành ».
Nguyên nhân Phật nói Kinh này, là do ngài A Nan thị hiện mắc nạn, bị nàng Ma-đăng-già bắt. Sau khi nhờ Phật cứu độ được thóat nạn rồi, ngài mới cầu Phật chỉ dạy cho phương pháp nào mà mười phương các Đức Phật tu hành đều được thành đạo chứng quả.
Nhơn đó Phật nói Kinh Lăng Nghiêm, để chỉ rõ chơn tâm. Nếu giác ngộ được chơn tâm là được thành Phật. Đó là một con đường tu duy nhứt của chư Phật quá khứ, hiện tại cũng như vị lai.
Trước khi chỉ chơn tâm thì Phật gạn hỏi cái tâm theo thường tình chúng sanh vọng chấp. Bảy đọan hỏi tâm làm cho ngài A Nan cùng đường tột lối ; lúc bấy giờ Phật mới từ từ chỉ cái tâm đến sáu lần. Ban đầu Phật tạm chỉ các giác quan về phần trực giác như thấy, nghe v.v... là tâm. Khi A Nan và đại chúng đều hiểu rồi, Phật lại chỉ lên một từng nữa : « Các giác quan tuy không phải vọng, nhưng cũng chưa phải là chơn tâm, nó cũng như mặt trăng thứ hai v.v... » Phật lại chỉ cái Bản thể sanh ra các giác quan (hiện tượng) mới thật là chơn tâm. Tức là ở về đọan, trong văn kinh chữ Hán chép : « Kiến kiến chi thời, kiến vi thị kiến, kiến du ly kiến, kiến bất năng cập v.v... ».
Phật dạy : vì các ông còn ở trong vòng mê, nên chỉ gọi là giác quan : Thấy, nghe, hay, biết của chúng sanh ; đến khi ngộ rồi thì gọi là bốn đức Niết-bàn của Phật : thường, lạc, ngã, tịnh. Và Phật dạy : Tất cả các pháp đều từ tâm biến hiện, như năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới và bảy đại đều do tâm sanh ra, rồi cũng trở về thể tánh chơn tâm. Thế là Ngài dẫn cái tướng qui về chơn tánh.
Đến đọan này ngài A nan mới ngộ được chơn tâm, nên đứng dậy lạy Phật và xứng theo thể tánh chơn tâm rộng lớn mà phát lời thệ nguyện rộng sâu vô tận.
Ngài nguyện rằng : « Trong đời ngũ trược tội ác, con thề vào trước để độ chúng sanh ; nếu còn có một chúng sanh nào chưa thành Phật thì con thề chẳng lãnh quả vui Niết-bàn... » Và câu « Hư không kia có thể tiêu hết, chớ chí nguyện của con đây không hề lay chuyển ». Cũng vì ngộ được đồng thể chơn tâm, nên ngài mới phát lời thệ nguyện rộng lớn như thế.
Mình đã được độ, muốn cho chúng sanh cũng đều đuợc độ, nên ngài A nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành cho chúng sanh đời sau :
Phật dạy có ba việc :
1.- Khi đối cảnh không khỏi vọng niệm phân biệt theo vọng trần ; tức là câu « bất tùy phân biệt ». Nghĩa là, xoay các giác quan như thấy, nghe, hay, biết đều trở về thể tánh chơn tâm. Nếu vọng niệm không khởi thì chơn tâm hiện bày, đây là một pháp tu trực chỉ của bậc thượng căn.
2.- Phật dạy trì giới. Nhơn trì giới tâm đuợc thanh tịnh, nhờ tâm tịnh mới phát sanh ra trí huệ, để phá trừ vô minh. Vô minh hết thì chơn tâm tự hiện bày. Nhưng trong Kinh này nói trì giới là chỉ cho tâm giới. Nghĩa là thân đã không sát, đạo, dâm vọng cho đến cái « biết mình đã đọan trừ » cũng không còn. Thật là cao siêu vô cùng, khó khăn tột bực. Vì nếu tâm còn móng một tý vọng niệm gì, thế là tâm chưa tịnh. Nếu tâm chưa tịnh thì giới thể chưa viên.
3.- Phật dạy, nếu người nào nghiệp chuớng nặng nề, thì nên chí tâm trì tụng chú Lăng Nghiêm, dù nghiệp chướng nặng đến đâu cũng lần lần tiêu hết, phước lành tăng trưởng, sẽ thành đạo Bồ-đề ; như thuận gió tung bụi chẳng có khó khăn gì.
Trên đường tu hành, Phật dạy phải trải qua các thứ ma (sắc, thọ, tưởng, hành, thức mỗi ấm có mười) nó biến hiện đủ điều, nào là ma nội tâm, ma ngọai cảnh, đủ cách nhiễu hại hành giả. Cho đến khi gần thành Phật mà nó cũng vẫn còn theo phá. Như thái tử Sĩ Đạt Ta, trước giờ phút đại ngộ, dưới gốc cây Bồ-đề, vẫn còn bị ba người con của Ma vương tân lực khuấy nhiễu. Đến sao mai sắp mọc Ngài thành Phật mới hết.
Sau mỗi đọan ma hiện, Phật đều dạy rằng : « Do hành giả dụng công tu thiền, nên nó biến hiện ra như vậy, không phải là đặng đạo hay chứng Thánh, nếu hành giả biết trước thì các cảnh ma kia lần lần tiêu diệt không hại chi, còn mê lầm không biết, cho mình đặng đạo hay chứng Thánh, sanh tâm chấp trước, thì bị ma nó cám dỗ, rồi phải đọa vào đuờng tà, làm quyến thuộc của ma.
Bởi thế, nên người tu hành cần phải thận trọng, chớ nên gặp chi tin nấy mà bị ma cám dỗ, rất nguy hiểm cho đời mình về hiện tại cũng như vị lai.
Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bảo các đệ tử : « Nên đem lời Ta nói đây truyền dạy cho chúng sanh đời sau, khiến cho mọi người đều biết rõ, để tránh khỏi bị ma nhiễu hại, trên đường tu hành đuợc thẳng đến đạo Bồ-đề ».
Phật lại thiết tha kêu gọi các đệ tử : Hôm nay các ông đã được Ta tế độ rồi, vậy các ông không nên nhập diệt sớm, mà phải nguyện ở lại đời mạt pháp, để bảo hộ người tu hành đời sau, thế mới là người biết ơn Phật.
Lòng từ của Phật thật là vô biên, tế độ chúng sanh không cùng tận, thương chúng ta như mẹ thương con, dạy dỗ chúng ta như mẹ hiền khuyên con dại ; nhắc đi nhắc lại nhiều lần không biết mỏi. Thật đúng với câu : « Đại từ đại bi mẫn chúng sanh. Đại hỷ, đại xả tế hàm thức... ».
Phật tử chúng ta phải làm thế nào để khỏi phụ lòng thương yêu của Từ Phụ, cho xứng với danh từ « Phật tử ».
 


KINH THỦ LĂNG NGHIÊM 16
NĂM MƯƠI LOẠI MA NGŨ ẤM
(Q9 + Q10)
 TT. Thích Nhật Từ

- Cái tâm thể bản giác của mười phương chúng sanh vốn viên mãn diệu minh, cùng với mười phương chư Phật chẳng hai chẳng khác, vì do vọng tưởng của các ngươi mê chấp đạo lý mới thành lỗi lầm, từ đó sanh ra si ái, si ái sanh trưởng khắp nơi, nên có tánh hư không, sự mê chấp tiến hóa không ngừng, nên sanh ra thế giới, vậy thì mười phương vô số quốc độ đều do vọng tưởng kiến lập. 
