Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Số Tức Quan



Hòa thượng Thích Giác Dũng
Tu theo “Số Tức Quan”
Nhân dịp Đại lễ Tưởng niệm 55 năm Tổ Sư Minh Đăng Quang vắng bóng, tôi xin được chia sẻ đôi điều mà tôi đã trăn trở cũng như nhận thức và kinh nghiệm mà tôi đã thọ học, tu tập theo đường lối của Tổ Sư, đặc biệt thông qua bài “Số Tức Quan” trong bộ Chơn Lý.
 Hòa thượng Tôn sư Thích Giác Dũng
Tôi gặp Phật Pháp thời trung niên. Mến mộ hạnh Khất Sĩ đơn giản, thanh bần, chơn tu giải thoát mà xuất gia. Bài học đầu tiên về pháp môn tu của tôi thời đó là bài “Số Tức Quan”. Như người khát được uống, người đói được ăn. Tôi đã đọc bài này và thực tập, thấy hiệu quả ngay trong đêm thực tập. Kể từ đó, pháp môn Số tức quan là pháp môn căn bản cho việc hành trì của bản thân. Mỗi ngày mỗi đêm và những giờ khắc không công quả hoặc rảnh các Phật sự, tôi lặng lẽ hành trì và nhờ thế sức khỏe được tốt hơn và đời sống thêm an lạc.
Vào giai đoạn sau 1975, ai cũng có nhiều việc phải làm, nên chúng tôi theo hạnh của ngài Bách Trượng bên Trung Hoa “một ngày không làm, một ngày không ăn” (Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực) nên không có thời gian nhiều để hành trì bình khất thực hóa duyên như những ngày đầu mới xuất gia. Dẫu vậy, tôi cũng thực tập phép tu số tức quan đều đặn, mỗi ngày 2 thời: tối trước khi đi ngủ và vừa sau khi thức giấc. thỉnh thoảng tôi đã vận dụng pháp môn này trong những lúc đi bộ đường xa. Thời đó có khi làm cả 10km mà chỉ đi bộ. Đã không có thời gian để tĩnh tọa thì tranh thủ thiền hành vậy. Thực ra, hồi đó cũng không có nhiều vị chỉ rõ, thuyết minh pháp tu trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm. Các ngài đơn giản chỉ giữ oai nghi, chánh hạnh trong mỗi cử chỉ, hành động của mình, và bản thân tôi cũng thế. Không ngờ sau này tôi mới biết ra đó là công phu căn bản mà mỗi người tu cần phải hàm dưỡng. Và đó cũng là điều rất khó thực hiện của mỗi người tu.
Bài “Số Tức Quan” ý tứ thâm diệu, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần để nhắc nhở mình tu và lần dò phương pháp tu; mỗi lần đọc lại y như là một liều thuốc bổ dưỡng tinh thần, khiến cho tâm trí càng thêm sáng suốt.Và cứ như thế tôi thực tập hết cách này đến cách khác trong số tức quan, thấy hiệu nghiệm vô cùng. Pháp nào cũng đưa đến sự nhẹ nhàng thân tâm, làm cho nội tâm bớt vọng động, đời sống thêm thảnh thơi. Nhân đây, tôi xin chia sẻ pháp môn tu của tôi dựa vào bài “Số Tức Quan” mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã chỉ dẫn. Các đoạn in nghiêng đều trích từ bài “Số Tức Quan” trong Chơn Lý.
VỀ NHẬN THỨC:
“Về hơi thở, người ta luyện thế nào cũng được, cốt yếu là để tập định, nhưng lúc hành thì phải kinh nghiệm, xem chừng từng chút sự khác lạ, kẻo thái quá bất cập có điều trở ngại, tai hại cho thân thể, làm mất an vui, tấn hóa. Người ta cũng có thể, cần phải biết ra nhiều cách thở, để đặng thay đổi pháp hành tùy theo căn duyên, trình độ, cho thuận tiện tinh tấn. Hơi thở là một đề mục trong muôn ngàn đề mục thiền định, chớ chẳng phải một môn độc nhất để đến thiền định”.
