Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Kinh Đại Niệm Xứ



Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya

22. Kinh Ðại Niệm xứ
(Mahàsatipatthana sutta)

Tôi nghe như vậy.
1. Một thời, Thế Tôn ở xứ Kuru (Câu lâu), tại Kammàssadhamma (Kiềm ma sắt đàm) - đô thị của xứ Kuru. Rồi Thế Tôn gọi các vị Tỷ kheo: "Này các Tỷ kheo." Các Tỷ kheo trả lời Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn." Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Ðó là Bốn niệm xứ.
Thế nào là bốn? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.
(Quán thân)
2. Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán thân trên thân?
Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra dài"; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn"; Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập; "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Này các tỷ kheo, như người thợ quay hay học trò người thợ quay tuệ tri thiện xảo, khi quay dài, tuệ tri rằng: "Tôi quay dài"; hay khi quay ngắn, tuệ tri rằng: "Tôi quay ngắn." Cũng vậy, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo thở vô dài, tuệ tri: "Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài tuệ tri: "Tôi thở ra dài"; hay thở vô ngắn, tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra ngắn, tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn"; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập; "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Như vậy, vị ấy sống, quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.
3. Lại nữa, này các Tỷ keo, Tỷ kheo đi, tuệ tri: "Tôi đi"; hay đứng, tuệ tri: "Tôi đứng"; hay ngồi, tuệ tri: "Tôi ngồi"; hay nằm , tuệ tri: "Tôi nằm". Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân như thế ấy.
Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay vị ấy sống quán thân trên ngoại thân; hay vị ấy sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.
4. Lại nữa, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo, khi bước tới, bước lui, biết rõ việc mình đang làm. Khi ngó tới, ngó lui, biết rõ việc mình đang làm. Khi co tay khi duỗi tay biết rõ việc mình đang làm. Khi mang áo Sanghàti (Tăng-già-lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm. Khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm. Khi đi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm. Khi đi, đứng, ngồi, nằm, biết rõ việc mình đang làm.
Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.
5. Lại nữa này các Tỷ kheo, Tỷ kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: "Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu."
Này các Tỷ kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quan sát: "Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu đỏ, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi." Cũng vậy, này các Tỷ kheo, một Tỷ kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: "Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu."
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân.
6. Lại nữa này các Tỷ kheo, Tỷ kheo quán sát thân này về vị trí các giới và sự sắp đặt các giới: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại."
Này các Tỷ kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ tử của một người đồ tể giết một con bò, ngồi cắt chia từng thân phần tại ngã tư đường. Cũng vậy này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo quán sát thân nay về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại."
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm, và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ keo sống quán thân trên thân.
7. Lại nữa này các Tỷ kheo, Tỷ kheo, như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Tỷ kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy."
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.
8. Lại nữa này các Tỷ kheo, Tỷ kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn; hay bị các loài chó ăn; hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn. Tỷ kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy."
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thên trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.
9. Này các Tỷ kheo, lại nữa Tỷ kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa; với các xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; với các xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại, với các xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia, ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu,... Tỷ kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy".
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.
10. Lại nữa này các Tỷ kheo, Tỷ kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc... chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm... chỉ còn là xương thối trở thành bột. Tỷ kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy."
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.
(Quán thọ)
11. Này các Tỷ kheo, như thế nào Tỷ kheo sống quán thọ trên các thọ?
Này các Tỷ kheo, ở nơi đây Tỷ kheo khi cảm giác lạc thọ, biết rằng: "Tôi cảm giác lạc thọ"; khi cảm giác khổ thọ, biết rằng: "Tôi cảm giác khổ thọ"; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, biết rằng: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ". Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất biết rằng: "Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất". Hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, biết rằng: "Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất". Hay khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, biết rằng: "Tôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất". Hay khi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất, biết rằng: "Tôi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất". Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, biết rằng: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất". Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất, biết rằng: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất".
Như vậy vị ấy sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên cả các nội thọ, ngoại thọ. Hay sống quán tánh sanh khởi trên các thọ; hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ. "Có thọ đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thọ trên các thọ.
(Quán tâm)
12. Này các Tỷ kheo, như thế nào Tỷ kheo sống quán tâm trên tâm?
Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo: "Với tâm có tham, biết rằng tâm có tham"; hay "Với tâm không tham, biết rằng tâm không tham"; hay "Với tâm có sân, biết rằng tâm có sân"; hay "Với tâm không sân, biết rằng tâm không sân"; hay "Với tâm có si, biết rằng tâm có si"; hay "Với tâm không si, biết rằng tâm không si"; hay "Với tâm thâu nhiếp, biết rằng tâm được thâu nhiếp"; hay "Với tâm tán loạn, biết rằng tâm bị tán loạn"; hay "Với tâm quảng đại, biết rằng tâm được quảng đại"; hay "Với tâm không quảng đại, biết rằng tâm không được quảng đại"; hay "Với tâm hữu hạn, biết rằng tâm hữu hạn"; hay "Với tâm vô thượng, biết rằng tâm vô thượng"; hay "Với tâm có định, biết rằng tâm có định"; hay "Với tâm không định, biết rằng tâm không định"; hay "Với tâm giải thoát, biết rằng tâm có giải thoát"; hay "Với tâm không giải thoát, biết rằng tâm không giải thoát".
Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. "Có tâm đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy vị Tỷ kheo sống quán tâm trên tâm.
(Quán pháp)
13. Này các Tỷ kheo, thế nào là vị Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp?
Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái. Và này các Tỷ kheo, thế nào là vị Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái?
Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo, nội tâm có tham dục, tuệ tri: "Nội tâm tôi có tham dục"; hay nội tâm không có tham dục, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có tham dục". Và với tham dục chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với tham dục đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với tham dục đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Hay nội tâm có sân hận, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có sân hận"; hay nội tâm không có sân hận, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có sân hận." Và với sân hận chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với sân hận đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với sân hận đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Hay nội tâm có hôn trầm thụy miên, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có hôn trầm thụy miên"; hay nội tâm không có hôn trầm thụy miên, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có hôn trầm thụy miên". Và với hôn trầm thụy miên chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với hôn trầm thụy miên đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với hôn trầm thụy miên đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Hay nội tâm có trạo hối, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có trạo hối"; hay nội tâm không có trạo hối, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có trạo hối". Và với trạo hối chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với trạo hối đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với trạo hối đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Hay nội tâm có nghi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có nghi"; hay nội tâm không có nghi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có nghi." Và với nghi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với nghi đã sanh, nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy, và với nghi đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên cả các nội pháp, ngoại pháp. Hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp, đối với năm triền cái.
14. Lại nữa, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Năm Thủ uẩn. Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Năm Thủ uẩn?
Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo suy tư: "Ðây là sắc, đây là sắc sanh, đây là sắc diệt. Ðây là thọ, đây là thọ sanh, đây là thọ diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng sanh, đây là tưởng diệt. Ðây là hành, đây là hành sanh, đây là hành diệt. Ðây là thức, đây là thức sanh, đây là thức diệt". Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp; hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Năm Thủ uẩn.
15. Lại nữa này các Tỷ kheo, Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Sáu Nội Ngoại xứ.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Sáu Nội Ngoại xứ?
Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy... và tuệ tri tai và tuệ tri các tiếng... và tuệ tri mũi và tuệ tri các hương... và tuệ tri lưỡi và tuệ tri các vị... và tuệ tri thân và tuệ tri các xúc... và tuệ tri ý và tuệ tri các pháp; do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên cả các nội pháp, ngoại pháp; hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp, đối với Sáu Nội Ngoại xứ.
16. Lại nữa này các Tỷ kheo, Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo, nội tâm có Niệm Giác chi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có Niệm Giác chi", hay nội tâm không có Niệm Giác chi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có Niệm Giác chi"; và với Niệm Giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với Niệm Giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy.
Hay nội tâm có Trạch pháp Giác chi...
Hay nội tâm có Tinh tấn Giác chi...
Hay nội tâm có Hỷ Giác chi...
Hay nội tâm có Khinh an Giác chi...
Hay nội tâm có Ðịnh Giác chi...
Hay nội tâm có Xả Giác chi; tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có Xả Giác chi"; hay nội tâm không có Xả Giác chi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có Xả Giác chi." Và với Xả Giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với Xả Giác chi đã sanh nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy.
Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên cả các nội pháp, ngoại pháp. Hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây"; vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi.
17. Lại nữa này các Tỷ kheo, vị ấy sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Sự thật.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Sự thật? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo như thật tuệ tri: "Ðây là khổ"; như thật tuệ tri: "Ðây là khổ tập"; như thật tuệ tri: "Ðây là khổ diệt"; như thật tuệ tri: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt".
18. Và này các Tỷ kheo, thế nào Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu, bi. khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ.
Này các Tỷ kheo thế nào là sanh? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của họ, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là sanh.
Này các Tỷ kheo, thế nào là già? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới hạn, sự niên lão, sự hủy hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này các Tỷ kheo, như vậy là già.
Này các Tỷ kheo, thế nào là chết? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là chết.
Này các Tỷ kheo, thế nào gọi là sầu? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự sầu, sự sầu lo, sự sầu muộn, nội sầu, mọi khổ sầu của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là sầu.
Này các Tỷ kheo, thế nào là bi? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác ; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là bi.
Này các Tỷ kheo, thế nào là khổ? Này các Tỷ kheo, sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không sảng khoái do thân cảm thọ. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là khổ.
Này các Tỷ kheo, thế nào là ưu? Này các Tỷ kheo, sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không sảng khoái do tâm cảm thọ. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là ưu.
Này các Tỷ kheo, thế nào là não? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự áo não, sự bi não, sự thất vọng, sự tuyệt vọng của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là não.
Này các Tỷ kheo, thế nào là cầu bất đắc khổ? Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị sanh chi phối, khởi sự mong cầu: "Mong rằng ta khỏi bị sanh chi phối, mong rằng ta khỏi phải đi thác sanh". Lời cầu mong ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ! Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị già chi phối... chúng sanh bị bệnh chi phối... chúng sanh bị chết chi phối.. chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối, khởi sự mong cầu: "Mong rằng ta khỏi bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối! Mong rằng ta khỏi đương chịu sầu, bi, khổ, ưu, não". Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, như thế nào là tóm lại, Năm Thủ uẩn là khổ? Như Sắc thủ uẩn, Thọ thủ uẩn, Tưởng thủ uẩn, Hành thủ uẩn, Thức thủ uẩn. Này các Tỷ kheo, như vậy tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ.
19. Này các Tỷ kheo, thế nào là Khổ tập Thánh đế? Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như dục ái, hữu ái, vô hữu ái.
Này các Tỷ kheo, sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đâu, khi an trú thì an trú ở đâu? Ở đời, sắc gì thân ái, sắc gì khả ái? Ở đời con mắt là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy. Ở đời cái tai... ở đời mũi... ở đời lưỡi... ở đời thân... ở đời ý là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời các sắc... ở đời các tiếng... ở đời các hương... ở đời các vị... ở đời các cảm xúc... ở đời các pháp là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời nhãn thức... ở đời nhĩ thức... ở đời tỷ thức... ở đời thiệt thức... ở đời thân thức... ở đời ý thức là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời nhãn xúc... ở đời nhĩ xúc... ở đời tỷ xúc... ở đời thiệt xúc... ở đời thân xúc... ở đời ý xúc là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời nhãn xúc sở sanh thọ... ở đời nhĩ xúc sở sanh thọ... ở đời tỷ xúc sở sanh thọ... ở đời thiệt xúc sở thanh thọ... ở đời thân xúc sở sanh thọ... ở đời ý xúc sở sanh thọ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời sắc tưởng... ở đời thanh tưởng... ở đời hương tưởng... ở đời vị tưởng... ở đời xúc tưởng... ở đời pháp tưởng là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời sắc tư... ở đời thanh tư... ở đời hương tư... ở đời vị tư... ở đời xúc tư... ở đời pháp tư là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời sắc ái... ở đời thanh ái... ở đời hương ái... ở đời vị ái... ở đời xúc ái... ở đời pháp ái là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đây.
Ở đời sắc tầm ... ở đời thanh tầm... ở đời hương tầm... ở đời vị tầm... ở đời xúc tầm... ở đời pháp tầm là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời sắc tứ... ở đời thanh tứ... ở đời hương tứ... ở đời vị tứ... ở đời xúc tứ... ở đời pháp tứ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Khổ tập Thánh đế.
20. Này các Tỷ kheo, và thế nào là Khổ diệt Thánh đế? Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy).
Này các Tỷ kheo, sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đâu, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đâu? Ở đời các sắc gì thân, các sắc gì ái, sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc gì thân ái, sắc gì khả ái? Ở đời con mắt là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy. Ở đời lỗ tai... ở đời mũi... ở đời lưỡi... ở đời thân... ở đời ý là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời các sắc... ở đời các tiếng... ở đời các mùi hương... ở đời các vị.. ở đời các xúc... ở đời các pháp là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời nhãn thức... ở đời nhĩ thức... ở đời tỷ thức... ở đời thiệt thức... ở đời ý thức là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời nhãn xúc... ở đời nhĩ xúc... ở đời tỷ xúc... ở đời thiệt xúc... ở đời thân xúc... ở đời ý xúc là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời nhãn xúc sở sanh thọ... ở đời nhĩ xúc sở sanh thọ... ở đời tỷ xúc sở sanh thọ... ở đời thiệt xúc sở sanh thọ... ở đời thân xúc sở sanh thọ.. ở đời ý xúc sở sanh thọ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc tưởng... ở đời thanh tưởng... ở đời hương tưởng... ở đời vị tưởng... ở đời xúc tưởng... ở đời pháp tưởng là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc tư... ở đời thanh tư... ở đời hương tư... ở đời vị tư... ở đời xúc tư... ở đời pháp tư là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc ái... ở đời thanh ái... ở đời hương ái... ở đời vị ái... ở đời xúc ái... ở đời pháp ái là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc tầm... ở đời thanh tầm... ở đời hương tầm... ở đời vị tầm... ở đời xúc tầm... ở đời pháp tầm là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc tứ... ở đời thanh tứ... ở đời hương tứ... ở đời vị tứ... ở đời xúc tứ... ở đời pháp tứ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Khổ diệt Thánh đế.
21. Này các Tỷ kheo, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế. Ðó là bát chi Thánh đạo, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tri kiến? Này các Tỷ kheo, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tri kiến.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này các tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tư duy.
Này các Tỷ kheo thế nào là Chánh ngữ? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh ngữ.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh nghiệp? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh nghiệp.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh mạng? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh mạng.
Này các Tỷ kheo, và thế nào là Chánh tinh tấn? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tinh tấn.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh niệm? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; trên các cảm thọ... trên các tâm... quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh niệm.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh định? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định.
Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Khổ diệt đạo thánh đế.
Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh đế.
22. Này các Tỷ kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm... trong năm năm... trong bốn năm... trong ba năm... trong hai năm... trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong sáu tháng... trong năm tháng... trong bốn tháng... trong ba tháng... trong hai tháng... trong một tháng... trong nửa tháng... vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh lý, chứng ngộ Niết Bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ.
Thế Tôn thuyết pháp đã xong. Các Tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