I - MA SẮC ẤM
- A Nan! Mười thứ cảnh giới thiền định đều do Sắc Ấm và dụng tâm giao tranh lẫn nhau mà hiện ra. Chúng sanh ngu mê chẳng tự xét kỹ, gặp nhân duyên này mà chẳng tự biết, nói là chứng thánh thành đại vọng ngữ.
l. Thân và vật chẳng ngại: quên cả tứ đại, bỗng sắc thân ra vào các vật chất đều chẳng chướng ngại, ấy gọi là sự sáng tỏ tràn ra trước mắt. Sự việc ấy chỉ là công dụng tạm được như thế, chẳng phải chứng thánh; chẳng tự cho là thánh, gọi là cảnh giới tốt, nếu cho là thánh, liền lọt vào tà ma.
2. Thấy thân như lưu ly: Thân như lưu ly, bỗng trong thân lấy ra các loài giun sán mà thân vẫn y nguyên, chẳng bị thương tổn, ấy gọi là sự sáng tỏ tràn ra hình thể, đây chỉ là do tu hành tinh tấn tạm được như thế.
3. Hội tụ hồn, phách, vía: Ngoài sắc thân ra, hồn phách, ý chí, tinh thần dung hòa lẫn nhau, bỗng trong hư không nghe tiếng thuyết pháp, hoặc nghe mười phương chư Phật cùng diễn mật nghĩa, đây gọi là hồn phách, ý chí thay phiên nhau làm chủ khách, ly hợp lẫn nhau, thành tựu thiện chủng, tạm được như thế.
4. Thấy Phật hiển hiện: Trong tâm sáng tỏ, phát ra ánh sáng, chiếu khắp mười phương thành màu sắc Diêm Phù Đàn, tất cả các loài đều hóa thành Như Lai. Bỗng thấy Phật Tỳ Lô Giá Na ngồi trên đài Thiên Quang, ngàn Phật vây quanh, trăm ức cõi Phật cùng hoa sen đồng thời hiện ra. Ấy gọi là việc sở nhiễm của tâm hồn linh ngộ, ánh sáng của tâm chiếu soi các thế giới, tạm được như vậy.
5. Thấy bách bảo khắp hư không: quan sát chẳng ngừng, sức đè nén hàng phục quá mức, bỗng trong hư không thành màu sắc bách bảo, xanh vàng đỏ trắng đồng thời cùng khắp mười phương mà chẳng chướng ngại nhau.
6. Thấy vật ban đêm như trong ban ngày: Trong sáng chẳng loạn, bỗng lúc nửa đêm, ở trong nhà đen tối, thấy rõ các vật chẳng khác ban ngày, ấy gọi là tâm dụng đến chỗ vi tế, cái năng thấy trong như lưu ly, cái sở thấy thấu qua đen tối.
7. Tâm dung hòa với hư không: Trong lúc tham cứu diệu minh, toàn tâm dung hòa với hư không, bỗng thân thể đồng như cây cỏ, lửa đốt, dao chém chẳng có cảm giác, thiêu chẳng thấy nóng, chém chẳng thấyđau, ấy gọi là tâm và trần dung hợp thành một.
8. Thấy núi sông là cõi Phật: Dụng công đến chỗ thanh tịnh, bỗng thấy núi sông, đất đai mười phương đều thành cõi Phật đầy đủ thất bảo, ánh sáng chiếu khắp, lại thấy hằng sa chư Phật, cung điện trang nghiêm, cùng khắp thế giới, thấy khắp thiên đàng địa ngục đều chẳng ngăn ngại, ấy gọi là tập trung tư tưởng ngày càng sâu đậm, lâu ngày hóa thành.
9. Thấy hình và nghe tên trong đêm: Đến chỗ sâu xa, bỗng ở nửa đêm, thấy được các đường phố và bà con phương xa, nghe được tiếng nói của họ, ấy gọi là tâm bức bách quá mức bay ra, nên cái thấy thấu qua vật chất.
10. Thình lình nói pháp: Thấy hình thể của thiện tri thức, trong giây lát hiện ra đủ thứ biến đổi, ấy gọi là tâm tà bị yêu mị, hoặc thiên ma xâm nhập, thình lình thuyết pháp, thông đạt diệu nghĩa. 
II - MA THỌ ẤM
- Cũng như người bị bóng đè, tay chân vẫn còn, thấy nghe rõ ràng, vì tâm bị tà bên ngoài xâm nhập, chẳng thể cử động được, ấy gọi là phạm vi của Thọ Ấm. Do Hư Minh Vọng Tưởng (2) làm gốc. Vượt thọ ấm thì siêu việt Kiến Trược.
l. Cảm xúc bi thương: Đang lúc thiền định, thấy ánh sáng chói lọi, trong tâm ức chế quá mức, bỗng sanh lòng buồn bã, cho đến thấy các loài ruồi muỗi như con của mình, thương xót rơi lệ, ấy gọi là dụng công đè nén quá mức. Ngộ biết đó là vọng tưởng chẳng phải chứng thánh, chẳng mê chẳng chấp, lâu tự tiêu diệt.
2. Một niệm siêu việt 3 a tăng kỳ kiếp: Trong lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, thắng cảnh hiện tiền, kích động quá phần, bỗng trong đó sanh lòng dũng mãnh, phấn chí sánh bằng chư Phật, cho là một niệm có thể siêu việt ba A Tăng Kỳ kiếp, ấy gọi là dụng công lấn tiến quá mức. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh, chẳng mê chẳng chấp lâu tự tiêu diệt, nếu cho là thánh thì bị Ma Cuồng xâm nhập, hễ gặp người thì khoe khoang kiêu căng, ngã mạn tăng trưởng, cho đến trên chẳng thấy có Phật, dưới chẳng thấy có người, lạc mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
3. Trong tâm khô khan: Trong lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, tiến đến trước chẳng có chứng đắc mới, lui về sau lại mất chỗ cũ, sức trí kém mòn, giữa chừng bị lạc, chẳng có sở thấy, trong tâm bỗng sanh khô khan, luôn luôn nhớ mãi không tan, lại cho là tinh tấn, ấy gọi là tu tâm mà chẳng huệ.
4. Cho mình là Phật Lô Xá Na: Trong lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, sức huệ mạnh hơn sức định, tâm chấp các việc thù thắng, tự tưởng là Phật Lô Xá Na, được ít cho là đủ, ấy gọi là dụng tâm quên mất quán chiếu, đọa vào tri kiến. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh.
5. Buồn chán, không muốn sống: Trong lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, chưa được chứng mới, lại mất chỗ cũ, tiến lui đều chẳng được, cảm thấy khó khăn, bỗng sanh lòng lo âu, tâm chẳng muốn sống, mong cầu người khác sát hại thân này để mau được giải thoát, ấy gọi là tu hành lạc mất phương tiện. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh.