Như vậy, chúng ta thấy Tổ sư đã nêu rõ, hơi thở chỉ là một trong những đề mục cho chúng ta nhiếp niệm, nhập định, đắc quả linh, chứ không phải là cái gì “duy nhất” để rồi chúng ta khư khư, mắc kẹt trong đó, sanh ra chủ quan, tự cao tự đại và không dung được các đề mục mà các thiền sư khác hướng dẫn.
VỀ HÀNH TRÌ:
Cũng như các đề mục khác, đề mục hơi thở cũng tùy theo căn tánh và hạnh nghiệp của mỗi người mà thuận hạp và có kinh nghiệp khác nhau. Ở đây, tôi xin tin lọc các cách căn bản mà Tổ sư đã hướng dẫn, đồng thời bản thân tôi đã tu tập, trải nghiệm và thấy có kết quả lớn.
Cách 1:
“… tập sự chăm chú, chăm chỉ đếm một, hai, ba… đến trăm ngàn muôn trong mỗi lúc, một con số nhất định, bằng hơi thở ra vào; hay đếm những danh hiệu Phật, mỗi hơi thở mỗi tên, đếm mãi từ xuôi tới ngược, từ ngược tới xuôi để đặng kềm ý phục tâm một chỗ cho quen, đặng đến lần số tức quan nhập định”.
Cách 2:
“… Hơi thở hít vô, kéo dài nhè nhẹ, niệm tưởng thầm rằng “Nam Mô A” chậm rãi đến mãn hơi, dội trở ra cũng kéo dài nhè nhẹ, niệm tưởng thầm rằng “Di Đà Phật” chậm rãi đến mãn hơi; thâu vô trở lại niệm tưởng nữa, làm thành vòng tròn, bằng sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” và liên tiếp những vòng tròn. Đi đứng nằm ngồi đều niệm mãi, tập không cho bỏ sót một hơi thở nào, trừ ra lúc ngủ quên, hay khi nói chuyện. Kẻ ấy bằng định tâm được như thế cũng khá, lục căn sẽ thanh tịnh lần, và sẽ đến được giác ngộ…”.
 Cách 3:
“… Hơi vô đếm một, hơi ra đếm hai. Mãi đếm một hai hoặc đến bao nhiêu cũng được. Có người niệm tưởng một câu pháp, niệm danh hiệu Phật khác, hoặc một cái chi, đề mục nào cũng nên ích lợi, vì cốt ý là để trụ tâm. Những kẻ yếu tâm hay loạn, thì trước niệm ra tiếng cho quen, kế đó niệm thầm cho tai nghe theo hơi thở, tiếp nữa không niệm hơi thở quen chừng như có niệm sau rốt mất niệm mà hơi thở vẫn điều hòa khỏe nhẹ…”.
Cách 4:
“… Đếm số từ chặng, để dẫn hơi lên xuống, từ lỗ mũi tới cuống cổ, tới chớn thủy, tới rún, tới bụng dưới, hay cho chạy khắp thân mình, từng chỗ ý định, bằng tư tưởng tập luyện cho quen”.
Cách 5:
“… lúc đầu niệm danh Phật … theo hơi thở vô, còn hơi thở ra thì xả bỏ, gọi là niệm thâu vô, lâu sau còn niệm vô một câu, lần đến còn một tiếng, kế đó nhớ tưởng theo hơi thở mà thôi niệm…”.
Cách 6:
“…tùy duyên cảnh mà phát niệm. Ví như trong lúc đói thì học niệm no no no vài ba tiếng, nói ra theo hơi thở, rồi sau niệm thầm theo hơi thở ra vô một hơi một tiếng, kế đếm mỗi hơi thở ra vô, học chỉ còn nhớ tưởng một tiếng no in trí sau rốt còn hơi thở tự nhiên, êm nhẹ mất hẳn tiếng no và nhập định”.
 Cách 7:
“… dùng một tiếng “định” một. Hoặc một tiếng “chết” một, một tiếng “ngủ” một, hay một tiếng “nghỉ”  một v.v… Người ta dùng một tiếng chi cũng được, tùy theo duyên cảnh. Ví như mệt thì nói khỏe, đau thì nói mạnh, nóng thì nói mát, khi buồn thì nói vui,v.v…Người ta dùng một tiếng tương đối để làm pháp đối trị giặc nghịch phiền não, đặng an tâm vào hơi thở, mà đến Niết bàn vắng lặng”.