http://www.youtube.com/watch?v=A8LSyJ_PClY



Vị Đạo Sư Tâm Linh



Vị Đạo Sư Tâm Linh (Thuần Hoá Tâm Hồn)
Tiến sĩ Thích Minh Thành dịch
Thiết thực trong mối quan hệ 
 với vị đạo sư tâm linh.

Một số người băn khoăn vì không biết có cần thiết phải có một vị đạo sư tâm linh hay không? Chúng ta có thể tự học đạo được hay không? Để học được những kỹ năng như đọc sách, nghề mộc, giải phẫu hay ngay cả lái một chiếc xe chúng ta cần phải có người dạy. Tự học là một việc khó khăn đôi khi rất nguy hiểm. Thử hình dung ra cảnh chúng ta cố gắng tự học lái một chiếc máy bay! Rõ ràng là có nhiều hiểm họa không lường được. Để học những nghề nghiệp thông thường chúng ta còn phải có thầy dạy đàng hoàng mới nên thì chắc chắn rằng để học đạo chúng ta phải cần sự hướng dẫn của những bậc đạo sư có phẩm hạnh. Chúng ta không thể xem nhẹ và bất cẩn trong những vấn đề tâm linh, những vấn đề cao sâu có ảnh hưởng lâu dài trong đời này và trong những đời sau.
Một vị đạo sư đang sống có thể làm được những điều mà một quyển sách không thể làm như trả lời câu hỏi của chúng ta; nêu gương tinh tấn trong việc hành trì theo giáo pháp bằng chính đời sống cụ thể hằng ngày; khích lệ và tạo hưng phấn cho chúng ta trên con đường đạo; và điều chỉnh những lệch lạc trong hành vi và trong quan niệm của chúng ta. Sách vở có thể làm phong phú thêm và mở rộng ra những điều gì mà chúng ta đã học từ nơi vị đạo sư nhưng những mối quan hệ tâm linh giữa chúng ta với những bậc hiền trí trên con đường đạo thì sách vở không thể thay thế được.
Trong tiếng Sanskrit, danh từ để chỉ cho vị thầy, vị đạo sư hay y chỉ sư về phương diện tâm linh là "guru". Chữ này nghĩa là một người có chiều sâu, có những phẩm tính tốt đẹp. Trong tiếng Tây Tạng có chữ "lama" chỉ cho một thắng giả hay một người mà không ai có thể vượt qua.
Không có một cuộc thi mà người nào thi đậu thì trở thành đạo sư. Thật ra, khi một người hay một số người nhờ một vị thầy nào đó dạy bảo và hướng dẫn thì vị thầy đó trở thành vị guru của những người cầu học. Người ta thường gọi vị đó là thầy vì vị đó có ít hay nhiều học trò. Tuy nhiên, vị đó có trở thành thầy của bạn hay không thì tùy vào ý muốn của bạn. Tương tự như vậy, có một người nào đó không ai biết là thầy hay đạo sư nhưng nếu bạn chọn vị đó là thầy thì vị đó trở thành vị đạo sư tâm linh của bạn.
Khi chúng ta mới tìm hiểu Phật giáo, có lẽ chúng ta không có một vị đạo sư tâm linh riêng biệt nào. Như vậy là tốt. Chúng ta có thể học hỏi từ những vị đạo sư khác nhau và theo đó mà thực hành. Những người thích theo Phật giáo một cách tổng quát thì có lẽ không cần phải chọn lựa một vị đạo sư. Tuy nhiên sau một thời gian tinh cần tu tập thì người ta sẽ cảm thấy cần xây dựng nên mối quan hệ thầy trò với một vị đạo sư tâm linh. Nhờ vậy, người ta có thể nhận được những lời dạy bảo tâm huyết hơn.

Chọn lựa đạo sư
Vì vị đạo sư mà chúng ta chọn sẽ có tác động đối với chúng ta nên điều quan trọng là chúng ta hãy lựa chọn một cách chín chắn. Chúng ta không nên có mối quan hệ quá thân thiết ngay với thầy. Trước hết, chúng ta quan sát những phẩm chất tốt và những yếu kém của một vị thầy nào đó để xem bản thân của chúng ta có tương tự như vậy hay không và xem chúng ta có thể tạo nên mối quan hệ thân thiết cật ruột với vị đó hay không. Hãy xem xét chín chắn trước khi chấp nhận người nào làm vị thầy tâm linh của chúng ta.
Ngày nay có tình trạng nhiều vị xưng là đạo sư quá, mỗi vị đều có thể dạy lý thuyết này hay lý thuyết khác và đều có bề ngoài phô diễn tốt với mục đích được nhiều người theo. Nhưng nếu chúng ta là những người thành tâm cầu đạo, chúng ta sẽ cảm thấy không có lý thú gì trong sự phô diễn mang tính hình thức ấy. Điều mà chúng ta tìm cầu là thực chất chớ không phải phô diễn.
Có thể chúng ta phải tốn thời gian trong việc tìm kiếm và xác định vị đạo sư của mình. Khởi sự, chúng ta có thể tham gia những buổi thuyết giảng và học hỏi nơi những vị giảng sư nhưng khoan xem vị nào là đạo sư tâm linh của mình. Việc này giúp cho chúng ta có thể xem xét những phẩm chất của những vị ấy và cũng xem xét khả năng của chúng ta trong việc thiết lập mối quan hệ. Chúng ta không nên vội vàng trong việc quyết định nhận một vị thầy. Nhà hiền trí vĩ đại người Ấn Độ Atisha đã xem xét và cân nhắc suốt 12 năm trước khi nhận vị đạo sư nổi tiếng Serlingpa là thầy.
Không có lợi thế gì khi chúng ta chọn một vị đạo sư tâm linh chỉ vì vị này có nhiều chức tước, ngồi trên những ghế cao, mặc những bộ y trang trọng và đội những cái mũ uy nghiêm gây ấn tượng, vì những thứ đó đều có thể mua được. Chúng ta không nên dựa vào những hình thức bên ngoài mà nên tìm kiếm những phẩm tính tốt đẹp. Chúng ta cũng không nên chọn một người nào đó làm thầy, chỉ vì người ấy đã là thầy của bạn chúng ta. Chúng ta phải tự mình chọn lấy, dựa theo những phẩm chất và những tiếp xúc trực tiếp của chúng ta.
Trong Đại Thừa Lăng-già kinh, ngài Di lặc đã phác thảo ra 10 phẩm tính của một vị đạo sư tâm linh tuyệt vời. Đó là:
1. Có đạo hạnh thanh khiết. Vị đạo sư là gương sáng để chúng ta nương theo tu tập. Vì chúng ta cần phải chuyển hóa những hành vi, lời nói và tâm ý sai quấy nên chúng ta phải khôn ngoan chọn vị thầy nào đã có tự thân chuyển hóa rồi. Vị thầy này sẽ dạy cho chúng ta cách để cải thiện bản thân và sẽ làm gương tốt cho chúng ta theo.
2. Có kinh nghiệm trong việc thiền định.
3. Có hiểu biết thâm sâu về giáo nghĩa liên quan đến trí tuệ. Ba phẩm chất đầu tiên này cho thấy rằng đây là một vị đã khéo tu tập Ba Pháp Môn Tăng Thượng dẫn đến giải thoát - giới, định và trí tuệ.
4. Có kiến thức uyên bác và nhiều kinh nghiệm tu tập hơn chúng ta.
5. Có lòng nhiệt tâm bền bỉ trong việc dạy bảo và hướng dẫn đệ tử. Nếu chúng ta chọn một vị thầy không ưa việc dạy bảo hay lười nhác trong việc hướng dẫn thì chúng ta sẽ không học được bao nhiêu.
6. Là vị đạo sư đầy đủ tư cách có kiến thức uyên thâm về Thánh điển và chỉ dạy chúng ta những điều phù hợp với nội dung tư tưởng trong Thánh điển. Những vị nào tự sáng tác ra giáo nghĩa riêng, đi lệch hay đi quá xa những lời Phật dạy thì không thể nào chỉ cho chúng ta con đường để chứng ngộ được.
7. Có nền tảng tư tưởng chín chắn hay có thiền chứng về tánh không.
8. Có kỹ năng diễn đạt giáo pháp một cách rõ ràng và dễ hiểu.
9. Có động cơ là lòng từ ái và lòng bi mẫn vô lượng. Đây là điểm vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể đặt niềm tin vào một người lấy việc dạy đạo để được kính trọng và lợi dưỡng. Thật là nguy hiểm khi chúng ta bị người như vậy làm cho lầm đường lạc lối; chúng ta sẽ hoang phí thời gian và rất dễ bị vương vào những hoạt động không trong sáng. Vì vậy, thật là quan trọng trong việc chọn người thầy có chí nguyện chân thật và thanh tịnh, một người thầy muốn làm lợi ích cho học trò và dẫn dắt học trò trên con đường giải thoát giác ngộ.
10. Có tính kiên nhẫn và sẵn lòng chỉ dẫn cho những người cần cầu học đạo dù họ thuộc bất cứ trình độ nào. Vì chưa phải là người hoàn hảo và còn những tâm thái nhiễu loạn như tham chấp và sân giận nên chúng ta vẫn còn phạm phải sai lầm. Chúng ta cần những vị thầy không bao giờ có ý từ bỏ học trò, những vị đạo sư có tính nhẫn nại và khoan dung cho học trò. Hơn thế nữa, chúng ta cần những vị đạo sư không thối chí khi học trò không hiểu được điều thầy muốn dạy.
Không dễ dàng gì có thể tìm được những vị thầy có tất cả những đức tính trên. Trong trường hợp này thì những đức tính quan trọng nhất mà người thầy cần nên có là:
1. Có nhiều phẩm tính tốt đẹp hơn là khuyết điểm.
2. Xem trọng việc tu tập đạo hạnh để đạt được hạnh phúc trong tương lai hơn là thụ hưởng những cuộc vui trong hiện tại.
3. Có tấm lòng quan tâm đến người khác hơn là bản thân của mình.
Lý thú là chúng ta không phải tìm một người thầy có thiên nhãn thông. Tại sao vậy? Tại vì có một số người có thiên nhãn thông nhưng lại không hiểu biết về con đường đạo đưa đến giải thoát giác ngộ. Những người này có thiên nhãn thông vì quả phước từ đời trước, chớ không phải do họ tu tập, và vì vậy có thể họ sẽ không sử dụng thiên nhãn thông với mục đích là xả thân làm lợi lạc cho tha nhân. Vì vậy, khi tìm kiếm vị thầy để chỉ dẫn cho chúng ta trên con đường giải thoát giác ngộ, chúng ta nên chọn người có những phẩm tính mà ngài Maitreya đề cập ở trên.
Để biết được những phẩm chất tốt đẹp của thầy, chúng ta cần xem xét hành xử của thầy, nhận thức về Phật pháp của thầy và cách thầy chỉ dạy học trò. Không phải là sáng suốt khi hỏi một vị thầy dạy giáo lý: "Thầy đã chứng ngộ chưa?" Vì ngay cả khi đã chứng ngộ thầy cũng sẽ không cho chúng ta biết. Đức Phật cấm đệ tử tuyên bố cho công chúng biết những gì mà mình đã chứng ngộ được. Đức Phật muốn đệ tử của Ngài khiêm tốn và chân thành. Người phàm tục ngược lại muốn phô trương những thành tích của bản thân. Con người tâm linh không nên giống như vậy: mục đích của con người tâm linh là chế ngự tự ngã chớ không phải là khuếch đại nó.
Khi đã quyết định chọn một người nào là thầy rồi thì chúng ta có thể trực tiếp hỏi vị ấy có tiếp nhận chúng ta làm học trò không. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải như vậy; một số đạo sư có nhiều học trò đến nỗi không còn điều kiện để tiếp kiến riêng. Trong trường hợp này chúng ta có thể tự khẳng quyết, phát thệ nguyện tôn vị ấy làm thầy rồi tìm cách nghe theo và hành trì theo những lời vị ấy thuyết giảng, dạy bảo. Như thế vị ấy đã trở thành thầy của chúng ta. Trong trường hợp khác nếu chúng ta lãnh thọ lễ quy y, truyền giới từ vị nào thì vị ấy đương nhiên là thầy của chúng ta.
Chúng ta có thể có rất nhiều thầy, nhưng chỉ có một vị là đạo sư tâm linh quan trọng nhất. Đó chính là vị mà chúng ta kính tin nhất và có thể giãi bày tất cả những gút mắc nghiêm trọng trong tâm hồn. Đó chính là bổn sư của chúng ta. Bổn sư có thể là vị đầu tiên khai tâm cho chúng ta trên con đường đạo, đã đưa chúng ta vào con đường thăng tiến tâm linh. Bổn sư cũng có khi là vị mà chúng ta cảm thấy thân thiết nhất.

Nghe theo lời dạy của thầy

nhưng không mù quáng
Sau khi chọn được thầy rồi chúng ta nên tận tâm nghe theo những lời thuyết giảng của vị thầy đó về Chánh pháp để tu tiến trên con đường đạo.
Một số người rất là hời hợt, chóng vánh trong mối quan hệ với thầy, hôm nay là thầy này, ngày mai không còn là thầy; hôm nay là thầy, ngày mai đã chạy sang thầy khác cho đến khi họ tìm được một vị thầy nói những lời vừa ý họ, những lời mà con người phàm phu của họ muốn nghe. Những người học trò như thế thì chẳng tiến bộ được bao nhiêu cả vì họ thiếu lòng tôn trọng và tâm chí thành.
Chúng ta nên quan tâm đến những nhu cầu trong đời sống của thầy để phục vụ và cung cấp cho thầy. Khi chúng ta nhận ra tấm lòng của thầy trong việc định hướng cho tâm thức chúng ta trên con đường đi đến hạnh phúc thì chúng ta sẽ cảm thấy sung sướng khi được giúp thầy. Vì thầy của chúng ta hành đạo để đem lại lợi lạc cho mọi người và để hoằng dương Phật pháp nên những đóng góp của chúng ta cho thầy sẽ rất là hữu ích.
Thật ra, sự cúng dường thù thắng nhất của chúng ta cho thầy là công phu tu tập theo Chánh pháp. Nếu chúng ta có tài của và vật chất, năng lực và thời gian thì chúng ta cũng có thể cúng dường. Tuy nhiên chúng ta không nên xao lãng việc tu tập vì việc tu tập mới chính là mối quan tâm hàng đầu của vị thầy tâm linh đúng nghĩa. Khi chúng ta nghe theo những lời thầy dạy và gìn giữ những giới điều mà chúng ta đã thọ lãnh thì đó chính là điều mà thầy của chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhất so với tất cả những thứ khác.
Trong trường hợp chúng ta nhận thấy thầy có những biểu hiện sai lầm rồi chúng ta trở nên giận dữ và chỉ trích gay gắt; làm như vậy không có ích lợi gì cả. Chúng ta thường chỉ trích một hành động nào của người khác vì chúng ta đã gán cho hành động đó một động cơ xấu mà nếu chúng ta là người làm hành động đó thì chúng ta sẽ làm với động cơ xấu như vậy. Tuy nhiên, động cơ của thầy có thể khác tuy là hành động tương tự. Thầy có thể làm hành động đó với những lý do hoàn toàn khác với những gì mà chúng ta đã giả định ra. Cũng có thể thầy làm hành động đó để cho chúng ta thấy rõ nếu chúng ta làm hành động đó thì người khác sẽ thấy con người của chúng ta ra sao.
Tìm thấy những lỗi quấy của từng người hay của mọi người là một việc dễ làm nhưng điều ấy chẳng có lợi lạc gì cho chúng ta cả; nên xác định rằng chúng ta là những người chơn tu đang nỗ lực tu dưỡng tánh khoan dung và tâm từ ái. Nếu chúng ta chỉ trích gay gắt và từ bỏ thầy thì có nghĩa là chúng ta đã khóa chặt cánh cửa tâm thức, không thể tiếp nhận những lợi lạc từ những phẩm tính tốt đẹp của thầy. Đây quả là một thiệt thòi lớn cho chúng ta.
Tuy nhiên, nếu thầy có những hành vi dường như là đi ngược lại lời dạy của Đức Phật thì chúng ta có thể cầu thỉnh thầy giải thích cho những hành vi đó. Hoặc chúng ta cũng có thể giữ một khoảng cách và không xem những hành vi đó là gương tốt để noi theo.
Chúng ta xây dựng nên mối quan hệ với thầy ngõ hầu thăng tiến trí tuệ và trách nhiệm tự thân. Không phải là sáng suốt khi nghe theo lời thầy một cách mù quáng chỉ vì "người đó là thầy của tôi vì vậy tất cả những gì người đó dạy là đều đúng cả". Nếu thầy yêu cầu chúng ta làm một điều gì mà chúng ta không thể làm được hay điều đó chúng ta cảm thấy là không đúng thì nên lễ phép thưa thật với thầy rằng chúng ta không thể làm điều đó.