6. Khinh an thái quá: Trong lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, ở nơi thanh tịnh, tâm được an nhàn, bỗng trong lòng vui mừng vô cùng, chẳng thể kềm chế được, ấy gọi là khinh an mà chẳng có trí huệ tự ngăn. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh. Nếu cho là thánh, thì bị Ma-Ham-Vui xâm nhập, hễ gặp người thì cười, múa hát ngoài đường, tự cho mình đã được giải thoát vô ngại, lạc mất chánh định.
7. Tâm đại ngã mạn: Trong lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, tự cho sự tu của mình đã đầy đủ,bỗng tâm sanh đại ngã mạn, hoặc khinh mạn người, hoặc ngạo mạn mình hơn người, hoặc tăng thượng mạn, hoặc ti liệt mạn, đồng thời phát ra. Đã dám khinh chê mười phương chư Phật, huống là các bậc Thanh Văn, Duyên Giác! Ấy gọi là kiến chấp quá cao, không có trí huệ tự cứu. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh; nếu cho là thánh, thì bị Ma-Đại-Ngã-Mạn xâm nhập, không lễ chùa tháp, phá hủy kinh tượng, nói với Phật tử rằng:"Tượng Phật là loại vàng đồng, đồ gỗ, kinh sách là lá cây, giấy lụa, cái thân này đã là chơn thường, sao chẳng cung kính cúng dường mà đi sùng bái loại cây loại gỗ,thật là điên đảo". Khiến những người tin theo lời họ, hủy hoại tượng Phật, kinh sách.
8. Lầm khinh an là tự tại: Trong lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, ở nơi sáng tỏ tự ngộ chơn lý, được sự thuận lợi, trong lòng bỗng sanh khinh an vô cùng, tự nói chứng thánh, được đại tự tại, ấy gọi là do huệ mà được khinh an. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh; nếu cho là thánh, thì bị Ma-Khinh-An xâm nhập, tự cho là đủ,chẳng cầu tiến thêm, cũng như Tỳ Kheo Vô Văn, làm lầm chúng sanh, lạc mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
9. Chấp vào đoạn diệt: Trong lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, trong chỗ tỏ ngộ, được tánh hư minh, bỗng trong đó sanh lòng đoạn diệt, bác bỏ nhân quả, luôn luôn chấp không. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh, nếu cho là thánh, thì bị Ma-Rỗng-Không xâm nhập, chê báng người trì giới là Tiểu Thừa, cho bậc Bồ Tát hễ ngộ được Tánh Không thì chẳng có trì phạm, thường ở nơi đàn việt tín tâm, rượu thịt, dâm uế. Vì được sức ma nhiếp trì, nên chẳng sanh nghi ngờ, tâm ma xâm nhập lâu ngày, hoặc ăn những đồ nhơ nhớp, đại tiểu tiện, cho là chẳng khác rượu thịt, phá hoại giới luật, khiến người tạo tội, lạc mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
10. Ma dục chi phối
: Trong lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, ham đắm sự hư minh, bỗng sanh lòng yêu vô hạn, yêu quá phát điên, liền thành tham dục, ấy gọi là trong định ham chấp sự an ổn, không có trí huệ tự chế, lầm vào ái dục. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh; nếu cho là thánh thì bị Ma-Dục xâm nhập, vọng nói dâm dục là đạo Bồ Đề, người hành dâm gọi là Trì Pháp Tử, dạy người thế gian làm việc dâm dục. Nhờ sức ma nhiếp trì, những kẻ ngu mê tin theo trong thời mạt pháp chẳng phải ít, đến lúc ma sanh lòng chán rời khỏi thân thể, người ấy mất hết uy đức, bị sa vào lưới pháp luật, khiến chúng sanh bị lầm lạc, đọa địa ngục A-Tỳ, lạc mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
 III - MA TƯỞNG ẤM
- Ví như có người ngủ say nói mớ, người ấy dù không hay biết gì, nhưng lời nói của họ đã làm cho người thức nghe biết, ấy gọi là phạm vi của Tưởng Ấm.
- Cho mình đạt niết-bàn, mạ mị, làm việc dâm dục.
- Nếu động niệm và vọng tưởng dứt trừ, trong tâm sáng tỏ như gương sạch hết nhơ bụi, được sự chiếu soi, chẳng thấy có tướng sanh tử, gọi là tưởng ấm hết, thì lúc ấy được siêu việt Phiền Não Trược.
l. Thuyết pháp giỏi tưởng chứng đắc: Trong lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm ham đắm sự hư minh, tham cầu sự khéo léo, khi ấy thiên ma được dịp nhập vào thân người khác để thuyết pháp; người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến nơi người cầu khéo léo, thuyết pháp cho họ, hoặc hiện thân Tỳ Kheo, hoặc Đế Thích, hoặc phụ nữ, hoặc Tỳ Kheo Ni, hoặc trong phòng tối thân phát ánh sáng, người ấy ngu mê chẳng biết cho là Bồ Tát, tin theo lời dạy của họ, tín tâm lay chuyển, phá hoại giới luật, lén làm việc tham dục. Ma ưa nói những việc biến đổi của tội phước, hoặc nói Như Lai sẽ ra đời chỗ này chỗ kia, hoặc nói những điềm kiếp hỏa, binh loạn, hăm dọa người ta, làm cho gia tài người ta vô cớ bị tiêu tan, ấy gọi là Quái Quỷ (quỷ tham lam) tuổi già thành ma, nhiễu loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng chán, rời bỏ người ấy, lúc đó đệtử lẫn thầy đều bị sa lưới pháp luật.
2. Tự xưng Phật hóa thân: Trong lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm ham thích đi chơi, tham cầu sự du lịch. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp; người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người tham cầu du lịch, thuyết pháp cho họ, người nghe pháp bỗng thấy thân mình ngồi trên bửu liên hoa, toàn thân hóa thành sắc vàng, cả chúng nghe pháp đều được như vậy, được chưa từng có, ngu mê chẳng biết, cho là Bồ Tát, tâm ham dâm dục, phá hoại giới luật, lén làm việc tham dục. Ma ưa nói việc chư Phật ra đời; hoặc nói người này người kia, chỗ này chỗ nọ là Phật Bồ Tát hóa thân đến đây, khiến người nghe thấy vậy, sanh lòng ham mộ, tà kiến khởi lên, làm mất chủng trí, đây gọi là Bạt Quỷ (quỷ dâm dục), tuổi già thành ma, nhiễu loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng chán, rời khỏi thân thể, lúc ấy đệ tử lẫn thầy đều sa vào lưới pháp luật.
3. Tự cho là Bồ-tát hóa thân: Trong lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm tham cầu sự luôn luôn khế hợp. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu khế hợp thuyết pháp cho họ, khiến người nghe chưa nghe pháp đã được tỏ ngộ, niệm niệm dời đổi, hoặc được túc mạng thông, hoặc được tha tâm thông, hoặc thấy địa ngục, hoặc biết các việc tốt xấu của thế gian, hoặc nói kệ, hoặc tự tụng kinh, mỗi mỗi đều vui vẻ, được chưa từng có, người ấy ngu mê chẳng biết, cho là Bồ Tát tâm ham ái dục, phá hoại giới luật, lén làm việc tham dục. Ma ưa nói Phật có lớn nhỏ trước sau, có chơn giả, có nam Phật, nữ Phật, Bồ Tát cũng vậy; người nghe thấy vậy lạc mất bản tâm, dễ lọt vào tà ngộ. Đây gọi là Mî Quỷ (quỷ gian dối), tuổi già thành ma, nhiễu loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng chán, rời khỏi thân thể, lúc đó đệ tử lẫn thầy đều bị sa lưới pháp luật.
4. Cho hưởng lạc là niết-bàn: Trong lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm ham thích suy xét căn bản, phân tích cội gốc cùng tột của sự vật. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết bị ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu phân tích cội gốc thuyết pháp cho họ, ma có uy thần thuyết phục các người, khiến chưa nghe pháp, tự nhiên tâm đã hàng phục, nói Bồ Đề Niết Bàn, pháp thân thường trụ tức là cái sắc thân hiện hữu này, cha con đời đời tương sanh với nhau tức là pháp thân thường trụ chẳng dứt, cái trước mắt đã là cõi Phật, chẳng có cõi Tịnh Độ và đức Phật nào khác. Người nghe tin nhận, quên mất bản tâm trước, đem cả thân mạng quy y, được chưa từng có, ngu mê chẳng biết, cho là Bồ Tát, tâm ham suy xét, phá hoại giới luật, lén làm việc tham dục. Ma ưa nói nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt đều là Tịnh Độ, nam nữ nhị căn là nơi chơn thật của Bồ Đề Niết Bàn, người mê chẳng biết, tin lời ô uế ấy. Đây gọi là Cổ Độc Yểm Thắng Ác Quỷ (quỷ cuồng), tuổi già thành ma, nhiễu loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng chán, rời khỏi thân thể, lúc đó đệ tử lẫn thầy đều bị sa vào lưới pháp luật.
5. Xưng là bà con của thí chủ: Trong lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm ham cầu sự tiên tri cảm ứng. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu cảm ứng, thuyết pháp cho họ. Ma khiến người nghe tạm thấy thân họ như trăm ngàn tuổi, lòng sanh yêu mến, chẳng muốn rời bỏ, chịu làm đầy tớ cúng dường đủ thứ mà chẳng biết mệt mỏi, lại khiến đồ chúng của mỗi người trong tâm đều biết họ là tiên sư, là thiện tri thức, sanh lòng yêu mến, thiết tha như keo sơn, được chưa từng có, người ấy ngu mê chẳng biết, cho là Bồ Tát, tâm ưa thân cận, phá hoại giới luật, lén làm việc tham dục. Ma ưa nói kiếp trước người này người kia là anh em, là vợ của ta, nay đến để độ họ, cùng nhau đi đến cõi này cõi kia để cúng dường Phật này Phật nọ; hoặc nói có cõi trời Đại Quang Minh kia, chư Phật đều nghỉ tại đó, người mê chẳng biết, tin lời cuồng vọng ấy. Đây gọi là Lệ Quỷ (quỷ sân si), tuổi già thành ma, nhiễu loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng chán, rời khỏi thân thể, lúc ấy đệ tử lẫn thầy đều bị sa vào lưới pháp luật.
6. Lạm nói họa phước tương lai: Trong lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm ham cầu tĩnh tịch, khắc khổ siêng tu, ưa thích chỗ vắng lặng. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã được Vô thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu tĩnh lặng thuyết pháp cho họ. Ma khiến người nghe mỗi mỗi đều biết nghiệp báo của mình, hoặc nói với một người nào rằng: "Ngươi nay dù chưa chết, nhưng đã làm súc sinh". Rồi bảo người khác đến sau lưng họ làm dạng đạp đuôi, liền khiến người ấy đứng dậy chẳng được, làm cho tất cả đều hết lòng khâm phục, có người móng tâm lên, ma liền biết ý. Ngoài luật nghi của Phật ra, nó càng thêm khắc khổ, phỉ báng Tỳ Kheo, chửi mắng đồ chúng, phơi bày việc người, chẳng tránh hiềm khích, ưa nói việc tội phước của tương lai mà mảy may không sai. Đây gọi là Đại Lực Quỷ (quỷ ngạo mạn), tuổi già thành ma, nhiễu loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng chán, rời khỏi thân thể, lúc ấy đệ tử lẫn thầy đều bị sa vào lưới pháp luật.
7. Chỉ ăn cây thuốc: Trong lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm ham muốn tri kiến, siêng năng nghiên cứu, tham cầu túc mệnh. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp; người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu tri kiến, thuyết pháp cho họ. Người ấy khi không ở nơi nghe pháp được hòn ngọc báu, có lúc ma lại hóa thành súc sinh, miệng ngậm hạt châu và các châu báu, sách, bùa, các vật quý lạ, trước tiên đem hiến cho người ấy, sau nhập xác họ, hoặc bảo với họ là dưới đất nơi đó có hạt châu chiếu sáng, khiến các người nghe, được chưa từng có. Do sức ma nhiếp trì, thường ăn cây thuốc chứ chẳng ăn cơm, hoặc hằng ngày chỉ ăn một hột mè hoặc một hột lúa mà thân vẫn béo mạnh; phỉ báng Tỳ Kheo, chửi mắng đồ chúng, chẳng tránh hiềm khích; ưa nói kho báu nơi tha phương hoặc chỗ ẩn cư của bậc thánh hiền mười phương, những người theo sau thường thấy có kẻ kỳ lạ.
8.Bày vẽ thần thông: Trong lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm ham cầu thần thông biến hóa. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu thần thông, thuyết pháp cho họ. Người ấy hoặc tay cầm ngọn lửa đểtrên đầu tứ chúng, lửa cháy sáng vài thước mà chẳng thấy nóng hay bị cháy, hoặcđi trên mặt nước như đi trên đất bằng, hoặc an tọa ở giữa hư không, hoặc vào trong bình hay trong túi, xuyên qua bức tường đều chẳng chướng ngại, chỉ đối với quân binh giao trận là không được tự tại thôi. Tự nói là Phật, thân mặc bạch y, nhận lễ lạy của bậc Tỳ Kheo, phỉ báng thiền luật, chửi mắng đồ chúng, phơi bày việc người mà chẳng tránh hiềm khích, ưa nói thần thông tự tại, hoặc khiến người thấy cõi Phật ở kế bên; dùng sức quỷ mê hoặc người, chẳng phải có thật, khen ngợi sự dâm dục, chẳng bỏ thô hạnh, đem những việc ô uế cho là truyền pháp.
9. Phủ định nhân quả: Trong lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm ham muốn nhập diệt, tham cầu đi sâu vào cái rỗng không. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu rỗng không, thuyết pháp cho họ. Trước mặt đại chúng, thân ma bỗng biến mất, chúng không trông thấy, lại từ hư không thình lình hiện ra, ở đi tự tại, hoặc hiện thân như lưu ly. hoặc duỗi tay chân bay mùi chiên đàn, hoặc đại tiểu tiện như đường phèn cứng chắc, phỉ báng giới luật, khinh bỉ người xuất gia. Ưa nói không có nhân quả, hễ chết rồi là diệt hẳn, chẳng có thân sau và nói các phàm thánh dù đã được không tịch, nhưng vẫn còn lén hành tham dục, và người thọ sự dâm dục ấy cũng được Tâm-Không.