 Cách 8:
 “Phép ngó chừng trái tim”.
 Trên đây là 8 cách hành trì mà các hành giả tu thiền định phần lớn hành trì đã được Tổ Sư Minh Đăng Quang nêu rõ trong bài Sổ Tức Quan. Tôi nghe các đệ tử của tôi nói lại, các vị Thiền sư Thái Lan và Miến Điện đều linh hoạt sử dụng các đề mục và có thể sử dụng mọi phương tiện để hướng dẫn hành thiền, chẳng hạn như cho phép đệ tử niệm Nam mô Phật Đà (Namo Buddho) khi hít vào, thở ra để cột tâm trên đề mục, hoặc hướng dẫn hành giả nhìn vào trái tim của mình để an trụ thân tâm và qua đó quán sát các cảm thọ sinh khởi trên thân. Các phương pháp này cốt yếu cũng giúp cho tâm được định vậy.
Điểm Cốt Tủy Cần Phải Nhớ:
“Tất cả những phép tu tập hơi thở có khó dễ khác nhau, nhưng chẳng có cách nào qua lẽ tự nhiên bình thường này: là người ta phải đừng cố ý chăm chú vào riêng hơi thở, nhưng người ta mỗi lúc nào cũng phải ngăn đón sự thái quá thở mạnh, càng bất cập thở nhẹ, tức là phải giữ làm sao hơi thở được mực trung điều hòa nhau như sợi dây ngang thẳng chẳng gợn sóng, như cái vòng tròn không cho móp méo. Nghĩa là không có tu luyện mà phải làm sao, hơi thở của tâm, hơi thở của trí, hơi thở của thân hòa nhau một mực, ấy là đắc đạo, đắc đại định, trung đạo, chánh đẳng chánh giác. Đó là một pháp tu chân, đúng lý, rất giản tiện, thật thông thường, nhưng chúng sanh thì thái quá bất cập đã quen nên khó lòng bền chí thật hành. Vậy thì tất cả các phép tu, không có phép nào qua sự tự nhiên, vì tự nhiên chân như là định, trung đạo, còn các pháp tu, là dùng trừ thái quá bất cập, để đặng giữ cái trung đạo tự nhiên chân như định, chớ không phải tu là để tìm thái quá bất cập, hai bên lề. Bởi cái sống, biết, linh là ai cũng đang sẵn có, mà vì bị thái quá bât cập vọng loạn, và không nên chấp có hơi thở tưởng đếm chi số tức quan”.
 Qua đây, chúng ta thấy Tổ Sư nhấn mạnh đến giáo lý Trung đạo mà ngay bài pháp đầu tiên Đức Phật đã nhấn mạnh và triển khai cho năm người bạn cũ đồng tu xưa kia là năm anh em A-nhã Kiều-trần-như. Đạo Phật lấy giáo lý Trung đạo làm trọng tâm. Bất kỳ pháp môn tu nào thái quá đều dẫn đến bất cập và không thể nào thành tựu đạo quả. Ngay cả lộ trình tu ngũ căn để phát triển thành ngũ lực cũng cần phải quân bình. Chính trạng thái quân bình (tâm xả) đó mới có thể dẫn đến Đạo, Quả và Niết-bàn được.
Cách Tu Tập Để Nhận Định và Ngăn Ngừa Bệnh Tật:
Những ngày thời khí thay đổi hoặc làm việc quá sức, thân thể trở nên uể oải, mệt mỏi hoặc những lúc ăn phải những thực phẩm không phù hợp với cơ thể, chúng ta có thể phối hợp cách tu sau để điều hòa thân thể:
“…Ngồi trói ngay thân thể, mắt ngó xuống, cắn răng ngậm môi, hít hơi vô thật mạnh, dài xuống đến khỏi rún, phình bụng dưới ra, và khi tóp bụng dưới lại, thở hơi dài mạnh ra ngoài, đếm thầm một; kế đến hít dài mạnh vô, thở dài mạnh ra đếm thầm hai; người càng thở dài mạnh thêm lên và đếm mãi, theo con số nhứt định, mấy trăm, mấy ngàn mỗi ngày và càng ngày càng tăng con số ấy… Vì hơi thở vô mạnh, làm cho nở thông buồng phổi, quạt lửa trái tim xuống, trợ ấm bao tử, mau tiêu hóa vật thực và đem sức nóng giúp cho tinh thận phía sau, làm cho lửa trên dưới thông nhau, chạy khắp cùng mình nóng rực, hơi bốc ra mồ hôi đượm chảy, sanh máu tốt, trợ gan mạnh, giúp sức ngũ tạng làm cho ấm đặt nước tinh ba, sanh hơi khí mạnh, rút lửa từ trên đầu xuống, mắt sáng, tai thông, đầu nhẹ, trán mát, lưỡi ngọt, mũi sạch. Hơi trong mình bốc ra sẽ đuổi xua độc khí bên ngoài, ngừa bệnh chữa bệnh tạm mau chóng. Để rồi, sau mỗi lúc hơi thở sẽ bình thường và nhẹ nhẹ lần nhập định luôn, không còn đếm niệm, đó cũng là phép đổi lửa, quạt lửa tùy theo mỗi lúc”.
Tôi tin tưởng rằng, dù các Thiền Sư có triển khai các phương tiện, kỹ thuật để giúp hành giả an trụ được thân tâm theo lộ trình mà mình đã kinh qua hoặc như Kinh Đại Niệm Xứ trong Trường Bộ đã triển khai, cũng không khác gì những điều Tổ Sư Minh Đăng Quang đã trình bày bàng bạc trong bộ Chơn Lý mà những đoạn trên tôi trích dẫn cũng chỉ là phản ánh một phần nào.
Tôi xin kính tặng chư Tôn thiền đức Tăng Ni và các Phật tử bài thi kệ mà chúng tôi đã cảm tác về cách tu mà tôi đã trải nghiệm:
Ngồi thiền lưng thẳng, đầu không nghiêng
Hít sâu, thở nhẹ, khí đan điền
Cô tinh, thần mạnh thông kinh mạch
Trí tánh giao hòa dứt đảo điên.
Đi, đứng, nằm, ngồi trong tĩnh lặng
Thấy, nghe, ngửi, nếm… thảy an nhiên
Toan vun chánh pháp lòng thanh thản
Khất thực hóa duyên dứt não phiền.
Tôi cũng như nhiều vị Khất Sĩ cùng thời, hầu như đều không có duyên học rộng. Chỉ tin tưởng rằng hương giới hạnh của Phật Tăng xưa một phần nào đó còn đọng lại qua hình ảnh của các bậc Tổ, các bậc Thầy hiền. Pháp nhũ của Phật Tổ còn bàng bạc trong từng trang kinh sách. Đời sống của các Sư Khất Sĩ chơn chánh không tiền bạc, của riêng. Ngày ăn hai bữa sớm trưa lê hoắt qua ngày, cơm dưa rau muối mà tiêu lòng tục, quả thật là đời sống lý tưởng của người xuất gia giải thoát. Hạnh nguyện độ sanh thì canh cánh bên lòng, muốn vận dụng các phương tiện huyền xảo để độ sanh, để kéo chúng sanh ra khỏi lưới mê, mà bản thân cũng không xa rời cứu cánh là điều tôi hằng trăn trở. Làm thế nào để huân tu thiền định, để nối được hạnh nguyện của Tổ Thầy là điều mà có lẽ rằng ai cũng mong ước. Rất mong chư Tôn đức trong hệ phái và chư đại đức Tăng Ni trẻ nắm vững pháp học để rồi hạ thủ công phu nghiêm mật, làm cho Phật Pháp ngày một xương minh, bản thân dứt não phiền và chúng sanh cũng được hóa độ.
Nhân mùa xuân về, tôi kính chúc chư Tôn thiền đức Tăng Ni và quý Phật tử một mùa xuân đạo hạnh:
Nở rộ đóa hoa tâm,
Tỏa ngát hương giới đức,
Thong dong và tự tại,
Bất nhiễm giữa hồng trần.

http://www.daophatkhatsi.vn/giao-phap-khat-si/chon-ly/luan-giai/1202-tu-theo-s%E1%BB%91-t%E1%BB%A9c-quan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét