Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Kinh Thánh Cầu (số 26) Ariyapariyesanà sutta

Bài Kinh Thánh Cầu, Sư giảng tại Tịnh xá Trung tâm, lúc 20 giờ thứ tư, ngày 16/03 Quý Tỵ (24/04/2013).
Bài Kinh là những câu chuyện Phật kể cho chúng Tỳ-kheo về sự tầm cầu giác ngộ trong đời Ngài, từ khi còn ở trong cung điện cho đến khi truyền Pháp cho năm đệ tử đầu tiên.
Tóm lược:
+ " Này các Tỷ-kheo, lành thay khi Thiện nam tử các Người, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, cùng nhau hội họp để luận bàn đạo pháp. Này các Tỷ-kheo, khi các Người hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: luận bàn đạo pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh".

Sự im lặng của bậc Thánh: Theo Luận giải kinh Trung bộ, "im lặng như thánh" là nhị thiền (không còn tầm tứ) và đề mục thiền căn bản của hành giả - ví dụ quán tứ niệm xứ. Người nào chưa đắc nhị thiền thì nên giữ sự "im lặng của bậc thánh" bằng cách bám sát đề mục thiền căn bản của mình. (Ni Sư Trí Hải _ Toát yếu Kinh Trung Bộ)
Lời HT. Thiện Hòa:
Khẩu khai thần khí tán
Động thiệt thị phi sanh.
(Mở miệng nói thì cái thần của chúng ta bị tán, cái khí của chúng ta bị tổn hại; vì khi nói, nghe, tranh cãi chúng ta bị sự vật bên ngoài tác động, chi phối nhiều, nên thần tan, trí sáng suốt không còn).

+ Hai sự tầm cầu: Thánh cầu và phi Thánh cầu:
Phi Thánh cầu:
"có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm".
Thánh cầu:
"có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái bất tử... tự mình bị sầu... cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn".
+ Còn Đức Thế Tôn:
"khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ".

+ Đức Phật thấy được các Pháp đều do duyên sanh, và bản thân mình do các duyên mà nó có mặt... Từ đó Ngài đã chứng đắc được đạo quả: Trên con đường "đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ", lúc đầu, Ngài theo học đạo sĩ Alara Kalama và Ngài chứng được Vô sở hữu xứ, nhưng Ngài đã bỏ đi vì thấy Vô sở hữu xứ chưa phải Niết bàn. Vị thầy thứ hai là Uddaka Ramaputta, Ngài chứng được Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhưng Ngài lại bỏ đi vì biết Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng chưa phải là Niết bàn. Ngài ra đi đến tụ lạc Uruvela (Ưu lâu tần la) xứ Magadha (Ma kiệt đà), vào khu rừng khả ái ở bên sông (Ni Liên Thiền) để tinh tấn thiền định. Ngài đã chứng được cái không sinh, già, bệnh, chết, khổ sầu, cái không ô nhiễm; đạt đến Niết bàn, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.

+ Sau khi chứng đắc, Ngài thấy rõ sức mạnh của vô minh phiền não trong tâm chúng sinh, và sự sâu xa vi diệu của Pháp, Ngài suy nghĩ thuyết pháp mà chúng sinh không hiểu thì chỉ thêm phiền não nên Ngài do dự không muốn thuyết pháp.
Sao Ta nói Chánh pháp,
Được chứng ngộ khó khăn?
Những ai còn tham sân,
Khó chứng ngộ pháp này.
Đi ngược dòng, thâm diệu,
Khó thấy, thật tế nhị,
Kẻ ái nhiễm vô minh,
Không thấy được pháp này.
Khi thấy Phạm Thiên cầu thỉnh, Phật lại quán thấy có ba hạng chúng sinh, như ba hạng hoa sen: Có hạng còn chìm nghỉm; có hạng vươn lên ngang mặt nước; nhưng cũng có hạng đã vượt khỏi mặt nước, không bị nước làm ướt. Chúng sinh cũng vậy, có hạng nhiều nhiễm bụi đời, có hạng ít nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, có hạng độn căn, Ngài quyết định ra thuyết pháp. Và nhóm năm anh em Kiều Trần Như là những đệ tử đầu tiên được Ngài hóa độ.

+ Đức Phật giảng về sự nguy hiểm của năm dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc), khích lệ các đệ tử không nên chạy theo năm dục. Nếu sống với chúng thì sẽ bị Ác Ma trói buộc, ngược lại (viễn ly 5 dục) thì Ác Ma sẽ bị mù mắt.
"Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... (như trên)... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân cảm xúc là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn...".
Đức Phật khích lệ các vị Tỳ-kheo hãy tu thiền, phải chứng được Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhất tâm (5 thiền chi). Bới vì có chứng được 5 thiền chi mới đoạn trừ, viễn ly 5 triền cái (Tham dục, Sân hận, Hôn trầm-thụy miên, Trạo hối, Hoài nghi).(Cố HT. Giác Dũng:"Thường trực năm thiền chi. Viễn ly năm triền cái". Phải có năm thiền chi mới viễn ly năm triền cái được).
"Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ- kheo ấy được gọi là...đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng (định). Sau khi thấy bằng trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là một vị đã làm Ác ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma. Vị ấy đã vượt khỏi mọi triền phược ở đời. An tâm vị ấy đi, an tâm vị ấy đứng, an tâm vị ấy ngồi, an tâm vị ấy nằm. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì vị ấy vượt khỏi tầm tay của Ác ma.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy."

** Bổ sung:
+
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm dân đất Phật sống đời hoàng kim.
(Vi Nhân Nan - NT. Huỳnh Liên)

Nay con phát tâm
Chẳng cầu phước báu
Ở cõi Nhơn Thiên
Thanh văn, Duyên giác
Bồ tát quyền thừa
Chỉ mong cầu được
Bậc tối thượng thừa
Phát lòng chánh giác
Nguyện cả chúng sanh
Khắp cùng pháp giới
Một lúc đồng thành
Bồ đề vô thượng.
(Hồng Danh Bửu Sám - Nghi thức tụng niệm - Sám Hối)

+ Bồ-tát Văn Thù khen A-nan:
Tướng như thu mãn nguyệt
Nhãn tợ thanh liên hoa
Phật pháp như đại hải
Lưu nhập A-nan tâm.
(Tướng như trăng thu tròn
Mắt biếc tợ sen xanh
Phật pháp rộng như bể
Đều rót vào tâm A-nan)

 + Phật bảo ông Tu Đạt Đa: “Thầy ngươi là Uất Đầu Lam Phất lợi căn sáng suốt, đã hàng phục được phiền não, đến cõi trời phi phi tưởng rồi, mà khi mệnh chung còn phải đoạ vào đường súc sinh, làm con phi li (con chồn bay) huống chi người khác". (Từ Bi Thủy Sám - quyển hạ - Ngộ Đạt Quốc Sư).
Câu chuyện Uất Đầu Lam Phất - con phi ly: Do ông phát lời độc khi đang tu bên một dòng sông, cạnh rừng cây, cá và chim đã quấy rầy làm mất đi sự yên tịnh của ông nên ông nổi tâm ác đòi ăn hết cá, chim. Do đó ông bị đọa làm con phi ly bay đi ăn cá, chim.
 + HT. Giác Toàn:
"Ai mà thấy được cái tánh của mình là thấy Đạo".

 Kinh Thánh Cầu (số 26) Ariyapariyesanà sutta
HT. Thích Minh Châu
Kinh Trung Bộ
Tôi nghe như vầy:
Một thời Thế Tôn ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika, (Cấp Cô Độc). Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đến Savatthi để khất thực. Có một số đông Tỷ-kheo đến chỗ Tôn giả Ananda ở, sau khi đến, nói với Tôn giả Ananda:
– Hiền giả, đã lâu chúng tôi chưa được tận mắt nghe Thế Tôn thuyết pháp. Lành thay, Hiền giả Ananda, nếu chúng tôi được tận mắt nghe Thế Tôn thuyết pháp!
– Các Tôn giả hãy đến chỗ Bà-la-môn Rammaka ở, và các Tôn giả sẽ được tận mắt nghe Thế Tôn thuyết pháp.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda . Rồi Thế Tôn, khất thực ở Savatthi xong, sau buổi ăn trên con đường đi khất thực trở về, cho gọi Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Pubbarama (Đông viên), ngôi lầu của Migaramatu (Lộc Mẫu Giảng Đường) để nghỉ trưa!
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với Tôn giả Ananda đi đến vườn Pubbarama, ngôi lầu của Migaramatu để nghỉ trưa. Thế Tôn vào buổi chiều từ Thiền tịnh đứng dậy, gọi Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Pubbakotthaka để rửa tay, rửa chân.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với Tôn giả Ananda đi đến Pubbakotthaka để rửa tay, rửa chân. Sau khi rửa tay, rửa chân ở Pubbalotthaka xong, Thế Tôn leo đứng trên bờ, đắp một tấm y, phơi tay chân cho khô. Rồi Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, tinh thất của Bà-la-môn Rammaka không xa; bạch Thế Tôn, tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka là khả ái; bạch Thế Tôn, tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka là khả lạc; bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn vì lòng từ bi đi đến tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka!
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Thế Tôn đi đến tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka. Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo đang hội họp tại tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka để thuyết pháp. Thế Tôn đứng chờ ngoài cửa cho đến khi thuyết pháp xong. Thế Tôn biết cuộc thuyết pháp đã xong, liền đằng hắng và gõ vào thanh cửa. Các Tỷ-kheo ấy mở cửa cho Thế Tôn. Rồi Thế Tôn bước vào tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka và ngồi lên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, các Người nay hội họp bàn vấn đề gì? Và câu chuyện gì giữ các Người bị gián đoạn?
– Bạch Thế Tôn, câu chuyện giữa chúng con thuộc về Thế Tôn và câu chuyện ấy bị gián đoạn khi Thế Tôn đến.
– Này các Tỷ-kheo, lành thay khi Thiện nam tử các Người, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, cùng nhau hội họp để luận bàn đạo pháp. Này các Tỷ-kheo, khi các Người hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: luận bàn đạo pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh.
Này các Tỷ-kheo, có hai sự tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu. Chư Tỷ-kheo, và thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sanh? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng và bạc là bị sanh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị già? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị già; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị già; dê và cừu là bị già; gà và heo là bị già; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị già; vàng và bạc là bị già. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị già, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị bệnh? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị bệnh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bi bệnh; dê và cừu là bị bệnh; gà và heo là bị bệnh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị bệnh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị bệnh, và người ấy lại nắm giữ tham đắm, mê say chúng, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh. Và này các Tỷ-kheo, cái gì các Người nói là bị chết? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bi chết; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị chết; dê và cừu là bị chết; gà và heo là bị chết; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị chết. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị chết, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sầu? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sầu; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sầu; dê và cừu là bị sầu, gà và heo là bị sầu; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sầu. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị sầu, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị ô nhiễm? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị ô nhiễm; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ô nhiễm; dê và cừu la bị ô nhiễm; gà và heo là bị ô nhiễm; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị ô nhiễm; vàng và bạc là bị ô nhiễm. Và này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái bất tử... tự mình bị sầu... cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu.
Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi Giác Ngộ, khi chưa chứng Chánh Đẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già, lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu"... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Tại sao Ta, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già... (như trên)... tự mình bi ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già... cái không già... tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái bất tử... tự mình bị sầu... cái không sầu... tự mình bi ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại củ ái bị nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn.
Rồi này các Tỷ-kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đến chỗ Alara Kalama ở, khi đến xong liền thưa với Alara Kalama: "Hiền giả Kalama, tôi muốn sống phạm hạnh trong pháp luật này". Này các Tỷ-kheo, được nghe nói vậy, Alara Kalama nói với Ta: "Này Tôn giả, hãy sống (và an trú). Pháp này là như vậy, khiến kẻ có trí, không bao lâu như vị Bổn sư của mình (chỉ dạy), tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú". Này các Tỷ-kheo, và không bao lâu Ta đã thông suốt pháp ấy một cách mau chóng. Và này các Tỷ-kheo, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí và giáo lý của bậc Trưởng lão (Thượng tọa), và Ta tự cho rằng Ta như kẻ khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy. Này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Alara Kalama tuyên bố pháp này không phải chỉ vì lòng tin: "Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, Ta mới an trú". Chắc chắn Alara Kalama biết pháp này, thấy pháp này rồi mới an trú". Này các Tỷ-kheo, rồi Ta đi đến chỗ Alara Kalama ở, sau khi đến Ta nói với Alara Kalama: "Hiền giả Kalama, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt, và tuyên bố pháp này?" Này các Tỷ-kheo, được nói vậy, Alara Kalama tuyên bố về Vô sở hữu xứ. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ: "Không phải chỉ có Alara Kalam có lòng tin, Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Alara Kalama mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Alara Kalama mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Alara Kalama mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Alara Kalama mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà Alara Kalama tuyên bố: "Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta an trú". Rồi này các Tỷ-kheo, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta đi đến chỗ Alara Kalama ở, sau khi đến, Ta nói với Alara Kalama: "Này Hiền giả Kalama, có phải Hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?"- "Vâng, Hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy". - "Này Hiền giả, tôi cũng tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy". - "Thật lợi ích thay cho chúng tôi, Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt, và tuyên bố, chính pháp ấy Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; pháp mà Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng tự đạt và tuyên bố; pháp mà tôi biết, chính pháp ấy Hiền giả biết; pháp mà Hiền giả biết, chính pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, Hiền giả là như vậy; Hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!" Như vậy này các Tỷ-kheo, Alara Kalama là Đạo Sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ". Như vậy này các Tỷ-kheo, Ta không tôn kính pháp này, và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đi đến chỗ Uddaka Ramaputta, khi đến xong Ta nói với Uddaka Ramaputta: "Hiền giả, tôi muốn sống phạm hạnh trong pháp luật này. Được nói vậy, này các Tỷ-kheo, Uddaka Ramaputta nói với Ta: "Này Tôn giả, hãy sống (và an trú), pháp này là như vậy, khiến người có trí không bao lâu như vị Bổn sư của mình (chỉ dạy) tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú". Này các Tỷ-kheo, Ta đã thông suốt pháp ấy một cách mau chóng. Và này các Tỷ-kheo, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí, và giáo lý của bậc Trưởng lão (Thượng Tọa), và Ta tự cho rằng Ta như người khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy. Này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Rama tuyên bố pháp này không phải vì lòng tin: "Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta mới an trú". Chắc chắn Rama thấy pháp này, biết pháp này, rồi mới an trú". Này các Tỷ-kheo, rồi Ta đi đến chỗ Uddaka Ramaputta ở, sau khi đến Ta nói với Uddaka Ramaputta: "Hiền giả Rama, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này?" Này các Tỷ-kheo được nghe nói vậy, Uddaka Ramaputta tuyên bố về Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ: "Không phải chỉ có Rama mới có lòng tin. Tacũng có lòng tin. Không phải chỉ có Rama mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Rama mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Rama mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Rama mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà Rama tuyên bố: "Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, tự an trú". Rồi này các Tỷ-kheo, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta đi đến chỗ Uddaka Ramaputta ở, sau khi đến, Ta nói với Uddaka Ramaputta: "Này Hiền giả Rama, có phải Hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?" - "Vâng Hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy". - "Này Hiền giả, tôi cũng đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy." Thật lợi ích thay cho chúng tôi! Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi, tự tri tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính pháp ấy Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; pháp mà Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; pháp mà tôi biết, chính pháp ấy Hiền giả biết; pháp mà Hiền giả biết, chính pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, Hiền giả là như vậy; Hiền giả như thế nào, Tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!" Như vậy, này các Tỷ-kheo, Uddaka Ramaputta-là Đạo Sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ". Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tôn kính pháp ấy và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.
Này các Tỷ-kheo, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, tuần tự du hành tại nước Magadha (Ma kiệt đà) và đến tại tụ lạc Uruvela (Ưu lâu tần loa). Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự nghĩ: "Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn". Và này các Tỷ-kheo, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: "Thật là vừa đủ để tinh tấn".
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Và trí và kiến khơi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa.
Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccàyata Paticcasamuppada (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta!" Này các Tỷ-kheo, rồi những kệ bất khả tư nghì, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta:
Sao Ta nói Chánh pháp,
Được chứng ngộ khó khăn?
Những ai còn tham sân,
Khó chứng ngộ pháp này.
Đi ngược dòng, thâm diệu,
Khó thấy, thật tế nhị,
Kẻ ái nhiễm vô minh,
Không thấy được pháp này.
Rồi này các Tỷ-kheo, với những suy tư như vậy, tâm của Ta hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp. Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ Phạm thiên Sahampati khi biết được tâm tư của Ta; với tâm tư của mình, liền suy nghĩ: "Than ôi, thế giới sẽ tiêu diệt, thế giới sẽ bi hoại vong, nếu tâm của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp". Rồi này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co, hay co cánh tay đang duỗi; cũng vậy, vị ấy biến mất từ thế giới Phạm thiên, và hiện ra trước mặt Ta. Này các Tỷ-kheo, rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y một bên vai chắp tay hướng vái Ta và bạch với Ta: "Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bi nguy hại nếu không được nghe Chánh pháp. (Nếu được nghe), những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp". Này các Tỷ-kheo, Phạm thiện Sahampati nói như vậy. Sau khi nói vậy, lại nói thêm như sau:
Xưa tại Magadha,
Hiện ra pháp bất tịnh,
Pháp do tâm cấu uế,
Do suy tư tác thành.
Hãy mở tung mở rộng,
Cánh cửa bất tử này.
Hãy để họ nghe Pháp,
Bậc Thanh tịnh Chứng Ngộ.
Như đứng trên tảng đá,
Trên đỉnh núi (tột cao)
Có người đứng nhìn xuống,
Đám chúng sanh quây quần.
Cũng vậy, ôi Thiện Tuệ,
Bậc Biến Nhãn cùng khắp,
Leo lên ngôi lâu đài,
Xây dựng bằng Chánh pháp
Bậc Thoát Ly sầu muộn,
Nhìn xuống đám quần sanh,
Bị sầu khổ áp bức,
Bị sanh già chi phối,
Đứng lên vị Anh Hùng,
Bậc Chiến Thắng chiến trường.
Vị trưởng đoàn lữ khách,
Bậc Thoát Ly nợ nần.
Hãy đi khắp thế giới,
Bậc Thế Tôn Chánh Giác!
Hãy thuyết vi diệu pháp,
Người nghe sẽ thâm hiểu!
Này các Tỷ-kheo, sau khi biết được lời Phạm thiên yêu cầu, vì lòng từ bi đối với chúng sanh, với Phật nhãn, Ta nhìn quanh thế giới. Này các Tỷ-kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay hồ sen trắng có một số hoa sen xanh, sen hồng, hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Và này các Tỷ-kheo, Ta nói lên bài kệ sau đây với Phạm thiên Sahampati:
Cửa bất tử rộng mở,
Cho những ai chịu nghe.
Hãy từ bỏ tín tâm,
Không chính xác của mình.
Tự nghĩ đến phiền toái,
Ta đã không muốn giảng,
Tối thượng vi diệu pháp,
Giữa chúng sanh loài Người.
(Ôi Phạm thiên)
Này các Tỷ-kheo, rồi Phạm thiên Sahampati tự nghĩ: "Ta đã tạo cơ hội cho Thế Tôn thuyết pháp", đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng (về Ta) rồi biến mất tại chỗ.
Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự suy nghĩ: "Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên, ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này? Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự nghĩ: "Nay có Alara Kalama là bậc trí thức, đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Alara Kalama, vị này sẽ mau hiểu Chánh pháp này". Này các Tỷ-kheo, rồi chư Thiên đến Ta và nói như sau: "Bạch Thế Tôn, Alara Kalama đã mệnh chung bảy ngày rồi". Rồi tri kiến khởi lên nơi Ta: "Alara Kalama đã mệnh chung bảy ngày rồi". Này các Tỷ-kheo, Ta nghĩ: "Thật là một thiệt hại lớn cho Alara Kalama: Nếu nghe pháp này, Alara Kalama sẽ mau thâm hiểu". Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại nghĩ: "Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này? Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại nghĩ: "Nay có Uddaka Ramaputta-là bậc tri thức, đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Uddaka Ramaputta. Vị này sẽ mau hiểu Chánh pháp này." Rồi chư Thiên đến Ta và nói như sau: "Bạch Thế Tôn Uddaka Ramaputta đã mệnh chung ngày hôm qua". Rồi tri kiến khởi lên nơi Ta: "Uddaka Ramaputta đã mệnh chung hôm qua". Này các Tỷ-kheo, Ta nghĩ: "Thật là một thiệt hại lớn cho Uddaka Ramaputta. Nếu nghe pháp này, Uddaka Ramaputta sẽ mau thâm hiểu". Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ: "Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này?" Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại nghĩ: "Nhóm năm Tỷ-kheo này đã hầu hạ Ta khi Ta còn nỗ lực tinh cần, nhóm ấy thật giúp ích nhiều. Vậy ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho nhóm năm Tỷ-kheo!" Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại nghĩ: "Nay nhóm năm Tỷ-kheo ở tại đâu?" Này các Tỷ-kheo, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy nhóm năm Tỷ-kheo hiện ở Baranasi (Ba la nại), tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi ở tại Uruvela lâu cho đến khi mãn ý, Ta lên đường đi đến Baranasi.
Này các Tỷ-kheo, một tà mạng ngoại đạo tên là Upaka, đã thấy Ta khi Ta còn đi trên con đường giữa Gaya và cây Bồ-đề.
Sau khi thấy, vị ấy nói với Ta:
– Các căn của Hiền giả thật sáng suốt. Da sắc của Hiền giả thật thanh tịnh, thật thanh khiết. Này Hiền giả, vì mục đích gì, Hiền giả xuất gia? Ai là bậc Đạo Sư của Hiền giả? Hiền giả hoan hỷ thọ trì pháp của ai?"
Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với tà mạng đạo Upaka bài kệ như sau:
– Ta, bậc Thắng tất cả,
Ta, bậc Nhất thiết Trí.
Hết thảy pháp, không nhiễm,
Hết thảy pháp, xả ly.
Ta sống chân giải thoát,
Đoạn tận mọi khát ái.
Như vậy Ta tự giác,
Còn phải y chỉ ai?
Ta không có Đạo Sư,
Bậc như Ta không có.
Giữa thế giới Nhơn, Thiên,
Không có ai bằng Ta.
Bậc Ứng Cúng trên đời,
Bậc Đạo Sư vô thượng.
Tự mình Chánh Đẳng Giác,
Ta an tịnh, thanh thoát.
Để chuyển bánh xe Pháp.
Ta đến thành Kàsi.
Gióng lên trống bất tử,
Trong thế giới mù lòa.

– Như Hiền giả đã tự xưng, Hiền giả xứng đáng là bậc Chiến thắng Vô tận.
– Như Ta, bậc Thắng giả,
Những ai chứng lậu tận,
Ác pháp, Ta nhiếp phục,
Do vậy, Ta vô địch".
(Này Upaka)
Này các Tỷ-kheo, sau khi được nói vậy, tà mạng ngoại đạo Upaka nói với Ta:
– Này Hiền giả, mong rằng sự việc là vậy".
Nói xong, Upaka lắc đầu rồi đi theo một ngã khác.
– Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tuần tự đi đến Baranasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển, đi đến chỗ nhóm năm Tỷ-kheo ở. Này các Tỷ-kheo, nhóm năm Tỷ-kheo khi thấy Ta từ xa đi đến, đã cùng nhau thỏa thuận như sau: "Này các Hiền giả, nay Sa-môn Gotama đang đi đến; vị này sống trong sự sung túc, đã từ bỏ tinh cần, đã trở lui đời sống đầy đủ vật chất. Chúng t hớ có đảnh lễ, chớ có đứng dậy, chớ có lấy y bát. Hãy đặt một chỗ ngồi, và nếu vị ấy muốn, vị ấy sẽ ngồi". Này các Tỷ-kheo, nhưng khi Ta đi đến gần, năm Tỷ-kheo ấy không thể giữ đúng điều đã thỏa thuận với nhau. Có người đến đón Ta và cầm lấy y bát, có người sắp đặt chỗ ngồi, có người đem nước rử hân đến. Nhưng các vị ấy gọi Ta bằng tên với danh từ Hiền giả (Avuso). này các Tỷ-kheo khi ta nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:
–  Này các Tỷ-kheo, chớ có gọi Ta bằng tên và dùng danh từ Hiền giả. Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các Ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại, mục đích vô thượng của phạm hạnh mà các Thiện nam tử, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông sẽ an trú.
Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, nhóm năm Tỷ-kheo nói Ta:
– Hiền giả Gotama, với nếp sống này, với đạo tu này, với khổ hạnh này, Hiền giả đã không chứng được Pháp siêu nhân, tri kiến, thù thắng xứng đáng bậc Thánh, thì này làm sao Hiền giả, với nếp sống sung túc, với sự từ bỏ tinh cần, với sự trở lui đời sống vật chất đầy đủ, lại có thể chứng được Pháp siêu nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?
Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, Như Lai không sống sung túc, không từ bỏ tinh cần, không trở lui đời sống vật chất đầy đủ. Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Này các Tỷ-kheo, hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các Ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của Phạm hạnh mà các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông sẽ an trú.
Này các Tỷ-kheo, lại lần thứ hai, nhóm năm Tỷ-kheo nói với Ta:
– Hiền giả Gotama, với nếp sống này... (như trên)... tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?
Này các Tỷ-kheo, lại lần thứ hai Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, Như Lai không sống sung túc... (như trên)... các Ông sẽ an trú.
Này các Tỷ-kheo, lại lần thứ ba, nhóm năm Tỷ-kheo nói với Ta:
– Hiền giả Gotama, với nếp sống này... (như trên)... tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?
Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, từ trước đến nay, các Ông có chấp nhận là T hưa bao giờ nói như vậy chăng?
– Bạch Thế Tôn chưa bao giờ như vậy.
– Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các Ông không bao lâu, sau khi tự tri, tư chứng, tự đạt được ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của phạm hạnh mà các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông sẽ an trú".
Này các Tỷ-kheo, Ta đã làm cho nhóm năm Tỷ-kheo chấp nhận. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết giảng cho hai Tỷ-kheo. Ba Tỷ-kheo kia đi khất thực. Đồ ăn mà ba Tỷ-kheo này khất thực mang về, đủ nuôi sống cho nhóm sáu người. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết giảng cho ba Tỷ-kheo. Hai Tỷ-kheo kia đi khất thực.. Đồ ăn mà hai Tỷ-kheo này khất thực mang về, đủ nuôi sống cho nhóm sáu người. Này các Tỷ-kheo, chúng năm Tỷ-kheo, sau khi được Ta thuyết giảng, sau khi được Ta khuyến giáo, tự mình bi sanh, sau khi biết được sự nguy hại củ ái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn, thoát khỏi các (khổ) ách, chứng Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn, thoát khỏi các (khổ) ách, chứng Niết-bàn, tự mình bị già... cái không già... tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái không chết... tự mình bi sầu... cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết được sự nguy hại củ ái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, thoát khỏi các (khổ) ách, chứng Niết-bàn, và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, thoát khỏi các (khổ) ách, chứng Niết-bàn. Tri và kiến khởi lên nơi họ: "Sự giải thoát của chúng ta không bị dao động, đây thức gì được hiện khởi như vậy đều quy là đời sống cuối cùng. Nay không còn tái sanh nữa".
Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... (như trên)... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân cảm xúc là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, là năm dục trưởng dưỡng. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc, bị tham đắm, bị mê say bởi năm dục trưởng dưỡng này, không thấy sự nguy hại củ húng, không biết rõ sự xuất ly khỏi chúng, mà thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: "Các Người đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị Ác ma sử dụng như ý muốn". Này các Tỷ-kheo, như một con nai sống trong rừng bị sập bẫy nằm xuống, con nai ấy cần phải được hiểu là: "Nó đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị thợ săn sử dụng như ý muốn. Khi người thợ săn đến, con nai không thể bỏ đi như ý muốn. Này các Tỷ-kheo, cũng vậy, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc... (như trên)... đã bị Ác ma sử dụng như ý muốn. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không bị trói buộc, không bị tham đắm, không bị mê say bởi năm dục trưởng dưỡng này, thấy sự nguy hại của chúng, biết rõ sự xuất ly khỏi chúng, và thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: "Các Người không rơi vào bất hạnh, không rơi vào tai họa, không bi Ác ma sử dụng như ý muốn". Này các Tỷ-kheo, như một con nai sống trong rừng, không bị sập bẫy phải nằm xuống, con nai ấy cần phải được hiểu là: "Nó không rơi vào bất hạnh, nó không rơi vào tai họa, nó không bị người thợ săn sử dụng như ý muốn". Khi người thợ săn đến, con nai có thể bỏ đi như ý muốn. Này các Tỷ-kheo, cũng vậy, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không bị trói buộc... không bị Ác ma sử dụng như ý muốn.
Chư Tỷ-kheo, ví như con nai sống trong rừng, đi qua đi lại trong rừng, an tâm nó đi, an tâm nó đứng, an tâm nó ngồi, an tâm nó nằm. Tại sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì nó vượt khỏi tầm tay của người thợ săn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc, do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là: một vị đã làm Ác Ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma. Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các vị Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... vượt khỏi tầm mắt của Ác ma.
Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tướng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức Vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ- kheo ấy được gọi là...đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng (định). Sau khi thấy bằng trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là một vị đã làm Ác ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma. Vị ấy đã vượt khỏi mọi triền phược ở đời. An tâm vị ấy đi, an tâm vị ấy đứng, an tâm vị ấy ngồi, an tâm vị ấy nằm. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì vị ấy vượt khỏi tầm tay của Ác ma.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.