10. Tự cho là mẹ Phật: Trong lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm ham muốn sống lâu, vất vả nghiên cứu, tham cầu trường thọ chẳng diệt. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tựnói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu trường thọ, thuyết pháp cho họ, hay nói đi lại từ nơi này đến nơi khác chẳng có ngăn ngại; hoặc trong chốc lát từ muôn ngàn dặm đi liền trở lại, mang theo đồ vật của nơi đó; hoặc ở trong nhà, cho người ấy đi vài bước từ vách tường bên đông sang bên tây, mà người ấy đi gấp suốt năm chẳng tới, khiến họ tin đó là Phật hiện tiền. Ma ưa nói tất cả mười phương chúng sanh đều là con ta, ta sanh ra chư Phật, sanh ra thế giới, là Phật nguyên thủy, tự nhiên ra đời, chẳng do tu được. Tự xưng là Thần Hộ Pháp Kim Cang, cho người sống lâu; hoặc hiện thân mỹ nữ, thịnh hành việc tham dục, khiến ngườiấy chưa đầy một năm gan não đã khô kiệt, hay nói lẩm nhẩm một mình, nghe như yêu mî mà người khác chẳng hiểu.
IV - MA HÀNH ẤM
- A Nan! Người tu thiền định, khi dứt được Tưởng Ấm, những mộng tưởng bình thường tiêu sạch, thức, ngủ thường như một, chẳng còn đuổi theo cảnh trần, cái giác minh vắng lặng như hư không, thấy các núi sông, đất đai của thế gian như bóng hiện trong gương, tùy duyên chiếu soi, ở đi đều chẳng dính mắc, biết hết các tập khí xưa, cái nguồn gốc của sanh diệt từ đây được hiển lộ, thấy khắp 12 loại chúng sanh trong mười phương, dù chưa thông suốt manh mối của từng loại, nhưng đều từ một nguồn gốc phát sanh ra, giống như bụi trần lăng xăng, ấy là chỗ căn cứ địa của ngũ căn, đây gọi là phạm vi của Hành Ấm.
 
l. Chấp vô nhân : Trong lúc thiền định, khi được chánh tri, chánh tâm sáng suốt, mười loại thiên ma chẳng còn được dịp quấy phá, mới được truy cứu cùng tột cội gốc sanh diệt của các loài. Quán xét cái cội gốc đó mà khởi tâm so đo, thì người ấy bị đọa vào hai loại Vô Nhân Luận:
a. Thấy sự bắt đầu vô nhân. Tại sao vậy? Người ấy đã dứt được tưởng sanh diệt, nhờ 800 công đức của Nhãn căn, thấy được tất cả chúng sanh từ 8 vạn kiếp, theo nghiệp xoay vòng, chết đây sống đó, luân chuyển không ngừng, còn ngoài 8 vạn kiếp thì mịt mù chẳng thể thấy được, bèn cho là từ 8 vạn kiếp đến nay, mười phương chúng sanh trên thế giới vô nhân mà tự có. Do so đo này, tự làm mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.
b. Thấy sự cuối cùng vô nhân. Tại sao vậy? Người ấy đã biết được căn bản của sự sanh, như người sanh người, chim sanh chim, xưa nay con quạ vẫn đen, con cò vẫn trắng, trời người vẫn đứng thẳng, thú vật vẫn đứng ngang, trắng chẳng do tẩy mà thành, đen chẳng do nhuộm mà nên, từ 8 vạn kiếp nay vẫn không dời đổi, nay đến tận hết hình thể này cũng vẫn như thế. Bổn lai của ta chẳng thấy Bồ Đề thì làm sao lại có sự tu thành Bồ Đề! Vì mê lầm cho tất cả sự vật đều vốn vô nhân, do so đo này, tự làm mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.
2. Chấp thường luận : Trong lúc thiền định, chánh tâm sáng suốt, ma chẳng được dịp quấy phá, quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, thấy luôn luôn như vậy chẳng biến đổi, ngay nơi đó khởi tâm so đo, chấp đó là thường, thì người ấy bị đọa vào bốn thứ Chấp Thường Luận:
a. Người ấy xét thấy cùng tột bản tánh của tâm và cảnh, hai nơi đều không có nhân, do tu tập biết được tất cả sự sanh diệt của mười phương chúng sanh, từ hai vạn kiếp đến nay vẫn lưu chuyển không hề tan mất, bèn chấp cho là thường.
b. Người ấy xét cùng tột cội gốc của tứ đại, bốn thứ tánh ấy thường trụ, do tu tập biết được tất cả. Sự sanh diệt của mười phương chúng sanh, từ bốn vạn kiếp đến nay cái thể vẫn thường còn, không hề tan mất, bèn chấp cho là thường.
c. Người ấy xét cùng tột cội gốc của lục căn, theo tánh chấp thụ của thức thứ bẩy, trong tâm-ý-thức, chỗ nguồn gốc căn bản, tánh thường như vậy. Do tu tập biết được tất cả chúng sanh từ tám vạn kiếp này, dù có luân hồi, vốn là thường trụ, cuối cùng chẳng mất bản tánh, nên chấp cho là thường.
d. Người ấy đã dứt được tưởng ấm chẳng còn cái tưởng sanh diệt cho là tâm sanh diệt, nay đã vĩnh diệt, tự nhiên thành chẳng sanh diệt, vì tâm so đo nên chấp cho là thường.
- Do so đo này, tự làm mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ hai lập Viên Thường Luận.
3. Chấp điên đảo : Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá, quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, khởi tâm so đo giữa ta và người, người ấy bị đọa vào bốn thứ kiến chấp điên đảo, một phần vô thường, một phần chấp thường luận:
a. Người ấy quán tâm diệu minh khắp cõi mười phương cho là thần ngã chơn thật, từ đó sanh chấp, cho ta cùng khắp mười phương, trạm nhiên sáng suốt chẳng động, tất cảchúng sanh ở nơi tâm ta tự sanh tự diệt, vậy thì tâm tánh ta là thường, còn sựsanh diệt ấy là chơn vô thường.
b. Người ấy chẳng quán tự tâm mà quán khắp mười phương hằng sa quốc độ, thấy chỗ kiếp hoại (từ cõi tam thiền trở xuống) thì gọi là chủng tánh chơn vô thường, còn chỗ kiếp chẳng hoại được (từ cõi tứ thiền trở lên, kiếp hoại chẳng đến được) thì gọi là chơn thường.
c. Người ấy chỉquán riêng tâm mình, thấy tinh mật vi tế như vi trần, lưu chuyển mười phương, khiến thân này liền sanh liền diệt mà tâm tánh chẳng dời đổi, ngã tánh chẳng hoại, gọi ta là tánh thường, sanh tử của tất cả chúng sanh từ ta mà ra thì gọi là tánh vô thường.
d. Người ấy đã dứt được Tưởng Ấm, thấy hành ấm lưu chuyển thường xuyên, gọi là tánh thường: sắc, thọ, tưởng ba ấm nay đã diệt hết thì gọi là vô thường.
- Do so đo này, một phần vô thường, một phần là thường, nên bị lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ ba lập Một Phần Thường Luận.
4. Chấp hữu biên : Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá, quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, trong phân vị (2) khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào bốn thứ Hữu Biên Luận:
a. Người ấy trong tâm so đo cái gốc sanh lưu chuyển chẳng ngừng, chấp quá khứ vị lai gọi là hữu biên, chấp tâm tương tục gọi là vô biên.
b. Người ấy quán từ tám vạn kiếp đến nay thì thấy có chúng sanh, từ tám vạn kiếp trở vềtrước thì chẳng thấy chẳng nghe, bèn cho chỗ chẳng thể thấy nghe ấy gọi là vô biên, chỗ có chúng sanh gọi là hữu biên.
c. Người ấy chấp rằng ta biết cùng khắp, được tánh vô biên; tất cả mọi người đang trong cái hay biết của ta, mà ta chẳng từng biết cái tánh biết của họ, ấy gọi là họ chẳngđược cái tâm vô biên, chỉ được tánh hữu biên thôi.
d. Người ấy quán đến cùng tột Hành Ấm rỗng không, so đo trong tâm cái sở thấy của mình, cho là ở trong một thân của tất cả chúng sanh đều là phân nửa sanh phân nửa diệt, chođến tất cả hiện hữu trong thế giới này cũng đều phân nửa hữu biên, phân nửa vô biên.
5. Chấp điên đảo, bất tử, càn loạn và biến kế : Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá, quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, ở nơi tri kiến khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào bốn thứ: điên đảo, bất tử, càn loạn, biến kế hư luận:
a. Người ấy quán xét cội gốc của sự biến hóa thấy chỗ lưu chuyển thì gọi là biến, thấy chỗnối nhau thì gọi là thường, thấy chỗ thấy được thì gọi là sanh, thấy chỗ chẳng thấy được thì gọi là diệt, cái nhân nối nhau chẳng gián đoạn thì gọi là thêm, khi đang nối nhau, ở giữa có chỗ gián đoạn thì gọi là bớt, chỗ sanh của mọi vật thì gọi là hữu, chỗ diệt của mọi vật thì gọi là vô; dùng lý quán xét thì thấyđồng, dùng tâm thì thấy khác. Có người đến cầu pháp hỏi nghĩa thì đáp: "ta nay cũng sanh cũng diệt, cũng có cũng không, cũng thêm cũng bớt", bất cứlúc nào đều nói đảo loạn như thế, khiến người nghe rồi cũng như không nghe.
b. Người ấy quán xét tâm họ đến chỗ Vô, vì vậy nên chẳng có chứng đắc, hễ có người đến hỏi chỉ đáp một chữ "Vô", ngoài ra không nói gì cả.
c. Người ấy quán xét tâm họ đến chỗ Hữu, vì vậy mà có sự chứng đắc, hễ có người đến hỏi thì chỉ đáp một chữ "Hữu", ngoài ra không nói gì cả.
d. Người ấy hữu vô cùng thấy, do cảnh rời rạc nên tâm cũng bị rối loạn, hễ có người đến hỏi thìđáp: "Cũng có tức là cũng không, ở trong cũng không, chẳng phải cũng có". Tất cả càn loạn, chẳng thể hỏi ra kết quả.
6. Chấp sau chết có tướng : Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá, quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, trong dòng sanh diệt vô tận khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào tư tưởng điên đảo, chấp sau khi chết có tướng: hoặc tự giữ cái sắc thân, cho sắc thân là ta; hoặc thấy ta bao trùm khắp các cõi nước, thì cho ta có sắc; hoặc thấy duyên cảnh xưa theo ta luân hồi thì cho sắc thuộc về ta; hoặc thấy cái ta nương theo hành ấm mà tương tục, thì cho ta ở nơi sắc, xoay chuyển nhưvậy thành mười sáu tướng, từ đó sanh ra cái chấp "có phiền não thật", và "Bồ Đề thật", hai tánh ấy đi song song mà chẳng đụng chạm nhau, do so đo này, chấp sau khi chết có tướng, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ sáu trong ngũ ấm chấp sau khi chết có tướng, lập Tâm Điên Đảo Luận.
7. Chấp sau khi chết chẳng tướng : Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá. Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, trong những chỗ sắc, thọ, tưởng, đã diệt từ trước, khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào tư tưởng điên đảo, chấp sau khi chết chẳng tướng. Thấy Sắc Diệt rồi thì hình thể chẳng có nhân, thấy tưởng diệt rồi thì tâm chẳng bó buộc, thấy thọ diệt rồi thì chẳng còn chỗ nối liền, tánh ấm tiêu tan, dẫu có sự sanh mà chẳng có thọ, tưởng, đồng như cây cỏ, cái thể chất hiện hữu này còn bất khả đắc, huống chi chết rồi thì đâu còn hình tướng nào! Theo đó suy lường, xoay chuyển thành tám thứ vô tướng, cho rằng nhân quả, Niết Bàn, tất cả đều không, chỉ có danh tự, cuối cùng đoạn diệt. Do so đo này, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ bảy trong ngũ ấm chấp sau khi chết chẳng tướng,lập Tâm Điên Đảo Luận.
8. chấp sau khi chết chẳng có cũng chẳng không : Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá. Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, trong chỗ hành ấm còn mà thọ tưởng đã diệt, cho "Có, Không" đồng thời cùng hiện nên tự thể phá nhau, người ấy bị đọa vào điên đảo luận, chấp sau khi chết chẳng phải "Có" cũng chẳng phải "Không", trong sắc, thọ, tưởng, thấy có chẳng phải là có, nơi hành ấm lưu chuyển, thấy không chẳng phải là không, xoay chuyển như vậy cùng tận ấm giới, thành tám thứ tướng "chẳng phải có chẳng phải không", dù gặp một duyên nào đều nói sau khi chết cũng có tướng cũng không tướng. Lại chấp hành ấm tánh hay thay đổi, tâm phát thông ngộ, thấy "Có, Không" đều chẳng phải, hư và thật đều không chỗ căn cứ, do so đo này, làm cho mịt mù chẳng thể nói được, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ tám trong ngũ ấm chấp sau khi chết chẳng có cũng chẳng không, lập Tâm Điên Đảo Luận.
9. Chấp sau khi chết đoạn diệt : Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá. Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, ở nơi Hậu-Hậu-Vô (3) khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào bảy thứ Đoạn Diệt Luận: hoặc chấp cái thân diệt, hoặc dục tận diệt, hoặc khổtận diệt, hoặc cực lạc diệt, hoặc cực xả diệt, xoay chuyển như thế tận cùng bảy nơi, cái thân hiện tiền khi tiêu diệt rồi chẳng còn sanh nữa, do so đo này, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ chín trong ngũ ấm chấp sau khi chết đoạn diệt, lập Tâm Điên Đảo Luận.
10. Chấp ngũ là niết-bàn : Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá. Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, ở nơi Hậu Hậu Hữu (4) khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào năm thứ Niết Bàn Luận: hoặc nhận dục giới là nơi Chánh Chuyển Y, vì thấy cảnh viên minh nên tâm sanh ái mộ, hoặc nhận sơ thiền vì tánh không còn lo, hoặc nhận nhị thiền, vì tâm không còn khổ, hoặc nhận tam thiền, vì rất vui đẹp, hoặc nhận tứ thiền vì khổ vui đều mất, chẳng bị luân hồi sanh diệt vậy. Mê lầm cõi trời hữu lậu cho là quả vô vi, năm nơi an ổn ấy là nơi Thắng Tịnh Y, xoay chuyển ở năm chỗ này, cho là cứu cánh, do so đo này, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ mười trong ngũ ấm chấp năm thứ Niết Bàn, lập TâmĐiên Đảo Luận.
V. MA THỨC ẤM
- A Nan! Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, các tính sanh diệt lăng xăng chuyển động của thế gian bỗng được tan rã, các nghiệp báo luân hồi, sự cảm ứng vi tế như chỉtơ gần được đoạn dứt, sắp được minh ngộ nơi cõi Niết Bàn, như gà gáy lần chót, trời bắt đầu rạng đông. Lục căn hư tịnh, chẳng còn giong ruổi cảnh trần, trong ngoài trạm nhiên sáng suốt, cho đến nhập vô sở nhập: thấu suốt cội gốc thọ mạng của 12 loại chúng sanh trong mười phương, chấp vào cái cội gốc đó, các loài chẳng đến với nhau, mà ở nơi mười phương đều đồng một cội gốc, sự phát hiện chỗ ẩn bí đó, như trời gần sáng mà chưa sáng, rạng đông kéo dài, đây gọi là phạm vi của Thức Ấm. Nếu ở chỗ đồng ấy, nhờ sức thiền định mài giũa lục căn, đến thấy nghe thông nhau, sự dụng của lục căn muốn hợp hay tách ra đều được tự do thành tựu, trong ngoài sáng suốt như lưu ly, gọi là thức ấm hết, thì lúc ấy được siêu việt Mệnh Trược. Nhưng quán xét nguyên nhân là do bởi Võng Tượng (mường tượng) Hư Vô, Điên Đảo Vọng Tưởng (5) làm gốc.
l. Chấp năng nhân, sở nhân : A Nan! Người tu thiền định, khi dứt được hành ấm, trở về chỗ cội gốc của Thức Ấm, sanh diệ tđã diệt mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, có thể khiến lục căn thông dụng lẫn nhau, cũng thông với cái giác tri của các loài trong mười phương, do sự thông dụng ấy mới được đi vào chỗ cội gốc của Thức Ấm. Nếu ở chỗtrở về mà lập cái nhân Chơn Thường, sanh tâm thù thắng, thì bị đọa vào cái chấp "Năng nhân, sở nhân", làm bạn với bọn ngoại đạo tóc vàng, nhận chỗ"căn bản của vô minh" làm nơi sở quy, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật, ấy gọi là lập cái tâm sở đắc, thành cái quả sở quy, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống ngoại đạo thứ nhất.
2. Chấp năng là phi năng : Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở chỗ cội gốc của thức Ấm, ôm làm tự thể của mình, cho tất cả 12 loại chúng sanh khắp hư không đều phát xuất từ thân ta, sanh tâm thù thắng, thì bị đọa vào cái chấp "Năng phi năng" (6), làm bạn với bọn ma dân hay hiện thân vô biên ở cõi Sắc giới, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật, ấy gọi là lập cái tâm năng vi, thành cái quả năng sự, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, sanh Đại Mạn Thiên, thành giống chấp ngã thiên viên thứ hai (thiên viên chưa được viên thông, chỉ có một nửa).
3.Chấp sinh diệt là thường trụ : Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở nơi cội gốc của thức ấm khởi tâm nương tựa, tự nghi thân tâm mình từ đó mà ra, mười phương hư không đều từ đó sanh khởi, bèn nhận chỗ đó là cái thể chơn thường, là nơi chẳng sanh diệt. Ở chỗ sanh diệt chấp là thường trụ, chẳng những chẳng thấy tánh chơn bất sanh diệt, mà còn nhận lầm tánh sanh diệt hiện tại, an trụ tại chỗ mê lầm này, sanh tâm thù thắng, thì bị đọa vào cái chấp "thường phi thường", làm bạn với bọn ở cõi trời Tự Tại Thiên, mê lầm tánh Bồ Đề lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là lập cái tâm nhân y (cái nhân nương tựa) thành cái quả vọng kế (vọng chấp thường trụ), trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn thành giống điên đảo viên thông thứ ba (nói viên thông mà chưa được viên thông).
4. Chấp tâm viên tri : Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở nơi sở tri, kiến lập tri giải, cho các loài cây cỏ mười phương đều gọi là hữu tình, với người chẳng khác; cây cỏ làm người, người chết rồi lại thành cây cỏ, cho đến loài vô tình đều có sự giác tri, hữu tình vô tình chẳng có phân biệt, sanh tâm thù thắng, thì bị đọa vào cái chấp "Tri vô tri", làm bạn với hai thứ ngoại đạo Bà Tra và Tiện Ni, chấp tất cả đều có sự giác tri, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là lập cái tâm viên tri, thành cái quả hư vọng, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống Điên Đảo Tri thứ tư.
5. Chấp sanh vô sanh : Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở nơi lục căn dung thông lẫn nhau đã được tùy thuận vô ngại, rồi nương theo viên dung này, cho là tứ đại hay biến hóa tất cả,nên từ nơi tứ đại ham cầu tánh sáng suốt của hỏa; thích tánh trong sạch của thủy; ưa tánh chu lưu của phong, quán tánh thành tựu của trần, mỗi mỗi đều tôn sùng, lấy các trần ấy nhận làm bản nhân, chấp cho là thường trụ, thì bị đọa vào cái chấp "Sanh vô Sanh", làm bạn với bọn ngoại đạo Ca Diếp Ba và Bà La Môn, siêng tâm ép xác, thờ lửa thờ nước để cầu được ra khỏi sanh tử, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là chấp trước, thờ phụng, mê tâm theo vật, lập cái nhân vọng cầu, cầu cái quả vọng mong, trái xa viên thông, ngượcđạo Niết Bàn, thành giống của tạo hóa điên đảo thứ năm.

6. Chấp tâm hư vô : Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở trong viên minh chấp là hư vô, bác bỏ các sự tạo hóa, lấy cái vĩnh diệt làm chỗ quy y, sanh tâm thắng giải, thì bị đọa vào cái chấp "Quy vô quy" (cho vô quy là Quy), làm bạn với bọn Thuấn Nhã Đa (thần hư không) ở cõi Vô Tưởng Thiên, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là chấp cái tâm hư vô thành quả Không Vong, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống đoạn diệt thứ sáu.

7. Chấp trường thọ : Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở nơi viên thường sanh lòng củng cố cái thân này, cho là thường trụ đồng với tánh ấy, mãi không tiêu diệt, sanh tâm thắng giải, thì bị đọa vào cái chấp "Tham phi tham" (7), làm bạn với bọn A Tư Đà (chẳng ai bằng), tham cầu trường thọ, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật.Ấy gọi là chấp trước mạng căn, lập cái nhân cố vọng (kiên cố cái vọng thân), cầu quả thường trụ, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống vọng diên thứ bảy (vọng diên: vọng muốn kéo dài).

8. Chấp chơn là vô chơn : Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, xét thức ấm là mạng căn của các loài dung thông lẫn nhau, bỗng sợ tiêu diệt, muốn giữ lại trần lao, bèn ở chỗ đó ngồi cung liên hoa, hóa ra rất nhiều châu báu và mỹ nữ, buông lung tâm mình, sanh tâm thắng giải, thì bị đọa vào cái chấp "chơn vô chơn" (cho vô chơn là chơn), làm bạn với cõi Tha Hóa Thiên, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là phát cái nhân tà tưởng, lập quả trần lao hưng thịnh, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống thiên ma thứ tám.