Làm người thành thật
Thầy của chúng ta cũng là người đồng hành tốt nhất của chúng ta trên cuộc đời và chúng ta nên nói thật và học đạo chăm chỉ nơi thầy. Một số đệ tử có hai mặt: trước mặt thầy thì tu tập thật tốt, nhưng những lúc khác thì họ tán gẫu, cáu kỉnh và hành xử tệ lậu với người khác. Như vậy thì chẳng lợi lạc gì cả.
Chúng ta cũng không nên muốn được thầy ưu ái bằng những lời nói ngọt ngào nhưng không thành thật. Vị thầy tâm linh muốn cho mọi người đều được hoan hỷ, và vì vậy nếu chúng ta lấn át hay cư xử tệ bạc với người khác thì chúng ta đã làm ngược lại những lời thầy dạy. Nếu chúng ta xem trọng thầy của mình và khinh thị những người khác có nghĩa là chúng ta đã không hiểu chân nghĩa của đạo Pháp. Để đạt được ý nguyện thăng tiến trên con đường đạo chúng ta phải hành xử với thầy và với mọi người với tâm thành kính.
Bây giờ chúng ta hãy chiêm nghiệm sâu xa về ý nghĩa của tâm thành kính. Một số người nhầm lẫn giữa tâm thành kính với tâm trạng sợ sệt, vì vậy mà khi ở gần thầy họ cảm thấy vô cùng xấu hổ và e sợ rằng thầy sẽ biết và sẽ thấy họ làm điều không đúng. Không cần phải có tâm trạng như vậy. Đó chính là biểu hiện của tâm trạng quá cưng yêu 'cái ta' sợ rằng người khác sẽ thấy ta kém khuyết và ngu ngơ.
Mặt khác, chúng ta không nên đối xử với thầy như những người đồng hành tình cờ nào đó trên đường đời. Phải có một mức độ quân bình. Dù ở bên cạnh thầy hay khi sống xa thầy chúng ta nên cố gắng có chí hướng và có hành động tốt. Đồng thời chúng ta cũng không nên ngần ngại trình bày những điểm sai lầm và yếu kém của chúng ta với thầy. Chúng ta hãy thành thật với thầy và xin thầy ban cho những lời khuyên ngõ hầu hoàn thiện bản thân.

Thương mến không phải là

chấp thủ đối với thầy
Một số người lẫn lộn giữa tâm thương kính thầy và tâm chấp thủ đối với thầy. Việc lầm lẫn này có khi gây nên tâm trạng vô cùng đau khổ và thất vọng. Cụ thể là nếu thầy không quan tâm chúng ta như điều mà chúng ta mong muốn thì chúng ta sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi. Tâm chấp thủ đối với thầy sẽ khiến cho chúng ta tìm sự an ổn bằng cách dựa vào tình cảm của thầy, dựa vào những lời khen và mối quan tâm mà thầy dành cho chúng ta. Nhưng nếu chúng ta nhận chân được giá trị đích thực của người thầy thì chúng ta sẽ rất trọng ân thầy.
Tâm chấp thủ có tính chất vị ngã, còn lòng thương kính thầy lại có tính chất khát ngưỡng tâm linh chân thành. Dĩ nhiên là chúng ta nhớ mong thầy khi phải xa thầy trong một thời gian dài nhưng chúng ta có thể tự vấn lòng mình: chúng ta nhớ thầy là chúng ta muốn có được những lời giáo huấn và chỉ dẫn về Chánh pháp hay chúng ta nhớ thầy chỉ đơn thuần vì sự quan tâm thương mến của thầy.
Mục đích của việc tìm cầu một vị thầy không phải là để làm thỏa mãn tự ngã của chúng ta mà là để diệt trừ vô minh và vị kỷ qua việc tu tập theo Chánh pháp. Khi thầy chỉ ra được những lỗi lầm mà chúng ta đã mắc phải thì chúng ta nên vui mừng. Bởi vì có quan tâm đến chúng ta đúng mức thầy mới có thể làm được như vậy. Thầy đã tin rằng chúng ta sẽ đón nhận lời khuyên bảo chớ không cảm thấy bị xúc phạm. Lần nọ, tôi thấy một vị thầy rầy học trò ngay trong một hội chúng đông đảo. Tôi nghĩ rằng: "Chắc là quan hệ thầy trò rất là thân thiết và người thầy muốn rằng học trò của mình đoạn trừ kiêu khí tự ngã nên đã không ngại trong việc chỉ trích học trò giữa chốn đông người." Quả thật sau đó tôi khám phá ra rằng người học trò ấy thật sự là một hành giả chân chính.
Theo dòng thời gian mối quan hệ giữa chúng ta và thầy sẽ dần dần phát triển tốt đẹp. Mối quan hệ này có thể trở nên rất là quý báu vì thầy cho ta những lời dạy bảo và chỉ dẫn chân tình đầy từ bi và trí tuệ. Nhờ đó chúng ta sẽ thăng hoa được những phẩm tính tốt đẹp và có thể tẩy sạch những cấu uế của bản thân. Mối thân tình giữa chúng ta với vị đạo sư tâm linh, tức là vị thầy thật sự quan tâm đến phước lạc và thăng tiến tâm linh của chúng ta khác xa với những mối quan hệ giữa chúng ta với mọi người. Thầy của chúng ta sẽ tiếp tục giúp đỡ chúng ta, dù chúng ta có thăng trầm vinh nhục gì gì đi nữa. Điều này không có ý cho phép chúng ta hành động cẩu thả bất kể hậu quả. Điều muốn nói ở đây là chúng ta không cần phải có tâm trạng lo âu rằng thầy sẽ cắt đứt mối quan hệ với chúng ta nếu chúng ta phạm phải những sai lầm. Vị thầy tâm linh thật sự sẽ có tánh khoan dung và lòng từ ái và vì vậy chúng ta có thể tin tưởng hoàn toàn.
Khi chúng ta càng hiểu biết sâu xa về con đường đưa đến giác ngộ thì mối quan hệ thầy trò cũng càng thâm trọng vì tâm hồn của chúng ta đã có nhiều điểm tương đồng với tâm hồn của thầy. Ý chí tìm cầu giải thoát của chúng ta càng trở nên khẳng quyết và tâm xả thân bố thí cũng trở nên dũng mãnh hơn thì chúng ta cảm thấy càng gần gũi với thầy vì cả hai cùng chí hướng, cùng mục đích. Hơn nữa, chúng ta tu luyện được trí tuệ về không tánh thì chúng ta đoạn trừ được cảm giác cách biệt ta người nói chung; cảm giác cách biệt ta người có ra là do chúng ta mê lầm về tính hữu thể của hiện tồn. Khi chúng ta đạt được đạo quả giác ngộ thì sự chứng đạt của chúng ta không khác với sự chứng đạt của thầy.
Sưu tầm

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Ký sự khóa tu Thiền tại Tịnh xá Ngọc Đà- Đà Lạt

Sài Gòn, Tối thứ Sáu, 07-12-2012
21g00: Mọi người tập trung tại Cty xe khách Phương Trang, Đề Thám – Q. 1. Mình không ngờ đông vui đến như vậy. Tăng Ni, Phật tử với hành lý đứng lố nhố chiếm hết điểm giao dịch của Phương Trang luôn. Vào trong chào Sư rồi ra ngoài đợi xe.
22g00: Xe bắt đầu khởi hành. Xe khóa II chạy trước, 2 xe còn lại chạy sau. Được một lúc, mình thấy coi bộ muốn nôn rồi, thầm niệm Phật để vượt qua.
24g00: Xe dừng nghỉ trạm thứ nhất. Vừa vào phòng vệ sinh, mình nôn một hơi, khỏe cả người. Xe khóa I cũng đang ở trạm. Tất cả cùng chờ xe 3 đến rồi mới lên đường (Sư đang trên xe này). Gần nửa tiếng sau, xe đến. Đi Lâm Đồng theo quốc lộ 20 (qua Định Quán - Bảo Lộc - Di Linh - Đức Trọng - Đà Lạt).
Ngày 08-12-2012
2g00: Hai xe khóa I, II cùng dừng trạm thứ 2, lại cũng phải chờ xe 3 hơn 1 tiếng.
4g00: Đoàn tiếp tục cuộc hành trình lên vùng Tây Nguyên. Không ngủ được, mình nhắm mắt cho đỡ mệt kẻo ngày sau không chịu nổi. Nhờ có dán thuốc nên bây giờ khỏe hơn rồi.
6g00: Trời sáng, nhìn ra bên ngoài, hình như sắp vào khu vực Lâm Đồng. Khí trời mát lạnh, sương mờ mờ giăng. Khoảng 10 phút sau thì “Ồ, núi kìa!”. Lần đầu tiên đi lên vùng cao, thấy cái gì cũng lạ lạ, hay hay. Xa xa, những dãy núi liên tiếp nhau, chạy dài, chập chùng trong làn mây, thoáng ẩn thoáng hiện, nhìn hoài không biết chán. Đúng là:
Núi cao rồi lại núi cao chập chùng…
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
                                         (“Đi đường” của Hồ Chí Minh)
Mặt trời lên, chiếu những tia nắng đầu tiên, xua tan từng làn sương mỏng. Cảnh đẹp như tranh vẽ, tiếc là xe không dừng để mình chụp hình. Thôi chụp vào não vậy! Khí hậu vùng núi hay thật, lúc thì lạnh, lúc thì mát.
Đến thác Prenn, cửa ngỏ của Đà Lạt. Nhìn dưới chân đèo Prenn để tìm TX. Ngọc Thiền của HT. Giác Ngộ. A, kia rồi! Tịnh xá rất dễ nhận ra. Tịnh xá nằm bên phải, phía trên một ngọn đồi nhỏ, uy nghiêm giữa những đồi thông chập chùng xanh ngát, hòa cùng với dòng suối lượn mình uốn khúc bao quanh. Có dịp mình sẽ đến viếng sau.
Tịnh xá Ngọc Thiền
Vậy là chương trình có thay đổi, thay vì sẽ đến Ngọc Đà để ăn sáng rồi mới bắt đầu tham quan, nhưng vì trễ quá nên Sư bảo xe đến Thiền viện Trúc Lâm luôn.
Xe rẽ vào hướng Thiền viện Trúc Lâm. Con đường cao tốc đẹp quá, ở giữa có hàng hoa giấy nhiều màu sắc, tuy không được cắt tỉa, tạo hình nhưng vẫn đẹp một cách tự nhiên…
Thiền viện Trúc Lâm
(Khu phố 7, phường 3, TP. Ðà Lạt, Lâm Ðồng)
7g00: Xe 1, 2 đến Trúc Lâm (vẫn không thấy bóng dáng xe 3). Mọi người xuống xe, vệ sinh… Hít một hơi dài cho tỉnh táo, khỏe thiệt, mát mẻ vô cùng. Nắng sớm vùng cao nguyên có khác. Bầu trời trong xanh, nắng vàng rực soi từng bước chân đoàn “lữ khách”.
Thiền viện Trúc Lâm toạ lạc trên núi Phụng Hoàng cạnh khu vực hồ Tuyền Lâm, cách trung tâm TP. Ðà Lạt khoảng 4km theo đường chim bay. Thiền viện có kiến trúc kim cổ hài hoà và thanh thoát, ẩn chứa bao điều huyền nhiệm của thế giới tâm linh.
Trong chánh điện chỉ thờ Phật Thích Ca cầm cành hoa sen. Ngay phía ngoài là toà tháp uy nghiêm bên trong treo một chiếc chuông lớn cao 1.98m, nặng 1.1 tấn, trên có khắc bài thơ của Ngài Trúc Lâm Ðầu Ðà (Trần Nhân Tông) đầy ý nghĩa triết học nhân sinh:
Phải trái rụng theo hoa buổi sớm.
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm.
Hoa tàn mưa tạnh non im vắng.
Xuân cõi còn nguyên một tiếng chim.
Thiền viện có hàng trăm Tăng Ni, Phật tử đến học thiền. Đây là một thiền viện nghiên cứu về Thiền tông lớn nhất ở Việt Nam hiện nay với chủ trương khôi phục Thiền tông Việt Nam (có từ đời nhà Trần).
Trong lúc chờ Sư đến, mọi người trang phục chỉnh tề, tranh thủ đi tham quan, chụp hình xung quanh thiền viện.
Lên xuống các bậc thang nơi đây mỏi cả chân. Hoa trong thiền viện rất nhiều và đẹp. Chụp hình mãi cũng chán. Ra xem Sư đến chưa kìa.
Ôi, Sư đến rồi mà không hay. Mọi người đang lễ Phật, nhanh chân vào thôi.
Không khí khá nghiêm trang. Sư cùng với quý thầy trong đoàn đang dâng hương bạch Phật. Cả đoàn đọc bài “Hồi Hướng”:
Lễ Phật công đức thù thắng hạnh,
Vô biên thắng phước giai hồi hướng,
Phổ nguyện pháp giới chư chúng sanh,
Tốc vãng vô lượng quang Phật sát.
Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,
Nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu,
Phổ nguyện tội chướng bất tiêu trừ,
Thế thế thường hành Bồ Tát đạo.
Nguyện sanh Tây phương tịnh độ trung,
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu,
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh,
Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ.
Nguyện dĩ thử công đức,
Phổ cập ư nhứt thiết,
Ngã đẳng dữ chúng sanh,
Giai cộng thành Phật đạo.
Rốt cùng là bài “Tứ hoằng thệ nguyện”
Chúng sanh vô biên thề nguyện độ,
Phiền não vô tận thề nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thề nguyện học,
Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.
Lễ xong, Sư dẫn đoàn đi đảnh lễ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Tam Tổ Trúc Lâm và cố HT. Thiện Hoa.
Sau đó đưa đoàn vào viếng Nội viện. Nội viện là nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập” với hai khu riêng biệt Tăng và Ni. Nét đặc biệt ở thiền viện Trúc Lâm là không tụng kinh bằng tiếng Phạn hay tiếng Hán như ở các ngôi chùa khác mà tụng kinh bằng tiếng Việt với mục đích để mọi người cùng hiểu, và cũng là nơi để các nhà nghiên cứu thiền học trong và ngoài nước đến tìm hiểu, học tập. Hằng ngày thiền viện Trúc Lâm được đánh dấu bằng ba phiên tọa thiền, mỗi phiên kéo dài hai giờ vào lúc 3g30, 14g30 và 19g30.
Tham quan một vòng khu Nội viện: tượng Lục tổ Huệ Năng, xem hoa sen đất, biệt thất chư Ni… Sau đó đảnh lễ HT. Trụ trì Thích Thông Phương và nghe Hòa thượng ban lời pháp nhũ. Đảnh lễ Hòa thượng xong, nghe Sư giảng ý nghĩa các tranh tượng Bồ Đề Đạt Ma phía trên tường thiền viện. Đi vòng hồi cũng hơn 10g, Sư cho đoàn lên xe đi tiếp.
11g00, đoàn ghé thăm Sư Ông của thầy Minh Nghĩa ở trong một cốc nhỏ, phải đi bộ vào. Sư Ông trạc ngoại thất tuần, khỏe khoắn, hiền lành. Sư Ông không cho Sư và đoàn hành lễ mà chỉ vái chào rồi trò chuyện thăm hỏi đôi chút. Đói lắm rồi, đi từ tối qua đến giờ mà chưa có ăn gì mà.
Tịnh xá Ngọc Ninh
(Xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)

Gần 12g00: Đoàn đến TX. Ngọc Ninh ăn cơm.
Tịnh xá này do NS. Tỉnh Liên trụ trì. Chắc là một trong các Tịnh xá Ni giới Giáo đoàn III, nên Sư mới đưa hơn 100 người đến dùng cơm trưa.
Ngôi tịnh xá đơn sơ, giữa là chánh điện hình bát giác. Phía trước cổng nhìn thấy đập Đại Ninh. Xung quanh ít cây to nên cảm giác hơi trống trải. Tuy nhiên, phía sau chánh điện có cây vú sữa to lớn tỏa nhiều tàn che mát nên cũng đỡ nắng phần nào. Ở đây có làm nhang không tẩm hóa chất.
Đói quá nên mọi người ào vào bàn ăn liền không lễ Phật gì cả. Hai đứa mặc áo tràng từ từ vào chánh điện lễ Phật (với một vài vị nữa) rồi mới vào kiếm gì lót dạ. Cơm của tịnh xá Ni có khác, ngon và chu đáo lắm. Chị Phương cứ khen canh ngọt, ngon quá. Sợ không đủ cơm, quý sư cô đem thêm nào bánh tráng nhúng để gói ăn kèm gỏi, nào bún nữa chứ. Mình chấm điểm 10 cho món mít non kho với rau răm, lạ và rất tuyệt. Vừa ăn vừa thầm cảm kích tấm lòng của quý sư cô Tịnh xá.
Cơm nước xong, Sư cùng mọi người mới vào lễ Phật. Mình mắc cười quá, nên có nói “cho ăn rồi mới chịu lễ”. Nhưng thật ra tại đói và trưa quá rồi, nếu không ăn sao lễ Phật nổi. Đức Phật rất hiểu và thương chúng sanh mà.
Vĩnh Minh Tự Viện
(250 Phú An, Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng)
Khoảng 13g00, đoàn xe qua cầu Đại Ninh (đối diện thủy điện Đại Ninh) đến Tự viện Vĩnh Minh cách Tịnh xá không xa (Đại Ninh là xứ sở của chùa chiền, tự viện, tháp cổ mà).
Vĩnh Minh tự viện, ngôi chùa nổi tiếng nhất Phú An, tọa lạc trên ngọn đồi cao, xung quanh là không gian thoáng mát rợp bóng cây xanh rộng khoảng 10ha được Hòa thượng Tâm Thanh xây dựng từ năm 1973, trên ngọn đồi cao bên cạnh chùa Hương Nghiêm.
Vĩnh Minh tự viện có cổng tam quan xếp bằng đá, bảo tháp xá lợi Minh Tích Án khá uy nghi, Vạn Phật điện (nơi trưng bày 1 vạn tượng Phật) cùng tượng Phật Niết bàn và nhiều tượng khác… Đúng là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Thầy Nguyên Hiền, trụ trì Vĩnh Minh tự viện tiếp Sư và đoàn trong bầu không khí thân tình, ấm cúng ở phòng khách. Sau khi chuyện trò thân mật, thầy còn ngâm vài bài thơ tặng cả đoàn. Thơ của thầy rất hay, đậm chất liệu nhân văn.
Sau đó quý thầy trong chùa đưa đoàn đi đảnh lễ tháp cố HT. Thiền Tâm và chụp hình lưu niệm dưới chân tháp rồi tạm biệt đoàn.
Sau khi đã thăm viếng các ngôi chùa và tháp cổ, thấy mình đúng là hạt cát giữa sa mạc vinh quang của chư vị Tổ sư. “Biết bao giờ mình mới được như vậy nhỉ?”, nhưng hãy tự tin đi bởi vì: “Mình là Phật sẽ thành mà…!”.
Chùa Dược Sư
(Thôn Phú An, Xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, Lâm Đồng)
15g00: Đoàn tiếp tục hành trình, đến chùa Dược Sư thăm viếng, đảnh lễ Sư Bà Hải Triều Âm, một bậc thạch trụ tòng lâm Ni bộ.
Nghe nói Sư Bà là một bậc khiêm nhường, xả chấp, và luôn nghiêm trì “Bát kỉnh pháp” mà mọi người kính ngưỡng.
Trước khi vào chùa, Sư đề nghị mọi người nghiêm trang chỉnh tề để vào lễ Sư Bà (cho thấy Sư kính trọng Sư Bà biết dường nào). Kia rồi “Bát kỉnh pháp”, chụp thôi, để về tìm hiểu cho rõ hơn bài giảng của thầy Nhật Từ về đề tài này.
Nghe nói chùa này hiện có khoảng 200 vị đang tu tập. Ni bên đây giỏi lắm, họ tự làm tất cả chẳng kém nam. Mình nhìn thấy vài vị đang leo ngất ngưỡng trên vách tường, tô tô, phết phết…
Vì Sư Bà sức khỏe không tốt nên chúng tôi không có dịp diện kiến. Tiếp Sư là các chư Ni của chùa với y, áo chỉnh tề và đúng lễ. Sư đáp lễ, tặng tranh rồi dẫn đoàn ra đi. Chư Ni đưa ra tận cổng.
Vậy là chương trình tham quan kết thúc, mới 4g chiều, dư thời gian đi xem mảnh đất trong dự án của cô Liên Hảo.
Đà Lạt
16g00 rời Đại Ninh, xe hướng về Đà Lạt trực chỉ. Đoàn xe 3 chiếc chở hơn 120 thành viên tiếp tục nối đuôi nhau băng đèo, xuống dốc, hai bên đường là những vườn trà, vườn cà phê,  rừng thông bạt ngàn, “không biết mình say hay tỉnh, cảnh non bồng trước mắt chớ đâu xa”.
Đến Đà Lạt, xe chạy ngang Hồ Xuân Hương, cũng đẹp đấy chứ! Đường phố Đà Lạt “lên lên, xuống xuống” nên nhà cửa ở đây xây cất cũng ngộ ngộ, hay hay.
Đi hơn 30 phút mà vẫn chưa đến nơi cô Liên Hảo nói. Xa quá, đoạn đường càng vào sâu càng hẹp dần và xấu nữa, đầy bụi. Và cuối cùng thì cũng đến nơi, tụi mình ngồi lại trên xe, vài người bước xuống rồi lại vội vã lên ngay vì Trời quá lạnh, một số khác thì cố leo lên đồi cao để tham quan mảnh đất cô Liên Hảo giới thiệu. Lúc xe chạy vào trung tâm thành phố thì không khí ấm dần lên, không còn lạnh như ban nãy. Mới hơn 5g chiều mà trời tối như 7g vậy. Đèn phố, đèn nhà hai bên đường bật cả lên, một cảm giác buồn buồn len lõi vào lòng…
Khoảng 18g, Sư ghé tụng kinh cầu siêu cho bà Tâm An như Sư đã thông qua lúc sáng ở Trúc Lâm thiền viện. Đây là một Phật tử thuần thành của Ngọc Đà, bà rất mến mộ Sư nên trước lúc lâm chung bà mong muốn Sư về kịp để bà gặp lần cuối. Sư đã nói trong niềm xúc động trước mọi người như vậy.
Và giờ thì bà không đợi được Sư rồi, bà đã ra đi…
Ngôi nhà nhỏ trong hẻm không đủ sức chứa cả đoàn. Hai đứa nhanh chân nên cũng chen được vào phòng bà nằm chưa liệm. Phòng chật lắm, Sư đứng bên cạnh giường, nói lời vĩnh biệt. Trong phòng, ngoài Sư, có hơn 10 vị Tăng Ni của đoàn. Sau đó Sư và toàn thể đọc bài Bát nhã tiễn bà Tâm An với hy vọng Bà được tái sanh làm thân người và được trí huệ. Ngôi nhà nhỏ rộn lên tiếng cầu kinh hùng tráng, chắc bà Tâm An đã mãn nguyện rồi.
Xong, mọi người lặng lẽ trở ra trong niềm thương cảm.
Tịnh xá Ngọc Đà
(2 Tô Vĩnh Diện, phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)

Gần 19g00 đến TỊNH XÁ NGỌC ĐÀ, nơi tổ chức khóa tu 2 ngày. Đây là ngôi tịnh xá Khất Sĩ của chư Tăng đầu tiên trên xứ cao nguyên Đà Lạt.
Năm 1954, sau mười năm kể từ lúc thành lập Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam và du hoá đó đây, Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng. Chư Tăng Ni trong Hệ phái tiếp tục cất bước du phương hoằng hoá độ sinh. Năm 1957, Đức Thầy Giác An - Đệ nhị Phó Tăng chủ Giáo hội Tăng già Khất Sĩ Việt Nam, vị sáng lập Giáo đoàn III đến Đà Lạt và kiến tạo tịnh xá Ngọc Đà. Sau đó, chư Tôn đức trong Giáo đoàn cắt cử chư Tăng luân phiên về đây tu tập, hướng dẫn Phật tử và duy trì ngôi Tam Bảo.
Trải qua thời chiến tranh, mưa nắng vô thường, cơ sở vật chất xuống cấp dần dần nhưng điều kiện khó khăn không thể trùng tu được. Mãi đến năm 1983, TT. Giác Minh được bổ nhiệm trụ trì và tiến hành sửa sang dần, từ chánh điện, nhà Tăng, nhà bếp, vài cốc lá tạm có phương tiện tương đối cho việc tu học của chư Tăng và Phật tử. Đến cuối năm 2006, chư Tăng và Phật tử tại Ngọc Đà quyết tâm trùng tu lại Tịnh xá gần như hoàn toàn. Ngày 24-11-2006 (nhằm ngày 4-10-Bính Tuất), lễ đặt đá đại trùng tu được tổ chức trọng thể dưới sự chứng minh của chư Tôn Đức Phật giáo Lâm Đồng và trong Giáo đoàn III - Hệ phái Khất sĩ. Gần ba năm thực hiện, công trình trùng tu thập phần viên mãn với một ngôi chánh điện 3 tầng uy nghiêm và những công trình phụ như cổng tam quan, nhà Tăng, nhà khách, v.v…
Quần thể kiến trúc mới được xây dựng bằng xi măng cốt thép với cấu trúc vừa mang tính truyền thống, vừa hiện đại. Bên trong Đại Giác Điện, những bức phù điêu mô tả về 8 sự kiện hy hữu trong cuộc đời hoằng pháp của Đức Phật… được tạc trên tường với màu sắc sinh động, nhưng không kém phần bí nhiệm, siêu thực…
Đây là một trụ xứ l‎ý tưởng về khí hậu cũng như về địa hình. Khí hậu quanh năm mát lạnh; địa hình tuy chập chùng nhưng rất vững chãi, lưng dựa vào khu đồi, có phong cảnh tự nhiên thơ mộng và huyền nhiệm. Phía Bắc Tịnh xá (bên trong nhìn ra) giáp với đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, phía trái cách nhà dân 15m. Chính vì vậy tịnh xá vẫn giữ được sự yên tĩnh như hai chữ “tịnh xá” mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã sử dụng.
Hiện nay, tịnh xá có một số Sư và tập sự, sẽ kế thừa, thực hành theo tôn chỉ: “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp - Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”. Dự kiến tịnh xá sẽ là một trong những trung tâm thiền tập Vipassana cho Phật tử gần xa hữu duyên với con đường chuyển hóa nội tâm, và là nơi nhập thất tịnh tu của những hành giả muốn thực hiện rốt ráo con đường hướng đến đạo quả giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn. (sưu tầm từ báo giacngo.vn)
Vừa bước chân vào Tịnh xá mình bỗng cảm giác sao thân thuộc thế này, có lẽ chủng tử mình có duyên với các ngôi nhà Tịnh xá.
Hôm nay có một chuyện thật hy hữu. Giày cả 2 đứa đều bị sút đế nên đành đi chân đất vậy. Ngộ lắm à nghe, không biết sự việc này có ý nghĩa gì đây nhưng cả 2 rất hoan hỷ (vì từ trước giờ mỗi khi trở về các Tịnh xá là bọn mình đều đi chân đất mà). Bước chân không mà lòng thấy nhẹ nhàng, thanh thoát sao sao ấy… Cảm giác chưa từng có trong đời.
Sắp xếp chỗ nghỉ xong, vệ sinh, rồi ăn tối. Có lẽ thức ăn Phật tử Tịnh xá chuẩn bị cho đoàn từ sáng để điểm tâm đây mà: cháo đậu xanh, đậu hủ trắng kho tiêu, bánh mì sữa và ly sữa đậu nành. Đoàn ăn ngon lành như thể bị đói từ kiếp trước. Đậu hủ ở đây ngon quá! No quá nên không thể uống ly sữa đậu nành.
Ăn xong, 2 đứa dạo quanh trước sân Tịnh xá. Trời về đêm đã bắt đầu trở lạnh nhưng trong lòng thấy ấm áp vô cùng. Chân mang vớ, không giày dép dạo vòng sân, thấy hay hay… tập bước chân của Khất Sĩ đó.
20g00, đoàn lên Đại Giác Điện lễ Phật và chào Sư Ông. TT. Giác Minh, 64 tuổi, người cao lớn, trông giống người dân tộc hơn người Kinh, rất cường tráng, khỏe mạnh và vô cùng thân thiện. Mọi người đều gọi Thượng tọa là Sư Ông (sư phụ của Sư - thầy mình mà) nghe thân tình sao đó.
Sư Ông vui tính lắm (Sư Ông luôn nhận mình là ông lão nông quê mùa) nhưng ẩn chứa đầy sự nghiêm khắc. Đệ tử của một bậc thầy như thế này, Sư thật hữu duyên. Bấy giờ mình mới hiểu câu nói của Sư: “Các cô đến Ngọc Đà sẽ thấy sao nhiều người cho là Sư… khờ dại…”. Nhưng Sư ơi, con không nghĩ là Sư “khờ dại”. Nhờ có Sư ở Sài Gòn mà chúng con có ngày hôm nay. Sư sẽ không hối tiếc khi có hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử đang noi theo gương tu tập của Sư đâu! Ngàn lời cũng không sao bày tỏ hết lòng tri ân của chúng con với Sư. Chúng con nguyện sẽ tinh tấn trong tu tập để báo ân Sư vậy.
Buổi giao lưu diễn ra ngắn thôi, Sư cho đoàn đi nghỉ, sáng mai 7g00 mới khai mạc khóa tu.
Ngày 09-12-2012
3g00: giật mình thức giấc. Ngủ ngon thật. Dậy thôi, chuẩn bị lên đọc kinh. Vừa tung ra khỏi chăn định dậy nhưng “ôi giời, sao lạnh thế này”. Suốt đêm nằm trong chăn ấm không có cảm giác lạnh, giờ bỏ ra, lạnh khiếp. Phải “vượt qua chính mình” mới được, thế là mình đứng dậy và đi xuống vệ sinh, chuẩn bị lên Đại Giác Điện cho đúng giờ. Mấy chị chung nhà cũng từ từ dậy theo.
Hai đứa ra sân dạo một lúc cho quen không khí lạnh. Lúc đầu thì lạnh lắm, dần dần cũng quen quen. Đại Giác Điện vẫn chưa mở cửa. Một lúc sau cửa mở, 2 đứa theo Sư Sa-di ôm tọa cụ xếp chỗ ngồi, rồi vào trong lấy kệ, kinh chuẩn bị cho khóa tụng đầu tiên ở Ngọc Đà.
Mọi người lần lượt kéo lên, cũng vài chục vị, đa số là Phật tử. Có lẽ quý Tăng Ni bên Bắc tông còn e dè nên không có mặt.
Rồi kìa, Sư xuất hiện. Thật thương Sư biết mấy, vất vả cả ngày hôm qua, giờ phải thức sớm nữa, hình như sức khỏe Sư không tốt mấy. Sư khen đạo tràng “giỏi” vì lên tụng kinh sớm thế này.
Sáng nay tụng kinh Cầu An, Sám Hối theo nghi thức của hệ phái Khất Sĩ. Nhiều vị chưa từng đọc, nhưng 2 đứa thì quá quen rồi. Bài kinh hay, dễ đọc lắm. Lần đầu tiên nghe Sư tụng kinh, hay quá, không ngờ Sư tụng kinh hay đến thế. Giọng Sư ấm, trầm, rõ ràng khúc chiết, chậm rãi, nhưng đi sâu vào tâm trí đạo tràng. Càng nghe càng thích. Tiếng đọc kinh buổi sớm ngân vang xua đi cái lạnh từ bao giờ.
Đến đoạn Sư cầu siêu cho bà Tâm An, nghe tình cảm, sâu lắng đến nao lòng. Bà Tâm An ơi, bà vô cùng có phước vì tâm nguyện của bà trước lúc ra đi đã đạt thành rồi đó. Mặc dù Sư không kịp đến trước lúc bà nhắm mắt nhưng Sư cũng không quá trễ khi ban đạo từ tiễn bà về cõi Tây phương. Bà có biết không, Sư cũng muốn đến kịp với bà lắm đó nhưng vì còn đại chúng, còn trách nhiệm chưa hoàn thành với khóa tu, mong bà an lòng ngơi nghỉ. Nam mô A Di Đà Phật.
6g00: Chuẩn bị điểm tâm và Sư Ông tác pháp khai mạc khóa tu tại Đại Giác Điện luôn. Lần đầu tiên tham gia khóa tu nên điều gì mình cũng thấy hay hết, mình quan sát để học hỏi tất cả từ cách bố trí chỗ ngồi đến bài trí thức ăn… trang nghiêm quá. Buổi điểm tâm sáng nay có mì xào, bánh mì, súp, sữa mè đen.
6g30: Đạo tràng đông đủ, buổi lễ diễn ra vui vẻ và khá nghiêm túc.
Sau đó mọi người được phép tham quan khu biệt thất Tăng của Tịnh xá.
Khu biệt thất xây cất quá đẹp, xung quanh toàn là cây kiểng được trồng tỉa tạo dáng rất xinh (công lao của Sư Ông đó).
Phía trên khu biệt thất Tăng là ngọn đồi nho nhỏ. Cả nhóm theo Sư tham quan đồi. Từ trên đồi nhìn xuống thấy toàn cảnh TP. Đà Lạt như nằm trong thung lũng, phía xa là dãy núi bao bọc cả thành phố, đẹp thật. Đứng nơi đây hít thở một hồi, khỏe khoắn vô cùng. Thế là có người ao ước…
9g00: Bắt đầu thiền hành. Nắng Đà Lạt ấm áp, soi rọi bước chân từng “hành giả”. Tập bước đi trong chánh niệm, tâm dõi theo mỗi bước chân. Đi thong thả, nhẹ nhàng, rũ bỏ mọi ưu phiền của thế sự.
10g00: Khất thực trong khuôn viên Tịnh xá. Lần đầu tiên ôm bát khất thực, đạo tràng ai nấy rất hoan hỷ (ngộ quá mà). Sư Ông dạy cách ôm bát, cách đi đứng. Ai cũng chăm chú theo dõi và làm theo, mặc dù đứng dưới trời nắng chang chang. Thời tiết Đà Lạt đúng như sách vở nói, một ngày có cả 4 mùa luôn. Khuya và sáng sớm, lạnh buốt như mùa Đông; Mặt trời lên mang không khí ấm áp của Xuân về; trưa đến oi bức như cái nóng ngày hè; chiều về mát mẻ dễ chịu như Thu sang.
Rồi thì đâu đó cũng sẵn sàng, “Đoàn du tăng đặc biệt” bắt đầu từng bước “trì bình khất thực”. Bước chân đi nhẹ nhàng trong lời dẫn âm vang trầm bổng của Sư.
“Chân bước lòng vui phấn khởi
Phải chăng là tịnh độ ở nhân gian.”
Thọ lãnh thức ăn xong, mang bát bước vào Đại Giác Điện, đặt xuống ngay ngắn theo hàng và ngồi im chờ đợi.
Bước chân vào trai đường
Buông xả mọi vấn vương
Nhẹ nhàng trong chánh niệm
Trân kính thọ cúng dường.
Khi đạo tràng đã an vị thì thiện nam, tín nữ của Tịnh xá dâng lời tác bạch cúng dường. Lại là lần đầu tiên ngồi trong một đạo tràng trang nghiêm, thanh tịnh như thế này, lắng nghe lời tác bạch cúng dường của quý Phật tử Ngọc Đà, trong lòng mình dâng lên xiết bao niềm cảm xúc. Được thọ lãnh thức ăn cúng dường đã là có phước báu lớn, giờ nghe tác bạch nữa, mình lại thấy gánh nặng trên vai.
Bài THỌ BÁT của chư Tăng Ni Khất Sĩ
Bát cơm tín chủ biết bao công,
Đức hạnh đầy vơi tự xét lòng.
Thỏa miệng thích tình tham quấy bỏ,
Nuôi thân hành đạo đuốc lành dùng.
Toan vun chánh pháp cho thành tựu,
Nguyện dứt ác duyên thoáng sạch không.
Nguyện các việc lành làm tất cả,
Nguyện xin độ tận chúng sanh chung.
Thân cùng nhau hòa hiệp ở chung
Miệng không tranh đua cãi lẫy
Ý ưa nhau không trái nghịch
Giới luật đồng cùng nhau tu theo
Kiến thức riêng chỉ giải cho nhau
Tứ sự chia đồng với nhau…
Giờ mình mới cảm nhận ý nghĩa của bài kệ này.
Sư Ông bắt đầu hướng dẫn cách thọ trai theo hệ phái Khất Sĩ. Thức ăn trong bát được trộn đều lên, dùng muỗng múc từng muỗng một, đưa lên ngang miệng, há miệng vừa đủ và bắt đầu nhai khi muỗng đã đặt xuống bát. Mỗi lần như vậy phải nhai từ 50 lần trở lên. Cả đạo tràng đều thực hiện ăn hòa chúng và chánh niệm cho đến hết thời thọ trai.
Trưa nay mọi người được ăn cơm đậu hủ kho, rau luộc, canh chua nấm, chuối, quýt… mà cay quá (có lẽ xứ lạnh ăn cay cho ấm).
Ăn xong mỗi người phải tự rửa lấy bát của mình.
Khoảng 12g30: Buổi thọ trai mới kết thúc.
14g đạo tràng tập trung ở tầng 1 để thiền và sinh hoạt. Chủ đề chiều nay Sư giảng về tu Tâm. Sau đó là tác bạch sám hối của một số vị… Buổi sám hối kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ.
Mọi người ăn chiều, nhưng 2 đứa quyết định hành đúng theo Khóa Tu, không ăn nữa.
18g00: Thiền.
19g là thời khóa tụng Kinh Pháp Cú của cố HT. Minh Châu. Thì ra hôm qua là kỷ niệm 100 ngày của Hòa thượng. Sư chu đáo thật, sắp xếp chuyến đi tu của khoa Đào tạo từ xa – Học viện Phật giáo Việt Nam ý nghĩa quá. Kinh Pháp Cú dễ đọc, dễ hiểu nên ai cũng thích. Sư bảo rằng sẽ tặng cho mỗi người quyển kinh này sau khi kết thúc khóa tu.
Tụng kinh xong, sinh hoạt đến 21g00.
Một ngày trôi đi nhẹ nhàng và an lạc quá, không chút gì phiền não cả.
Lúc chiều, Diệu Hoa xin Sư đi chợ Đà Lạt, vậy là mình nhờ cô ấy mua giúp 2 đôi dép để mai có dép mang về.
22g00: Mọi người nghỉ ngơi.
Ngày 10-12-2012
3g00: Sáng nay thức dậy dễ hơn hôm qua. Quay sang kêu Diệu Hoa luôn.
4g00: Đạo tràng sáng nay đông hơn. Tụng tiếp Kinh Pháp Cú đêm qua, rồi ngồi thiền 40 phút.
6g00: Điểm tâm (bánh canh nui, bánh lá bột, đậu hủ nước đường), sinh hoạt.
Sáng nay một số vị ra về nên đạo tràng vắng hơn (còn 75 vị) nhưng không khí nghiêm túc hẳn. Sư Ông dạy Sư Giác Tường của Tịnh xá giải thích ý nghĩa đôi tay bắt ấn của Phật trong Đại Giác Điện – trả lời cho câu hỏi của một số Phật tử, biểu trưng cho việc “chuyển pháp luân” của Phật sau khi thành đạo. Sau đó Sư Ông kiểm tra trình độ hội chúng qua câu hỏi: “Hãy kể tên và hạnh nguyện của thập đại đệ tử Phật”. Chị Xuân Lan xung phong trả lời nhưng không đủ,… và cuối cùng đã có hành giả hoàn chỉnh câu trả lời. Đến lúc này mình mới giật mình. Trời, tệ thật, đọc sách nghe kinh cho nhiều mà không nhớ 10 vị này. Thôi về đọc lại vậy.
9g00: Tiếp tục chương trình, tụng hết phần còn lại của quyển Kinh Pháp Cú. Vậy là hoàn thành chỉ tiêu rồi. Chuyến đi này sao mà ý nghĩa quá, có lẽ “hữu duyên” nên mọi việc diễn ra như có bàn tay vô hình sắp đặt (Sư đó).
10g30: Khất thực.
Với bài thơ “Tặng phẩm dâng đời” - Trần Quê Hương (HT. Giác Toàn), Sư làm cho không khí buổi khất thực hôm nay trang nghiêm và ý nghĩa hơn nhiều.
Tôi đi từ vô thuỷ
Gọi mặt trời đi theo
Bạn đường vui thiên lý
Trên vai túi vải nghèo.
Tôi đi từ vô thuỷ
Gọi nàng trăng mộng mơ
Làm tình nhân thiên lý
Khi nhớ thương làm thơ.
Tôi đi trong luân hồi
Tôi đi trong chơi vơi
Tôi đi trong đất trời
Tôi đi trong tim tôi.
……….
(Bài thơ này mình đã được nghe trong lễ khánh tuế của HT. Giác Toàn 17/10/ Nhân Thìn qua chương trình “Thơ – Nhạc: Tặng phẩm dâng đời – Trần Quê Hương” ở tịnh xá Trung tâm. Hôm đó Lệ Thu và Đình Long ngâm nghe không trầm ấm và ý nghĩa như Sư đọc không khí thế này. Tiếc thật không ghi âm được…). Một vài bài khác nữa mà không biết đó là bài thơ gì.
Bước đi chậm rãi, lắng lòng nghe từng lời thơ dạt dào đạo vị, mình thấy cuộc đời Khất Sĩ sao mà hay đến như vậy.
Rồi cũng vào trai đường như hôm qua, nhưng hôm nay thì có chút bất ngờ. Gia đình bà Tâm An dâng tác bạch cúng dường. Trời, chu đáo đến vậy ư? Mới ngày trước, đoàn ghé cầu siêu mà.
Cơm trưa có các món kho, canh nấm bông cải, sữa chua, nước sâm la hán.
Thọ trai xong, Sư thông báo đạo tràng hôm nay khỏi nghỉ trưa, lên lầu 1 thiền hành rồi tiếp tục sinh hoạt, chuẩn bị cho buổi tạ pháp giờ chiều thay vì theo chương trình là 21g. Sư muốn cho mọi người có chút thời gian đi dạo Đà Lạt trước khi về lại Sài Gòn. Sư tâm lý quá. Chuyến này nể Sư lắm luôn. Từ ngày được Sư phụ truyền giới đến nay thì đây là lần đầu tiên mình chính thức bắt đầu tu tập. Vậy mình phải bái Sư làm “y chỉ sư” của bọn mình đó.
Sinh hoạt xong, mọi người tranh thủ chụp hình kỷ niệm. Mình cầm máy của chị Hoa Trí, cô Liên Hảo chụp cho mọi người. Khuôn mặt ai nấy đều rạng ngời cả. Chuyến đi có một không hai đó quý vị ạ.

16g Chương trình tạ pháp được tiến hành.
Sư cô Hạnh Huệ khóa I và Thầy Hưng Hiền khóa II tác bạch.
Học viên Như Mai - khóa I đọc thơ “Cảm niệm khóa tu Ngọc Đà”:
Ngọc Đà phố núi mù sương
Phủ màu tĩnh mặc an thường diệu nguyên
Khói mây rạng nét linh huyền
Nổi danh thắng cảnh sơn xuyên hữu tình.
Trụ trì thượng Giác hạ Minh
Hoằng khai sứ mệnh cứu sinh độ đời
Lòng bi đại nguyện cao vời
Làm cho sanh chúng người người tín tâm.
Bảo ban khuyên dạy chuyên cần
Truyền trao pháp nhũ vị tân ngọt ngào
Hạnh tôn quý, đức thanh cao
Một lòng hướng đạo gian lao chẳng nề.
Nêu đuốc tuệ phá si mê
Khai tâm đệ tử trở về bến an
Công cao đức trọng muôn ngàn
Chúng con thành kính vài hàng ghi ân.
(Bài thơ này mình lấy lại trên trang daophatkhatsi.vn, chứ làm gì mà nhớ hay như vậy, hi hi hi…)
Chị Diệu Thanh - học viên khóa I hát bài gì đó phỏng theo lời nhạc của bài hát nổi tiếng “Đời tăng lữ”, cũng hay hay.
Chị Phương (khóa II) đọc bài thơ ngũ ngôn tặng Sư Ông cũng rất hay, nhưng mình không nhớ. Mình chỉ nhớ 1 câu cuối là “Hẹn hữu duyên sẽ trở lại Ngọc Đà”.
Sư Ông ban Đạo từ. Rồi Sư đọc danh sách các vị ưu tú, được Sư Ông tặng sách. Khóa I gồm: TT. Quảng Thanh (Thầy lớp trưởng), Sư cô Hạnh Thường (lớp phó học tập), Sư cô Hạnh Huệ (tác bạch khi nãy), Như Mai (chị sáng tác bài thơ), Diệu Thanh (Ban cán sự tổ chức đi dã ngoại), anh họa sĩ Mộng Tường, và cô Ngọc Định. Khóa II gồm: Thầy Hưng Hiền, chị Xuân Lan, chị Mỹ Phương. Ngoài ra, Phật tử Thiện Quang (Ban Mê Thuột), và thầy Đức Hiệp (khóa I, mặc dù vắng mặt).

Mọi người ái mộ theo dõi buổi tặng quà. Sau đó Sư Ông cầm 5 quyển sách khác đi xuống đạo tràng tặng người hữu duyên.
Buổi tạ pháp kéo dài hơn dự kiến, mọi người có vẻ lưu luyến lắm, không muốn kết thúc. Cuộc vui nào rồi cũng tàn, họp mặt nào rồi cũng chia tay, nhưng khóa tu này sẽ luôn luôn ngự trị trong tâm trí mọi người.
Bế mạc khóa tu trong không khí đầy hoan hỷ và có phần lưu luyến. Mọi người về phòng thu dọn hành lý, dọn dẹp chăn gối cho Tịnh xá chuẩn bị trở về.
Một số vị đi chợ Đà Lạt, 2 đứa mình muốn hưởng trọn khóa tu cho đầy ý nghĩa nên cũng không đi. Mặc dù lần đầu tiên đi Đà Lạt, nhưng dạo phố kiểu này không có gì hấp dẫn mình hết. Ở lại Tịnh xá giao lưu trò chuyện với Sư cô Đồng Hạnh, chị Hoa Trí và mọi người vui hơn. Vậy là sự tò mò, thắc mắc của mình về Đạo tràng Pháp Hoa của HT. Trí Quảng và Pháp Y cùng với chiếc áo tràng Phật tử bên ấy mặc đã được chị Hoa Trí giúp cho thông suốt. Nhẹ nhỏm cả người…
Rồi Sư tặng sách cho mọi người để kỷ niệm khóa tu. Mình không xin Sư vì có xin mà không đọc thì thôi hãy để Sư tặng cho người khác, không nên lãng phí của bá tánh có công ấn tống cúng dường.
21g00: Lên xe về Sài Gòn.
Tạm biệt Đà Lạt xứ sở mộng mơ, bước chân ngập ngừng tiếc nuối. Dù buồn vì xa Đà Lạt, nhưng lòng mỗi người chắc hẳn đã thỏa mãn với những gì mình tiếp nhận từ chuyến đi: được tham quan, đảnh lễ các vị Tôn Túc, được chiêm nghiệm công lao tu tập, gầy dựng tòng lâm của các chư Tổ, được nhìn tận mắt những thắng cảnh đẹp của đất nước, được học những bài học ngoài sách vở,… Quả là: “Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, để khi về rồi:
Ta hãy sống với những ngày đáng sống,
Không giận mừng, không oán ghét sầu thương,
Để cho lòng trang trải khắp mười phương,
Như gió lộng mây ngàn trôi vạn hướng…
(Đây là một đoạn trong bài hát “Đời tăng lữ” mà mình đã cảm được sau chuyến đi tu).
Xa Đà Lạt, về với những ngày thường, lòng nhủ lòng phải phấn đấu hơn nữa, nỗ lực thật nhiều hơn nữa hầu noi gương chư Tổ, phần nào đền đáp tứ ân. Và mình biết chắc, đây mới là bài học bổ ích nhất trong cuộc đời.
Ngày 11-12-2012
Xe về đến Sài Gòn 5g00 sáng.
... Và mọi việc lại trở về như thường lệ…
http://www.youtube.com/watch?v=4T2om_bps6E&feature=youtu.be
http://www.daophatkhatsi.vn/khoa-tu/kho%C3%A1-tu/dao-trang/836-ky-su-khoa-tu-thien-tai-tinh-xa-ngoc-da-da-lat.html