*** Toát Yếu Kinh Trung Bộ
NS. Thích Nữ Trí Hải

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 26

Thánh cầu
I. TOÁT YẾU
Ariyapariyesana Sutta - the noble search.
The Buddha gives the Bhikkhus a long account of his own quest for enlightenment from the time of his life in the palace up to his transmission of the Dhamma to his first five disciples.

Sự tầm cầu cao thượng.
Phật kể cho chúng tỳ kheo về sự tầm cầu giác ngộ trong đời Ngài, từ khi còn ở trong cung điện cho đến khi truyền Pháp cho năm đệ tử đầu tiên.
II. TÓM TẮT
Một số đông tỳ kheo đang hội họp ở tịnh thất của bà la môn Rammaka khi Phật đến. Ngài hỏi họ đang bàn chuyện gì, họ trả lời đang luận bàn về đức Thế tôn. Phật khen và dạy, khi tỳ kheo tụ hội chỉ có hai việc nên làm: hoặc bàn luận về Pháp, hoặc giữ sự im lặng của bậc thánh. Và Ngài giảng giải về hai sự tầm cầu. Một là trong khi mình đang bị sinh già bệnh chết, khổ sầu, ô nhiễm, lại đi tìm cầu những thứ cũng bị sinh già bệnh chết, khổ sầu, ô nhiễm; đó là vợ con, tôi tớ, vàng bạc, của cải.... Hai là khi thấy mình bị già chết, khổ sầu, ô nhiễm, bèn đi tìm những thứ vượt ngoài già chết, khổ sầu, ô nhiễm.... đạt đến niết bàn, thoát khỏi mọi khổ ách.

Phật kể lại, trong lúc tuổi trẻ, tóc còn đen nhánh, do thấy mình bị sinh, già chết, khổ sầu, ô nhiễm, nên Ngài đã ra đi tìm cái không già chết, khổ sầu, ô nhiễm. Lúc đầu, Ngài theo học đạo sĩ Alara Kalama. Chỗ chứng đắc cao nhất của vị này là Vô sở hữu xứ. Sau một thời gian, Ngài cũng chứng được Vô sở hữu xứ, được thầy xem ngang hàng, mời ở lại cùng lãnh đạo đồ chúng, nhưng Ngài đã bỏ đi vì thấy Vô sở hữu xứ chưa phải Niết bàn. Vị thầy thứ hai là Uddaka Ramaputta, cho rằng chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ là tối cao. Ngài cũng nhanh chóng đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, được Uddaka khen ngợi, mời ở lại cùng lãnh đạo, nhưng Ngài đã từ chối vì biết Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng chưa phải là Niết bàn. Ngài ra đi đến tụ lạc Uruvela xứ Ma kiệt đà, vào khu rừng khả ái ở bên sông để tinh tấn thiền định. Ngài đã chứng được cái không sinh, già, bệnh, chết, khổ sầu, cái không ô nhiễm; đạt đến Niết bàn, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.
Ngài suy nghĩ, Pháp Ngài chứng được thật sâu kín, siêu lý luận, chỉ bậc trí thấu hiểu; đối với quần chúng đam mê khoái lạc, rất khó thấy pháp Duyên khởi này, rất khó hiểu thấu sự tịnh chỉ tất cả hành, từ bỏ sinh y, đạt đến ái diệt, ly tham, Niết bàn. Nếu thuyết pháp mà quần chúng không hiểu thì chỉ thêm phiền não. Do vậy tâm Ngài do dự không muốn thuyết pháp. Khi ấy Phạm thiên xuất hiện, cầu thỉnh Ngài vì chúng sinh mà mở cửa Pháp cam lồ vi diệu. Phật lại quán thấy có ba hạng chúng sinh, như ba hạng hoa sen: Có hạng còn chìm nghỉm; có hạng vươn lên ngang mặt nước; nhưng cũng có hạng đã vượt khỏi mặt nước, không bị nước làm ướt. Chúng sinh cũng vậy, có hạng nhiều nhiễm bụi đời, có hạng ít nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, có hạng độn căn. Khi ấy Ngài quyết định ra thuyết pháp. Và hai người đầu tiên Ngài nghĩ đến là hai vị thầy của Ngài trước kia; nhưng chư thiên cho Ngài biết Alara Kalama đã từ trần cách đó bảy ngày, còn Uddaka Ramaputta vừa mới tạ thế. Khi ấy Ngài đi đến vườn Lộc uyển ở Ba la nại tìm năm anh em Kiều Trần Như để hóa độ. Trên đường đi, Ngài gặp ngoại đạo Upaka. Vị này trông thấy sắc diện thanh khiết của Phật, khen ngợi và hỏi Ngài thờ ai làm thầy. Khi nghe Phật trả lời Ngài không có thầy, Ngài đã tự chứng thành bậc Chính đẳng giác trên đời không ai bằng, ngoại đạo Upaka lắc đầu bỏ đi. Khi đến vườn Lộc uyển, Ngài tìm gặp năm anh em Kiều Trần Như để thuyết pháp cho họ.
Ngài giảng về năm dục trưởng dưỡng là sắc thanh hương vị xúc. Những sa môn bà la môn nào bị chúng trói buộc thì phải rơi vào cạm bẫy Ác ma, như nai bị sập bẫy thợ săn vì tham ăn. Những sa môn bà la môn nào biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm dục thì không bị chúng trói buộc, không rơi vào cạm bẫy Ác ma, như nai không sập bẫy. Vị ấy có thể tu chứng bốn thiền, bốn không và Diệt thọ tưởng định, vượt khỏi tầm mắt của Ác ma, như nai không bị sập bẫy, vượt khỏi tầm tay thợ săn, có thể tung tăng trong rừng.
III. CHÚ GIẢI
Sự im lặng của bậc Thánh: Theo Luận giải kinh Trung bộ, "im lặng như thánh" là nhị thiền (không còn tầm tứ) và đề mục thiền căn bản của hành giả - ví dụ quán tứ niệm xứ. Người nào chưa đắc nhị thiền thì nên giữ sự "im lặng của bậc thánh" bằng cách bám sát đề mục thiền căn bản của mình.

Sinh y - upadhi: Nghĩa gốc là nền tảng, cơ sở. Luận kể ra nhiều loại sinh y là năm uẩn, các đối tượng của dục lạc, các ô nhiễm, và nghiệp. Đại đức Bodhi diễn dịch sinh y là "đối tượng chấp thủ" hoặc chính sự chấp thủ. Niết bàn là sự từ mọi sinh y với cả hai nghĩa ấy.
Vàng bạc là thứ không bị sinh già bệnh chết sầu bi khổ... nhưng theo Luận, nó vẫn bị ô nhiễm vì có thể pha lẫn với kim loại kém giá trị hơn nó.
Vô sở hữu xứ - base of nothingness: Định thứ ba trong bốn định vô sắc - immaterial attainments, thuộc thiền chỉ - serenity meditation. Mặc dù là những chứng đắc cao siêu, bốn thiền bốn định vẫn còn thuộc thế gian, không đưa đến Niết bàn. Tuổi thọ ở Vô sở hữu xứ - chỗ tái sinh của thiền giả chứng Vô sở hữu - là sáu mươi ngàn kiếp, sau đó vẫn phải rơi xuống các cõi thấp và chịu luân hồi sinh tử, chưa thoát khỏi lưới bẫy của Ác ma.
Pháp, theo Luận giải, chính là Bốn chân lý cao cả. Pháp này gồm hai điểm cốt yếu là Duyên khởi và Niết bàn. Duyên khởi bao gồm Khổ và Tập trong bốn chân lý, Niết bàn là Diệt và Đạo.
Không muốn thuyết pháp: Luận nêu lên câu hỏi ở đây là, tại sao Bồ tát đã từ lâu phát nguyện tìm đạo để cứu chúng sinh, mà bây giờ tâm Ngài lại do dự. Lý do là, chỉ sau khi đắc đạo, Ngài mới thấy rõ sức mạnh của vô minh phiền não trong tâm chúng sinh, và sự sâu xa vi diệu của Pháp. Hơn nữa, Ngài chờ Phạm thiên cầu thỉnh mới ra nói Pháp, là cốt cho những người thờ Phạm thiên thấy được giá trị của Pháp và mong mỏi lắng nghe.
Ngoại đạo Upaka: Luận nói ông này sau khi gặp Phật rồi bỏ đi, đã yêu một cô gái con thợ săn và cưới nàng. Chỉ sau khi bị đau khổ vì tình, Upaka mới trở lại tìm Phật. Ông đã gia nhập tăng đoàn, chứng quả thứ ba - Bất hoàn - và sinh vào cõi trời Avìha, nơi ông đắc quả A la hán.
Sa môn bà la môn.... Đoạn này đề cập trở lại sự tầm cầu bất đáng nói ở đầu Kinh là tầm cầu năm dục, cốt để hiển là "tầm cầu cao thượng" hay thánh cầu, mà trong đời sống xuất gia vẫn có thể có những tầm cầu bất đáng, những tầm cầu đưa đến sinh già bệnh chết sầu khổ ô nhiễm.
IV. PHÁP SỐ
Bốn thiền, Bốn không, Năm dục trưởng dưỡng, Chín định thứ đệ.

V. KỆ TỤNG
Tịnh thất Ra-ma-ka
Chúng tỳ kheo tụ tập
Đang bàn luận về Phật
Thì Thế tôn đến liền.
Khi biết chuyện, Phật khen:
Tỳ kheo lúc nhóm họp
Chỉ nên bàn luận Pháp
Hoặc như thánh mặc nhiên.
Có hai sự tầm cầu:
Thánh cầu và phi thánh.
Sinh, già, bệnh, chết, sầu,
Ô nhiễm là phi thánh.
Tìm năm dục trưởng dưỡng
Gọi là phi thánh cầu
Trong khi mình đã khổ
Lại rước thêm khổ đau.
Thế nào là thánh cầu?
Xưa kia khi hành đạo
Xét nguy hiểm của "sinh"
Ta đi tìm vô sinh.
Xét nguy hiểm của già
Ta tìm cái không già
Xét nguy hiểm của bệnh
Ta tìm cái không bệnh
Xét nguy hiểm của chết
Ta tìm cái bất tử
Tự mình bị khổ sầu
Ta tìm cái không sầu
Tự mình bị ô nhiễm
Ta tìm cái không nhiễm
Đạt niết bàn vô thượng
An ổn thoát khổ ách.
Ta cạo bỏ râu tóc
Trong độ tuổi thanh xuân
Và từ bỏ gia đình
Đi tìm cái chí thiện.
Thầy đầu tiên ta gặp
Chứng Vô sở hữu xứ
Cho thế là tối cao.
Tín tấn niệm định tuệ
Trong ta lại thiếu sao?
Ta nỗ lực tinh cần
Chứng Vô sở hữu xứ.
Thầy vô cùng khen ngợi
Xem ta người ngang hàng
Mời trông coi đệ tử
Nhưng ta lại ra đi
Vì thấy rõ pháp ấy
Không hướng đến yểm ly
Không đưa đến niết bàn
Chỉ đến Vô sở hữu.
Kế tiếp ta đã gặp
Út đa Ra-ma tử
Vị này chỉ tuyên bố
Phi tưởng phi phi tưởng.
Ta cũng đắc pháp ấy
Biết chưa phải tối thượng
Nên ta lại ra đi
Tìm vô thượng niết bàn.
Tại xứ Ma kiệt đà
Trong khu rừng ven sông
Ta tinh cần tinh tấn
Đạt giải thoát bất động
Đây đời sống cuối cùng.
Ta chứng cái không sinh
Không già, bệnh, chết, sầu
Chứng cái không ô nhiễm:
Niết bàn khỏi khổ ách.
Rồi ta lại suy nghĩ
"Sao ta nói chính pháp
Được chứng ngộ khó khăn?
Những ai còn tham sân
Khó chứng ngộ pháp này
Đi ngược dòng, thâm diệu
Kẻ ái nhiễm vô minh
Không thấy được pháp này."
Bấy giờ vị Phạm thiên
Hiện xuống trước mặt ta
Chắp tay mà cầu thỉnh:
"Tại xứ Ma kiệt đà
Hiện ra pháp bất tịnh
Do suy tư tác thành.
Hãy mở cửa bất tử
Cho chúng được nghe pháp
Mà bậc thánh vô uế
Đã chân chính giác ngộ.
Như đứng trên tảng đá
Tại chót đỉnh núi cao
Đưa mắt nhìn chúng sinh
Quần chúng dưới chân mình.
Cũng vậy đấng Thiện thệ
Biến nhãn không sầu muộn
Lên lầu cao Chính pháp
Nhìn xuống đám quần sinh
Bị sinh già áp bức
Bị ưu tư sầu khổ
Anh hùng, hãy đứng lên
Bậc Chiến thắng chiến trường
Vị trưởng đoàn lữ khách
Đấng thoát ly nợ nần
Hãy thuyết vi diệu pháp
Sẽ có người nhờ nghe
Mà thâm hiểu diệu nghĩa."
Tại khu vườn Lộc uyển
Gặp nhóm năm tỳ kheo
Ta giảng về năm dục
Vị ngọt cùng nguy hiểm
Và xuất ly khỏi chúng
Ai bị dục trói buộc
Không thoát khỏi ác ma.
Tỳ kheo lìa ác dục
Chứng trú tám giải thoát
Cho đến diệt tận định
Ác ma không thấy được.
Như nai được tự do
Thoát tầm thợ săn bẫy.






(Lời thỉnh của Phạm thiên viết theo một bài giảng của HT Thiện Siêu)
  http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-ty-03.htm






          

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Lục Tự Di Đà

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Pháp Sư Giác Nhiên
Tứ Kệ Tỉnh Tâm 
Chữ NAM theo nghĩa cố tầm

Niệm Phật là niệm cái tâm vậy mà

Thường tình tánh nóng của ta

Phải mau dập tắt, lòng tà bỏ đi.

Chữ MÔ cũng rán làm y

Tâm không lẳng lặng vướng chi việc trần

Rán mà giữ giới chuyên cần

Phàm tâm dứt bỏ đặng gần Thánh Tiên.

Chữ A là giữ cho yên

Dưỡng tâm, dưỡng tánh lại chuyên dưỡng thần

Ngồi nằm đi đứng ân cần

Tùng tâm biệt niệm nhất trần biệt vô.

Chữ DI sâu nghĩa rán mò

Khí tinh nơi thận cần cho đủ đầy

Khuyên đừng dâm dục tạo gây

Báu nhà gồm hết đủ đầy thần thông.

Chữ ĐÀ có nghĩa sáng trong

Quán soi mọi vật khắp trong cảnh đời

Biển trần sóng bủa chơi vơi

Đạo mầu tịch chiếu rạng ngời thân tâm.

Chữ PHẬT là nói cái mầm

Hãy đem trí não mà tầm cho ra

Thế gian lựa giống nơi ta

Quỷ, Ma, Trời, Phật cũng là tại tâm.

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Nở hoa tâm hồn

Tu Phật là để tâm hồn mình luôn nở hoa.
Mỗi ngày cố gắng làm lợi cho người, không giúp được thì cũng không gây đau khổ, để nhìn đời thấy đẹp. Chúng ta thấy rõ mỗi loài đều có nghiệp, nó yếu ớt, không chống trả được loài người, nên phát tâm thương, giúp, cứu được là cứu và làm được nhiều việc thiện thì sau tâm chúng ta luôn an lạc, vì nhớ đến quá khứ tốt, tâm ta sẽ an, nhớ quá khứ xấu, tâm chúng ta sẽ khổ. Làm được nhiều việc tốt, thì kết thúc trăm hoa đua nở trong lòng, tất cả những gì làm tốt trong quá khứ đều có trong lòng chúng ta và cái hôm nay sẽ là nhân cho cái sau. 
(Trích lời HT Thích Trí Quảng)
Bài kệ Pháp danh của HT:
NHẬT lãm Thiền tông cđại nhân
NGHIÊM trì giới hạnh siêu tinh thần
TRÍ châu Pháp giới chơn thường lạc
QUẢNG phát tâm hoa nhựt nhựt tân.   


Học theo chư Tôn Đức, đệ tchúng con nguyện Y giáo phụng trì
Bài kệ Pháp danh Ngọc Thanh:
Ngọc Thanh thanh chất vượt phàm tình
Lóng đục, gìn trong rạng đức minh
Góp phước tu duyên duyên giải thoát
Quên mình lo đạo đạo viên thành.

Bài kệ Pháp danh Ngọc Trang:
Ngọc Trang thân ý thảy nghiêm trang
Trang ngữ lời thanh tiếng dịu dàng
Trang chỉnh giáo điều nương cửa ngọc
Trang hoàng hạnh đức vượt đài vàng.     

    

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Cảm Niệm cố HT Thích Giác Dũng (GDIII)


Cảm Niệm GĐ III
TT. Thích Giác Duyên
Ngưỡng bạch chư tôn Giáo phẩm trong Ban tổ chức tang lễ,
Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni,
Thưa chư liệt vị!
Suốt mấy ngày nay tại vùng Nam Tây nguyên tỉnh Đăk Lăk, nơi mảnh đất trù phú nổi tiếng hồ tiêu, cà phê cả nước, không phân biệt tình đời nghĩa đạo, lớp lớp người đang cúi đầu rơi lệ để cung tiễn nhục thân cố Hòa thượng Trưởng Giáo đoàn III Hệ phái Khất Sĩ về thế giới vô tung. Sự vĩnh viễn ra đi của Ngài không chỉ là sự mất mát lớn lao đối với Giáo đoàn III, với Phật giáo tỉnh Đăk Lăk mà còn là sự mất mát lớn lao với cả hệ phái Khất Sĩ, với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung. Một khi chiếc thuyền đã tách bến, một khi đại thọ đã ngã xuống...làm sao không khỏi kính tiếc. Và rồi, từ đây toàn thể Tăng Ni Phật tử không còn được nghe những lời pháp nhũ của bậc đạo phong khả kính mẫu mực để noi theo. Thì, ôi ! còn đau đớn nào hơn nữa!
Quả thật là :
Thầy con nay đã đi rồi
Đường mây giá lạnh phương trời cách xa
Trời chiều ngã bóng xế tà,
Đêm về sương lạnh xa xa bóng Thầy.
Dư âm văng vẳng đâu đây,
Dường như lời giảng của Thầy hôm nao.
Gió lay cành lá xạc xào,
 Thầy con nay đã đi vào … hư vô
Kính bạch Giác linh cố Hòa thượng !
Tăng Ni và Phật tử của hơn 80 ngôi tịnh xá của Giáo đoàn III chúng con cứ ngỡ rằng, Hòa thượng vẫn là vị thủy thủ đưa con thuyền chúng con còn lênh đênh trong biển đời ngũ trược cập bến. Nhưng hỡi ơi!
Thầy vội ra đi quá bất ngờ,
Đàn con mất mẹ sớm bơ vơ.
Thật là một bất hạnh vụt đến với chúng con, như sét đánh ngang tai, cố Hòa Thượng đã xả báo thân để riêng mình nhẹ bước về Tây. Thật là một nỗi đau lòng nhưng phải đành bất lực trước định luật vô thường. Vẫn biết cuộc đời là quán trọ, con người là lữ khách, đến để rồi đi. Hay nói cách khác, cái gì đã có tụ phải có tán, có sinh phải có diệt, hoa tàn lá rụng, cũng như nước chảy xuôi đi không bao giờ trờ lại, là định luật tự nhiên! Biết được sự biến thiên của vũ trụ là như thế, nhưng lòng chúng con vẫn quặn thắt trước sự mất mát lớn lao này, lòng chúng con vẫn quá đau xót ngậm ngùi trước giờ phút cung tiễn nhục thân của cố Hòa thượng thể nhập Vô sanh.
Ngưỡng bạch Giác linh cố Hòa Thượng !
Suy niệm lại cuộc đời Ngài, năm mươi năm đạo hạnh thanh tu, nhưng vẫn với một nhân cách từ hòa, bình dị, khiêm cung và đã cảm hóa bao nhiêu pháp hữu cùng môn đồ hậu học. Pháp âm của Ngài đã lan tỏa khắp muôn nơi, đánh thức biết bao tâm tư lạc lõng. Những lời vàng ngọc ấy thấm vào tận tâm khảm của mọi người, đánh thức họ trở về quê cũ, lìa xa ta bà đau khổ mà về cảnh tịnh nhàn vui. Hành trạng tu tập cùng công đức hoằng hóa cao dày như thế khiến hàng hậu học chúng con ngày nay và ngày sau luôn ghi nhớ mãi.
Nhưng, còn đâu nữa ngày hai buổi cố Hòa thượng đã từng bước chậm rãi trong cung cách thiền hành các nơi tịnh xá, còn đâu nữa những khóa tu dành cho Sa-di, Sa-di-ni, tập sự của Giáo đoàn một năm 3 lần được cố Hòa thượng sáng chiều khuyên dạy ; còn đâu nữa những khóa tu Truyền thống Hệ phái được cố Hòa thượng cùng chư Tôn đức dẫn dắt tu tập sửa mình ; còn đâu nữa mỗi năm hai lần cố Hòa thượng dẫn Đoàn thăm các tịnh xá, khuyến tấn chư vị trụ trì, chư Tăng Ni trú xứ cùng thiện nam tín nữ tu học ...
Ngưỡng bạch Giác linh cố Hòa thượng!
Trước cảnh cánh hạc bay xa, non đồi nghiên đổ, mây trắng phủ mờ, văn tự ngôn ngữ trần gian đành không thể nào diễn tả hết nỗi đau thương ấy. Ôi ! Thật đau đớn quá !
Chúng con vẫn biết :
Nhạn quá trường không              Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý                   Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Nghĩa là, nhạn bay trên không, bóng chìm đáy nước, chim nhạn không để lại dấu vết, nước cũng không muốn lưu hình. Nhưng tiếc thay, chúng con chưa thể nhập được sự kỳ diệu của pháp vô sanh, nên còn thấy buồn đau nuối tiếc.
Giờ đây, chỉ còn thời gian ngắn nữa thôi, huyễn thân của cố Hòa thượng sẽ được cung tiễn đến nơi tà tỳ. Nhục thân của Ngài sẽ nghìn thu vĩnh biệt, cõi trần thế đã khuất bóng một vì sao, nơi Lạc cảnh được nở thêm đóa sen Thượng phẩm. Trước giờ ly biệt, chúng con quỳ trước linh đài với trầm hương tỏa mờ, những nọn nến lung linh, phảng phất đâu đây âm vang pháp nhũ của Ngài. Thay lời Ban Lãnh đạo và toàn thể Tăng Ni, tín đồ Giáo đoàn III Hệ phái Khất Sĩ, chúng con xin nguyện:
Thầy ngự trên tòa Thượng phẩm cao,
Hoa sen đua nở tự tiêu dao.
Tây phương trở gót xin hồi nhập,
Tiếp độ chúng sanh tự thuở nào!
Chúng con nguyện noi gương đạo hạnh của Ngài, nghiêm trì giới luật, tiến tu đạo nghiệp,hướng dẫn đàn hậu tấn thăng tiến trên đường đạo, nối gót những gì mà cố Hòa thượng đã dạy dỗ, đã in dấu ngân vang.
Kính lạy Giác linh cố Hòa thượng thùy từ chứng giám.
 Hoa Đăng Tưởng Niệm HT