9. Chấp thành quả, tâm không cầu tiến : Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông. Ở trong nguồn gốc của thức ấm, khởi tâm phân biệt tinh, thô, chơn, ngụy, nhân quả trả nhau, chỉ cầu sự cảm ứng, trái ngược đạo thanh tịnh, chấp cái khổ, tập, diệt, đạo của Tứ Thánh Đế, cho là đến chỗ diệt rồi là xong, chẳng cầu tiến thêm, sanh tâm thắng giải, thì bị đọa vào định tánh Thanh Văn, làm bạn với kẻ tăng thượng mạn như Tỳ Kheo Vô Văn, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là lập cái tâm cảm ứng tinh vi, thành quả tịch diệt, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống Triền Không thứ chín (Triền Không: bị ràng buộc ở chỗ Không).

10. Ngộ nhận viên giác : Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, ở nơi tánh giác minh, viên dung thanh tịnh, truy cứu sự thâm diệu, bèn chấp đó là Niết Bàn, chẳng cầu tiến thêm, sanh tâm thắng giải, thì bị đọa vào định tánh Bích Chi, làm bạn với những người Duyên Giác và Độc Giác, chẳng biết hồi tâm hướng về Đại Thừa, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là lập cái tâm âm thầm hợp với viên giác (8), thành cái quả trạm minh, trái xa viên-thông, ngược đạo Niết Bàn, sanh cái giác viên minh, thành giống Bất Hóa Viên thứ mười (Bất Hóa Viên: chấp vào nơi viên mà chẳng thếhóa giải được).

VI. CHUYỂN HÓA UẨN NÀO TRƯỚC
- A Nan : trong tướng ngũ ấm, năm thứ hư vọng vốn là bản tâm, chúng con bình thường chưa được Như Lai khai thị tỷ mỷ như thế. Lại ngũ ấm này là tiêu trừ một lượt hay theo thứ lớp mà diệt trừ?
- Phật: Diệu tâm sáng tỏ, bổn giác trong sạch, vốn chẳng có sanh tử và những trần cấu, tất cả chúng sanh, cho đến hư không, đều do vọng tưởng mà sanh khởi. Cái bổn giác vốn sáng tỏtrong sạch này, vọng sanh các tướng thế gian, như Diễn Nhã Đạt Đa mê đầu nhận bóng. Vọng vốn chẳng nhân, lại nơi vọng tưởng lập tánh nhân duyên, kẻ mê nhân duyên cho là tự nhiên, thật ra, tánh hư không còn là huyễn hóa, nhân duyên và tự nhiên đều do vọng tâm của chúng sanh tạo thành.
- A Nan, biết chỗ vọng khởi, thì nói vọng duyên, nếu vọng vốn không, thì các vọng nhân duyên vốn chẳng thể có, huống là chẳng biết lại cho là tự nhiên. Vì thế, Như Lai phát minh: Bản nhân của ngũ ấm đều là vọng tưởng.
- Thân ngươi trước tiên, do niệm tưởng của cha mẹ sanh ra, tâm ngươi nếu chẳng có niệm tưởng thì chẳng thể đến hợp với tưởng của cha mẹ mà thọ sanh. Như trước ta đã nói, tưởng tượng vị chua thì tiết ra nước miếng, tưởng tượng leo dốc thì lòng bàn chân ghê rợn, dốc cao chẳng có, vật chua chưa đến, thân ngươi nếu chẳng cùng loại với hưvọng thì làm sao nghe nói chua lại tiết ra nước miếng? Nên biết sắc thân hiện tiền của ngươi, gọi là Kiên Cố Vọng Tưởng thứ nhất.
Như trên đã nói, tưởng tượng leo dốc thì khiến thân thật chịu ghê rợn; vì cái nhân niệm tưởng cảm thọ, lay động sắc thân, nay trước mắt ngươi ham thuận chán nghịch, hai hiện tượng này giao tranh với nhau, gọi là Hư Minh Vọng Tưởng thứ hai.
- Bởi do niệm tưởng sai khiến sắc thân; nếu sắc thân với niệm tưởng chẳng cùng loại, thì tại sao thân ngươi lại theo niệm tưởng sai khiến? Đủ thứ hiện tượng tương ưng với niệm tưởng, hễ tâm sanh thì thân nhận, lúc thức là niệm tưởng, lúc ngủ thành chiêm bao. Vậy thì niệm tưởng của ngươi lay động vọng tình, gọi là Dung Thông Vọng Tưởng thứ ba.
- Lý tạo hóa chẳng ngừng, âm thầm dời đổi, móng dài, tóc mọc, sức mòn, hình nhăn, ngày đêm thay đổi mà không hề hay biết.
- A Nan, ấy nếu chẳng phải là ngươi, thì tại sao thân ngươi lại dời đổi? Nếu ắt phải là ngươi, thì sao ngươi lại chẳng hay biết? Vậy thì, hành ấm của ngươi niệm niệm chẳng ngừng, gọi là U Ẩn Vọng Tưởng thứ tư.
- Lại, chỗ tánh thức trong lặng chẳng lay động của ngươi, cho là thường còn ấy, ở nơi thân ngươi chẳng ra ngoài Kiến, Văn, Giác, Tri, nếu cho là chơn thật, thì chẳng thể huân tập sự vọng, tại sao các ngươi đã từng xem một vật lạ từ năm xưa, trải qua nhiều năm, nhớ quên chẳng còn; về sau bỗng thấy vật lạ đó, thì nhớ lại rõ ràng, chưa từng lạc mất?
- Vậy nơi tánh thức trong lặng chẳng lay động này, đâu có suy tính, mà niệm niệm chịu sự huân tập! A Nan nên biết, tánh trong lặng này chẳng thật, như dòng nước chảy gấp, trông như tịch lặng, ấy là vì chảy gấp mà chẳng thấy, chứ chẳng phải không chảy; nếu chẳng phải là cội gốc của niệm tưởng, thì đâu thể huân tập sự vọng? Nếu lục căn chưa được hỗ dụng tự tại, thì vọng tưởng này chẳng bao giờ diệt trừ được.
- Vậy nên hiện nay cái Kiến, Văn, Giác, Tri của ngươi, hòa hợp với tập khí vi tế, thành mường tượng hư vô nơi tánh Trạm Liễu, gọi là tướng vi tế của Điên Đảo Vọng Tưởng thứ năm.
- A Nan! Ngũ ấm này do năm thứ vọng tưởng kể trên mà thành.
- Nay ngươi muốn biết bờ bến sâu cạn, thì Sắc với Không là bờ bến của Sắc Ấm; Xúc với Lìa là bờ bến của Thọ Ấm; Nhớ với Quên là bờ bến của Tưởng Ấm, Diệt với Sanh là bờbến của Hành Ấm; Trạm nhập hợp Trạm, là bờ bến của Thức Ấm.
- Cội gốc của ngũ ấm từng lớp sanh khởi; sanh do thức mà có, diệt theo sắc mà trừ; Lý thì Đốn Ngộ, theo ngộ cùng tiêu. Sự chẳng thể bỗng diệt, phải dần dần mới được dứt sạch.
- Ta đã khai thị cho ngươi về thắt kết của khăn bông, tại sao còn chẳng rõ mà lại hỏi nữa! Ngươi đối với cội gốc vọng tưởng này, nơi tâm được khai ngộ, rồi mới có thể truyền dạy cho người tu hành trong đời mạt pháp, khiến họ biết sự hư vọng, tự sanh nhàm chán, biết có Niết Bàn, chẳng lưu luyến tam giới.




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét